Một tài xế xe biển xanh không chấp hành hiệu lệnh, chồm xe về phía cảnh sát với ý dọa dẫm.
“Ông kẹ” này sau đó được xác định tên họ là N.D.T, lái xe cho Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Dù ông T. đã xin lỗi sau đó song bộ chủ quản nói cơ quan sẽ không bao che cho người có hành vi sai trái.
Chuyện va quệt, vi phạm luật giao thông trên các ngả đường là chuyện thường ngày nhưng trong khi xe container, xe ben, xe buýt được xem là hung thần, thì xe biển xanh cũng được chú ý bởi là xe công. Mặt khác, do ứng xử của nhiều tài xế loại xe này tạo ra định kiến trong dư luận. Trước đó, đêm 10-12-2016, một tài xế xe biển xanh phóng nhanh trên phố Hà Nội và gây tai nạn nhưng không dừng lại mà nhấn ga bỏ chạy. Người dân truy đuổi, sau đó cảnh sát xác định được tài xế trên là ông Đ.V.H, lái xe cho Ban Kinh tế trung ương. Ngày 15-9-2016, ô tô biển xanh gây va chạm vì chạy ngược chiều trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP HCM nhưng tài xế L.H.H của Văn phòng Tổng cục Hải quan vẫn lớn tiếng, không xuống xe khiến nhiều người bất bình, dùng điện thoại ghi lại hình ảnh phản cảm của ông ta.
Lẽ đời trước nay vẫn vậy, trong những cơ quan công quyền quan trọng thì nhiều nhân viên có ngạch bậc thấp nhất vẫn tự cho mình cái quyền là người quan trọng. Thậm chí, họ đem lối nghĩ đó ra ngoài xã hội và hành xử một cách thiếu văn hóa. Người ngoài khi có việc vào cơ quan công quyền cũng dễ dàng nhận thấy kẻ phách lối ta đây nhất mà họ gặp đầu tiên là nhân viên bảo vệ, văn phòng. Những nhân viên này thường hạch hỏi, ra oai, làm khó. Nhiều người thậm chí không nhìn mặt khách, “nói” bằng cái hất hàm chỉ chỗ để xe hay lạnh lùng chỉ tay về chỗ để hồ sơ.
Vấn đề người dân muốn làm cho ra lẽ, muốn được rạch ròi là người ngồi trên xe, trong phòng làm việc là ai. Cơ quan công quyền, xét cho cùng, cũng là làm việc vì dân, cho dân; người làm chức vụ gì cũng là phục vụ cho dân nhưng phải đúng phận sự, chức trách của từng người. Trong trường hợp này, không chỉ cấp trên ngồi trong xe nhắc nhở khi tài xế vi phạm mà cấp quản lý trực tiếp trong cơ quan phải giám sát để chấn chỉnh thái độ hành xử của cấp dưới trong quan hệ giao tiếp với khách, với dân.
Với xe biển xanh, hãy nhắc nhở bác tài chạy cho tử tế, đừng ỷ thế đang làm nhiệm vụ quan trọng, chở yếu nhân mà xem thường cơ quan chức năng, xem thường CSGT đang thực thi công vụ. Bản thân chiếc xe biển xanh không có lỗi mà do hành xử của con người làm xấu đi hình ảnh của nó. Chiếc xe biển xanh không làm nên ông quan to, biển số xe màu gì không quyết định phẩm giá con người mà ông tài xế vẫn là tài xế, nhân viên bảo vệ hay văn phòng thì vẫn là nhân viên. Câu chuyện ngụ ngôn La Fontaine “Con ếch và con bò” vẫn đúng để nói về chức phận, làm sai làm quá thì vỡ bụng mà thôi.
Bình luận (0)