Mới đây, tại hội nghị về trật tự an toàn giao thông, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết thủ đô có khoảng 10 km đường sắt liên tỉnh xuyên tâm với rất nhiều đường ngang giao cắt. Đây là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông và nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt.
Vẫn sẽ gây áp lực
Qua đó, ông Bình đề xuất UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), di dời ga Hà Nội ra khỏi trung tâm TP nhằm xóa bỏ hẳn đường sắt liên tỉnh trong nội thành. Cơ quan chức năng có thể xem xét chuyển ga Hà Nội xuống huyện Thường Tín hoặc qua bên kia sông Hồng.
Ga Hà Nội Ảnh: VĂN DUẨN
Đây không phải lần đầu Công an TP Hà Nội đề xuất di dời ga Hà Nội khỏi khu vực trung tâm TP. Trước đề xuất trên, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho là không khả thi, bởi nhu cầu đi lại của người dân rất lớn. Đường sắt có lợi thế lớn là an toàn, đa số các ga đều nằm trong nội đô để đáp ứng thuận tiện cho nhu cầu đi lại của người dân.
Theo ông Minh, trách nhiệm của quản lý nhà nước phải đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân tốt nhất có thể. Nếu đường sắt ở Hà Nội gây ách tắc giao thông thì có thể nghiên cứu phương án cho đường sắt đi ngầm hoặc đi trên cao chứ không thể di chuyển đường sắt quốc gia ra ngoài trung tâm.
Ngoài ra, ông Minh cũng cho biết nếu ga đường sắt không ở trung tâm thì nhu cầu đi lại từ trung tâm ra ngoại thành rất lớn. Điều này đòi hỏi phải bổ sung thêm phương tiện vận chuyển hành khách gây tốn kém, đồng thời tạo áp lực lớn lên hạ tầng giao thông từ cửa ngõ tới nội đô.
"Một đoàn tàu 700 - 1.000 khách như hiện nay, nếu chuyển ga ra ngoại thành thì cần rất nhiều phương tiện trung chuyển số khách này. Điều này sẽ gây áp lực lớn đến giao thông nội đô" - ông Minh phân tích và còn cho biết trong quy hoạch của Hà Nội cũng như quốc gia, theo Quyết định 214 của Chính phủ, đến năm 2020, ga Hà Nội vẫn là ga trung tâm. Nếu chuyển ga trung tâm ra khỏi nội thành thì buộc phải thay đổi quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
Không khả thi
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, đường sắt quốc gia vẫn có ga trung tâm là Hà Nội. Ngoài ra, quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) và tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội) đều kết nối với đường sắt quốc gia, có điểm giao cắt trung chuyển tại ga Hà Nội. Quy hoạch như vậy là phù hợp với xu thế chung của các đô thị lớn trên thế giới như: Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Tokyo (Nhật Bản)… Tại các đô thị này, đường sắt quốc gia đều được bố trí ở trung tâm đô thị và kết nối với đường sắt nội đô, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong đi lại.
Tán thành nhận định của ông Đông, PGS-TS Chu Công Minh - giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM - cho rằng việc di dời ga Hà Nội ra khỏi trung tâm là không khả thi và cần xem xét kỹ lưỡng với đề xuất này. Xu thế của thế giới là nhà ga càng gần trung tâm đô thị càng tốt, ví dụ các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản đều có đường sắt đi trong nội đô.
"Di dời nhà ga sẽ rất tốn kém trong việc xây dựng hạ tầng, giao thông kết nối đến nhà ga mới, mà chưa chắc đã hết kẹt xe. Trong khi đó, Hà Nội có thể làm các tuyến đường sắt công cộng nội đô, metro, BRT… kết nối với ga đường sắt hiện tại sẽ thuận tiện cho nhu cầu đi lại của người dân" - ông Minh phân tích.
Ngoài việc nghiên cứu cho đi trên cao hoặc hạ ngầm để tránh xung đột, ông Minh còn cho rằng cơ quan chức năng có thể làm cầu vượt hoặc điều chỉnh giờ vào - ra của các chuyến tàu. Bên cạnh đó, để giải quyết ùn tắc, Hà Nội cũng có thể di dời một số trường ĐH, khu công nghiệp… ra ngoại thành.
Tai nạn đường sắt gia tăng
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết tai nạn đường sắt có xu hướng gia tăng phức tạp. Trong 7 tháng đầu năm đã xảy ra 14 vụ, làm 13 người chết, tăng 5 vụ và tăng 5 người chết so cùng kỳ năm 2016.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các sở, ban ngành của TP tập trung hạn chế, xóa bỏ điểm đen, ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và quản lý hoạt động kinh doanh vận tải; tập trung chấn chỉnh tình trạng sử dụng, lấn chiếm hè phố trái phép. Ngoài ra, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân khi tham gia giao thông.
Bình luận (0)