Với chiều dài gần 10 km, đường Nguyễn Văn Linh có nhiều xe container đi qua, nếu các phương tiện lưu thông không đúng làn, nguy cơ tai nạn rất cao. Do đó, CSGT thường xuyên túc trực và khi không có CSGT, người dân vẫn có ý thức tự giác, đi đúng đường, không lấn làn, mất trật tự.
Việc không đi đúng làn, chạy xe trên vỉa hè diễn ra khá phổ biến
Chuyện phải tuân thủ luật như một bổn phận tất yếu của công dân nhưng thành “chuyện lạ”, chuyện để vui mừng thì quả thật cái sự vui mừng nghe cũng xót.
Không riêng gì TP Hải Phòng mà nhiều nơi trên đất nước này, từ thành thị đến nông thôn, chuyện chạy xe không đúng luật giao thông diễn ra nhan nhản. Mới đây là clip nhóm thanh niên chạy xe máy đánh võng trước đầu ô tô suốt quãng đường dài. Trong những thước phim người nước ngoài quay về cảnh sắc, con người, ẩm thực Việt Nam, lọt vào khung hình là rất nhiều người chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm. Ngay trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh của Hải Phòng, những tấm ảnh cũng cho thấy một phần khác chưa đẹp. Đó là vẫn còn nhiều tấm bảng đặt dưới lòng đường, vỉa hè nhiều đoạn bị lấn chiếm, ô tô đậu trên vỉa hè, người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Hay như TP HCM, dù 2 tháng qua là cao điểm làm sạch vỉa hè, vẫn chưa thể chấm dứt tình trạng chạy xe máy leo lên lề đường.
Nói cho cùng, hầu hết các đô thị lớn đều bộc lộ thực tế đáng buồn về ý thức công dân trong giao thông. Đã có quá nhiều diễn đàn, phương tiện truyền thông nhắc nhở liên tục mà một bộ phận người dân vẫn ứng xử kém văn minh. Họ chỉ sợ duy nhất lực lượng CSGT mà thôi. Đang chạy xe nghênh ngang, lạng lách, người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm, thấy bóng CSGT là “ngoan” ngay, người ngồi sau xuống xe đi bộ, né CSGT rồi leo lên chạy tiếp. Nhưng hễ vắng bóng CSGT là bất chấp tất cả mọi người xung quanh, điềm nhiên khạc nhổ, vẩy tàn thuốc lá vào mặt người đi đường, bóp còi inh ỏi để giành đường, vượt đèn đỏ… Tình trạng kẹt xe cũng do những người này gây nên, không đi đúng luật lại còn giành giật nhau từng tấc đường gây ra tranh chấp không gian lưu thông rồi ùn tắc.
Ra đường phải tuân thủ pháp luật giao thông. Đó đã là luật nhưng nhiều người vẫn không tuân thủ. Các chiến dịch ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông và đủ các biện pháp tuyên truyền, đủ các phạt nóng, phạt nguội được đưa ra nhưng không ngăn được các hành vi vi phạm, không thay đổi được sự chấp pháp của một bộ phận người dân.
Thật xót xa cho sự tụt dốc của văn hóa giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông, trật tự đô thị phải từ cái nền nhận thức con người, mặt bằng dân trí và để làm được điều này quả thật không hề dễ!
Bình luận (0)