Hãy nghe ông Lưu Văn Bản, nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Hải Dương, lý giải về chuyện ở cơ quan cũ của ông: Sở có 9 phòng thì chỉ 6 phòng làm chuyên môn; hơn 10.000 hồ sơ về chính sách tồn tại qua nhiều thời kỳ lãnh đạo mà chưa được giải quyết; thời gian xử lý thủ tục hành chính cho nhân dân rườm rà, mất tới 30 ngày; cả tỉnh có 12 huyện và thị xã… Cho nên, nếu mỗi phòng chỉ có một phó thì không thể phụ trách hết được…
“Do vậy, số cấp phó được sở họp lên họp xuống, rồi quyết định tăng lên 3, lên 4. Việc tăng số cấp phó không phải để những vị này ngồi chơi, hưởng lương mà chính là để tăng trách nhiệm với công việc…” - ông Bản phân bua.
Cứ như ông Bản nói, nếu việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo trên thực tế luôn đi liền với tăng trách nhiệm với công việc thì 2 biên chế còn lại đang làm “lính” ở sở này chắc sẽ sớm được thăng chức, tức đạt 100% biên chế làm lãnh đạo! Mà 44/46 biên chế làm sếp cũng đã là vô tiền khoáng hậu rồi.
Thực ra, ông nguyên giám đốc cố nói cho qua chuyện. Sếp càng nhiều, hiệu quả công việc càng cao là suy luận hết sức mơ hồ, nhất là trong hệ thống hành chính ở nước ta. Chỉ cần tranh biện đơn giản: Ai cũng làm sếp thì sếp nói ai nghe; thăng quan tiến chức dễ dàng đến vậy thì ai còn động lực mà phấn đấu... cũng đủ thấy lý do “bổ quan” hàng loạt ở Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hải Dương là không ổn.
Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hải Dương đang quản lý, chi trả chế độ cho khoảng 39.000 liệt sĩ, 21.000 thương binh, trên 8.000 bệnh binh, gần 8.000 người nhiễm chất độc hóa học, hơn 7.000 người hoạt động kháng chiến bị tù đày, hơn 3.000 mẹ anh hùng… Khối lượng công việc như thế đã nhiều vượt trội so với sở LĐ-TB-XH của hầu hết các tỉnh - thành khác chưa? Đã nặng nề nhất nước chưa? Chắc chắn không phải. Mà những công việc này thì chỉ tầm nhân viên làm là được cả, hà cớ gì phải lắm trưởng - phó phòng cho tốn kém. Thế nên, trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra hôm 31-10, đã có vị đại biểu nói thẳng lời biện hộ của nguyên giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hải Dương là “lấp liếm”!
Trường hợp này đang bị Bộ Nội vụ thanh tra, sẽ rõ đúng - sai trong vài tuần tới. Hạ chức hàng loạt trưởng - phó phòng ở sở này chăng? Xử lý cách gì đi nữa thì cũng chỉ là cắt ngọn. Cái gốc của câu chuyện là các cơ quan giám sát ở địa phương, trong đó quan trọng nhất là HĐND tỉnh, đã ở đâu và làm gì mà để xảy ra cớ sợ này?
Tình trạng cả sở làm quan, cả họ làm quan không chỉ có ở Hải Dương mà diễn ra ở nhiều nơi. Tất cả đều được che chắn, bảo bọc bằng lá bùa “đúng quy trình”. Giải mã cho cái sự làm sếp tập thể ấy có lẽ câu trả lời khả dĩ duy nhất chính là bởi nếp nghĩ “làm quan, hưởng lộc” vốn đã ăn sâu vào não trạng của một bộ phận không nhỏ người Việt.
Bình luận (0)