Các cơ quan chức năng tại 2 tỉnh này đều nêu lý do để khẳng định mình không sai.
Đúng - sai còn phải chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền cao hơn nhưng nhìn vào sự bức xúc của người dân và các bệnh viện công cũng đủ thấy cách làm này hoàn toàn không ổn. Mỗi tỉnh đều có trung tâm 115 thuộc nhà nước, đủ đội ngũ nhân lực và trình độ chuyên môn lẫn thiết bị chuyên ngành, sao lại cho tư nhân núp bóng nhà nước làm ăn suốt cả 10 năm?!
Nói “làm ăn” ở đây là làm ăn đúng nghĩa bởi khi vận chuyển cấp cứu, xe 115 tư nhân đương nhiên đưa người bệnh về bệnh viện của mình trước rồi tùy tình trạng sức khỏe bệnh nhân và năng lực cấp cứu, chữa trị sẽ tính sau. Trong khi đó, 115 nhà nước thì sau khi tiếp nhận thông tin sẽ phân loại bệnh và chọn cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Như vậy, đối với người bệnh, vấn đề không chỉ đơn thuần là chi phí cao hay thấp mà còn phải đánh cược với tử thần khi giao phó mạng sống của mình cho một đơn vị cơ bản chạy theo lợi nhuận.
Thế nên, cho dù các cá nhân có trách nhiệm bao biện kiểu gì đi nữa thì người ta vẫn nghi ngờ chuyện “tay trong, tay ngoài”. Ai biết ma ăn cỗ lúc nào!
Nhưng cũng có luồng ý kiến khác, cho rằng làm như vậy là tiến bộ vì sẽ tạo ra sự cạnh canh giữa nhà nước và tư nhân, qua đó người sử dụng dịch vụ được lợi. Quan điểm này có lý, nhất là trong bối cảnh hầu hết các dịch vụ công đều chưa tốt, chậm; thái độ phục vụ còn hách dịch và quan liêu. “Đối thủ” tư nhân sẽ phá vỡ sự trì trệ đó bằng sự chuyên nghiệp, luôn vì khách hàng và cũng là vì “cái nồi cơm” của chính đơn vị tư nhân ấy.
Tuy nhiên, phải minh bạch và sòng phẳng. Điều ấy đòi hỏi ở nhà quản lý bởi nếu như tư nhân móc ngoặc với nhà làm chính sách công để cạnh tranh với chính dịch vụ công thì sẽ tạo ra cuộc chơi bất bình đẳng, không thể chấp nhận.
Trường hợp này gần giống với cuộc “so găng” giữa các loại hình chở khách ứng dụng dịch vụ kết nối hiện do 2 đại diện là GrabTaxi và Uber dẫn dắt với những hãng taxi truyền thống tại Việt Nam. Hai thương hiệu này vừa đưa vào ứng dụng những hình thức kinh doanh mới và đúng luật, đặt các hãng taxi truyền thống vốn trước nay bị mang tiếng giá đắt - chất lượng chưa tốt trước thách thức sống còn.
Các thương hiệu taxi trong nước dù có những phản ứng nhất định song cũng thừa nhận rằng không còn cách nào khác là phải đổi mới hình thức quản trị và cung ứng dịch vụ, đổi mới công nghệ và không ngừng sáng tạo phương thức phục vụ khách hàng để nâng mình lên. Sân chơi hội nhập không có đất cho những ai giẫm chân tại chỗ!
Cũng đã có dư luận về việc “chạy chính sách” trong lĩnh vực này. Vì thế, một lần nữa, yêu cầu lại đặt ra đối với các nhà làm chính sách là phải luôn công bằng!
Bình luận (0)