Không chỉ là nơi Bà Triệu phất cờ khởi nghĩa chống lại quân xâm lược phương Bắc mà trên đỉnh ngàn Nưa của di tích này còn có một huyệt đạo linh thiêng bậc nhất nước ta.
Tháng 8-2011, đền Nưa - Am Tiên được công nhận di tích cấp quốc gia. Theo quy định, di tích quốc gia này phải do chính quyền cấp tỉnh quản lý nhưng thực tế, người quản lý đền Am Tiên (trên đỉnh núi Nưa) từ đó đến nay vẫn là thủ từ của đền, ông Lê Bật Sơn.
Trước đây, di tích đền Am Tiên được ông nội ông Lê Bật Sơn trông coi và bảo vệ, sau đó đến bố ông Sơn. Khi người bố mất, ông Sơn đứng ra quản lý. Dù chính quyền địa phương đã nhiều lần làm việc với ông Sơn để chuyển di tích về cho nhà nước quản lý nhưng ông không đồng ý. Thậm chí, ông này quản luôn việc thu chi tiền công đức và tự ý xây dựng không đúng quy hoạch.
Theo ông Lê Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, trước năm 2012, chính quyền xã thường lên mở hòm công đức sau mùa lễ hội, số tiền thường từ 150-200 triệu đồng. Sau này, khi di tích được công nhận cấp quốc gia, lượng du khách sau mỗi mùa lễ hội tăng lên rất lớn. Tết nguyên đán 2017 vừa qua, từ số du khách lên chùa, chính quyền xã ước tính tiền công đức trên đền khoảng 3 tỉ đồng.
“Đây là di tích của nhà nước, của người dân chứ có phải riêng nhà ông Sơn đâu? Mỗi năm, nhà nước bỏ ra cả trăm triệu đồng để tổ chức lễ hội, còn tiền công đức thì tư nhân thu, hưởng lợi. Tết vừa qua, huyện chỉ đạo chúng tôi lên niêm phong hòm công đức để minh mạch tài chính thì ông Sơn sai người xé đi, không cho dán” - ông Tâm cho biết.
Không chỉ “thâu tóm” mọi hoạt động trên đền Am Tiên, ông Lê Bật Sơn còn bị tố cáo vay nợ nhiều tỉ đồng của người dân mà không trả, “lùm xùm” chuyện trai gái, bài bạc khiến chính quyền địa phương và nhiều bậc cao niên muốn thay người khác về quản lý.
Để làm rõ những thông tin trên, phóng viên đã nhiều lần liên hệ tới số điện thoại, lên đền tìm nhưng đều không gặp được ông Sơn. Trong khi đó, phóng viên nhận được đơn của ông Lê Ngọc Phương (ngụ phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) tố cáo ông Sơn nợ vợ chồng ông gần 4 tỉ đồng, trong đó có 2,3 tỉ đồng tiền chuyển nhượng lại đất trồng rừng với diện tích hơn 8.000 m2 và gần 1,5 tỉ đồng tiền nhờ xin việc. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền (có giấy viết tay), ông Sơn không xin được việc, không chuyển nhượng đất cho vợ chồng ông Phương. Vợ chồng ông Phương nhiều lần lên núi Nưa để đòi tiền nhưng không gặp được ông Sơn.
Ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, cho biết ngay từ khi đền Nưa - Am Tiên trở thành di tích quốc gia, sở đã lên kiểm tra và có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh kiểm đếm lại tất cả những gì ông Sơn đã xây dựng để có hướng cảm ơn, hỗ trợ gia đình ông vì đã có công xây dựng và bảo vệ di tích rồi sau đó để cho nhà nước quản lý. Ông Phương cũng thừa nhận việc quản lý như thế sẽ không phát huy được hiệu quả của di tích nhưng trách nhiệm của sở chỉ tham mưu cho tỉnh chứ không quyết định được.
“Vừa qua, một số doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư vào khu di tích nhưng việc lằng nhằng giữa ông Sơn và chính quyền địa phương không xong nên không thể thực hiện được” - ông Phương băn khoăn.
Bình luận (0)