Sáng 22-1, tại phiên thảo luận về văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Đại hội XII), với chủ đề tham luận “Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia”, đến từ vùng biển Miền Trung, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhấn mạnh: “Sống nhờ biển, giàu lên từ biển nên ta phải bám biển, giữ biển. Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia là chủ trương lớn, là chiến lược nhất quán, là sự nghiệp lâu dài của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
Theo ông Lê Viết Chữ, ngược dòng lịch sử hơn 1 thế kỷ trước, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Hay đã cho rằng Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động nhất hành tinh và Việt Nam may mắn nằm trong không gian năng động đó; Biển Đông là một bộ phận của Thái Bình Dương.
Bí thư Quảng Ngãi cho biết về kinh tế, biển là nguồn sống của một bộ phận cư dân không nhỏ sống trên đảo Lý Sơn và dọc theo bờ biển của 5 huyện. Từ ngàn đời nay, người dân Quảng Ngãi đã bám biển và sống nhờ biển với các ngành nghề truyền thống dựa vào biển từ khai thác, đánh bắt đến nuôi trồng, chế biến các nguồn lợi hải sản. Không một người dân nào trên quê hương Quảng Ngãi không tự hào mỗi khi khai hội Khao lề thế lính Hoàng Sa.
Nhiều thế kỷ trước, nhất là đầu thế kỷ XIX, lớp lớp thế hệ dân phu từ đảo Lý Sơn đến xã Bình Châu vâng lệnh các vua, chúa nhà Nguyễn lên đường ra Hoàng Sa và Trường Sa để thực thi chủ quyền, dựng bia cắm mốc và khai thác sản vật. Nhiều ngôi mộ gió và các kỷ vật, sắc chỉ, chỉ dụ của các triều vua còn lưu lại trên đảo Lý Sơn như minh chứng hùng hồn về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Lê Viết Chữ dẫn lại thực tiễn những năm gần đây, mặc dù tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, từ tháng 5-2014 đến hết tháng 12-2015, có 135 tàu với 1.626 lượt ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, ngăn cản, đập phá, xua đuổi, cướp tài sản nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa.
Cùng với đó là kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, cảng biển còn yếu kém; phương tiện, thiết bị kỹ thuật của lực lượng quản lý, bảo vệ biển chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo vẫn còn hạn chế, tàu thuyền công suất lớn chưa nhiều; việc bám biển dài ngày gặp nhiều khó khăn, rủi ro còn cao. “Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các tỉnh ven biển phát triển, hiện đại hóa đội tàu công suất lớn để nâng cao hiệu quả khai thác dài ngày trên biển; có chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân giàu mạnh tức là nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo”- ông Chữ kiến nghị.
Đối với huyện đảo Lý Sơn, Bí thư Quảng Ngãi đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng nơi đây trở thành một đô thị biển hiện đại với thế mạnh vượt trội là kinh tế du lịch, thủy sản; đồng thời là một cứ điểm quân sự trọng yếu trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật quân sự hiện đại cho lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển để ngăn ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự vùng biển, bảo vệ ngư dân sản xuất trên biển; đồng thời sẵn sàng tác chiến thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Bên lề Đại hội, trả lời báo chí, Trung tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định đối với quân đội, trong nhiệm kỳ tới, nhiệm vụ giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, giữ vững ổn định, an ninh chính trị để phát triển đất nước là 2 vấn đề rất quan trọng, gắn bó chặt chẽ với nhau. Phải lấy lợi ích cốt lõi của đất nước là trên hết. Làm sao để đất nước luôn luôn trong trạng thái ổn định để phát triển, phát triển một cách bền vững.
Trong quan hệ đối ngoại, trách nhiệm của lực lượng vũ trang Việt Nam là luôn thể hiện cam kết giữ gìn ổn định sự phát triển chung trong khu vực và quốc tế, xử lý những bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với các nước láng giềng, với bè bạn quốc tế để tạo điều kiện phát triển đất nước, cùng phát triển vì sự phát triển chung của cả nhân loại.
Bình luận (0)