Tổng Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn đưa vào hoạt động từ ngày 26-1 đôi tàu SE7/8 với 59 toa tiêu chuẩn 5 sao (tổng vốn đầu tư 65 tỉ đồng).
Nhìn bộ ảnh đôi tàu này quả thực cũng ngon con mắt, giường nệm sạch sẽ, hành lang bóng loáng, phòng ốc sáng trưng như khách sạn 5 sao. Mừng cho dân mình có thêm điều kiện tốt để đi lại văn minh. Nghĩ lại thấy tủi cho dân mình, những ai có điều kiện đi nước ngoài, ngồi trên toa tàu của họ, đều thèm muốn Việt Nam có những toa tàu như thế.
Trước đây, ngành đường sắt đã có tàu SE3/4 cũng tự gọi là 5 sao nhưng chưa thu hút được khách hàng vì thiếu những dịch vụ nổi trội, nay thêm đoàn tàu này, liệu có gì mới hơn không?
Hành khách bỏ tiền đi tàu 5 sao là thụ hưởng cả một chuỗi dịch vụ 5 sao, không phải chỉ một cái giường hay một chiếc ghế. Sự thỏa mãn của hành khách là thụ hưởng các điều kiện phục vụ chất lượng cao trên một toa tàu, không phải chỉ trong một căn phòng.
Đầu tư một đôi tàu hay nhiều đôi tàu 5 sao nhưng đừng quên cái nhà ga là “phòng khách” của ngành đường sắt. Hiện nay, ga Sài Gòn chẳng hạn, tuy ở thành phố lớn nhất nước nhưng nếu chấm điểm e chưa đến 1/2 sao vì nó kém nhiều thứ, từ thiết kế, trang trí, tổ chức các dịch vụ trong ngoài nhà ga cho đến vệ sinh. Nhà ga như thế khó lòng hấp dẫn hành khách. Phải làm sao khi hành khách bước vào nhà ga, họ có thiện cảm ngay vì sự văn minh và hiếu khách mà chủ nhân của nhà ga mang đến cho họ.
Trên tàu, phòng vệ sinh quá bẩn thỉu, bẩn đến độ người ta ngại đi vệ sinh. Khắc phục nhược điểm này quá dễ nhưng bao nhiêu năm ngành đường sắt không làm nổi. Đi tàu không chỉ để ngồi, để nằm mà còn thưởng thức món ăn, ngắm phong cảnh và cả ngắm con người nữa. Người bỏ tiền mua vé 5 sao nhưng lại ăn món ăn “chẳng ra sao” thì ngán đến tận cổ. Thức ăn không ngon lại không bắt mắt, gây cảm giác mất vệ sinh thì còn lâu mới lôi được khách lên tàu.
Nhân viên phục vụ khách 5 sao cũng phải có gương mặt, nụ cười rạng rỡ, tươi tắn, xinh đẹp, thái độ phục vụ ân cần, chu đáo. Hình như những đoàn tàu thời bao cấp còn ám ảnh như ma ám lên ngành đường sắt, cho nên dù đi tàu chất lượng cao vẫn thấy đâu đó tàn dư của bao cấp. Tàn dư đó tồn tại trong từng sản phẩm, trên gương mặt của con người.
Hãy cố gắng lên ngành đường sắt. Muốn cạnh tranh với hàng không thì phải có tư duy kinh doanh hiện đại, năng động, văn minh như các hãng hàng không. Phòng vệ sinh trên máy bay sạch thì phòng vệ sinh trên tàu phải sạch tương đương; tiếp viên trên máy bay lịch sự, đẹp đẽ thì tiếp viên trên tàu cũng không kém.
Đường sắt cạnh tranh đường không thì phải đạt chất lượng phục vụ như đường không. Thế thôi!.
Bình luận (0)