Ông Trần Hữu Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết huyện có đề xuất này là để bảo tồn nguồn hải sản đang ngày càng ít đi và hướng đến mục tiêu xây dựng quanh đảo Lý Sơn thành khu bảo tồn biển, đa dạng, phong phú các loài hải sản ven đảo.
Theo ông Nguyên, trong những năm gần đây, cứ đến mùa cá nổi đổ về trên vùng biển ven đảo Lý Sơn là có rất nhiều tàu cá ở các tỉnh như Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên và cả tàu của người dân địa phương đổ xô đánh bắt cá cơm, cá nổi theo kiểu hủy diệt. Họ dùng lưới cào (loại lưới có lỗ rất nhỏ) rồi dàn hàng ngang đánh bắt tất thảy cá lớn, cá bé và thậm chí còn dùng thuốc nổ để hủy diệt môi trường. Có nhiều trường hợp xảy ra xô xát giữa các tàu đánh bắt theo kiểu này với nhau…
Thực tế, theo ghi nhận của chúng tôi, trong những ngày qua có hàng chục chiếc tàu giã cào công suất lớn ở tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên càn quét vùng biển ven bờ các xã thuộc huyện đảo Lý Sơn.
Ông Ngô Văn Bông, một ngư dân địa phương, bức xúc: “Các tàu giã cào này thường xuyên xuất hiện ở đây để đánh bắt hải sản theo kiểu tận diệt. Hồi trước, với nghề đánh bắt truyền thống, ngư dân chúng tôi mỗi ngày cũng có được 5-10 kg cá, mực. Khi có các tàu giã cào này, chúng tôi đánh chẳng được con cá nào. Vậy nhưng chưa thấy cơ quan chức năng nào xử lý họ cả”.
Việc đánh bắt của các tàu giã cào này không những nguồn hải sản bị tận diệt mà còn khiến các rạn san hô ngầm cũng bị tàn phá sạch. Ngay cả các lồng nuôi cá của người dân địa phương ngoài biển cũng bị họ quét sạch. Ai phản ứng thì sẽ bị dọa giết, đánh thuốc nổ. Người dân địa phương hết sức bất bình.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (huyện Lý Sơn), nhận định: “Theo tôi, để bảo vệ nguồn lợi hải sản và môi trường ven đảo, giữ cho Lý Sơn mang một nét đặc trưng riêng, đề xuất nói trên hoàn toàn hợp lý, phù hợp với mong muốn của người dân”.
Theo bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, hiện đề xuất này mới chỉ được huyện trình lên UBND tỉnh Quảng Ngãi. Khi nào được sự đồng ý của tỉnh, huyện sẽ triển khai ngay lệnh cấm.
“Tình trạng các tàu giã cào hoành hành, tàn phá nguồn tài nguyên biển, chúng tôi đều nắm rất rõ. Tuy nhiên, do ngành không có phương tiện ra khơi xử phạt nên chủ yếu tuyên truyền là chính”.
Ông Lê Văn Hưng, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi
Bình luận (0)