Thành Điện Hải (phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là một di tích lịch sử gắn với thời kỳ mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược vào những năm 1858-1860. Được công nhận là di tích quốc gia từ năm 1988 nhưng di tích lịch sử này đang bị nhà dân, thậm chí là các công trình của nhà nước, xâm phạm rất nghiêm trọng, làm thay đổi nguyên trạng vốn có của nó.
Thi nhau xâm phạm
Thành Điện Hải được vua Minh Mạng cho xây trên gò đất cao ở tả ngạn sông Hàn vào năm 1823. Được tu bổ, mở rộng vào năm 1847 dưới thời vua Thiệu Trị. Thành có chu vi 556 m, tường cao hơn 5 m, hào sâu 3 m; có 2 cửa; bên trong có hành cung, kỳ đài, cơ sở chứa lương thực, đạn dược và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Tại thời điểm lập hồ sơ xếp hạng di tích cho thành Điện Hải vào năm 1988, di tích này chỉ còn lại 4 tường thành chính và hệ thống hào rãnh phía Đông và phía Nam, còn các hào rãnh khác đã bị xâm hại gần như hoàn toàn. Theo hồ sơ xếp hạng di tích, thành Điện Hải có 2 khu vực bảo vệ. Khu vực 1 là toàn bộ phần bên trong, được bao bọc bởi bờ tường phía trong thành Điện Hải. Khu vực 2 là hệ thống hào rãnh và phần đất xung quanh, cách chân tường thành 65 m. Tuy vậy ngày nay, khi đến thành Điện Hải có thể thấy rõ hàng loạt công trình đã và đang xây dựng xâm phạm nghiêm trọng vào bờ hào, chân thành và tường thành, làm thay đổi nguyên trạng vốn có của nó.
Tại khu vực bờ tường phía Tây, hàng loạt nhà dân cơi nới, xây dựng vào ngay sát chân tường thành, một số nhà dân xây chồng lấn lên tường thành và phần hào bao xung quanh. Nhiều ngôi nhà dùng chính phần tường thành làm móng nhà kiên cố. Hầu hết các hộ dân sống ở đây đều có nhu cầu cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà ở và đang xâm hại đến thành Điện Hải mỗi ngày. Nếu phải phá bỏ thì không thể không ảnh hưởng đến nguyên trạng.
Đáng chú ý, tại phía Đông, Nam và Bắc thành, các tòa nhà kiên cố thuộc sở hữu nhà nước vi phạm khoảng cách bảo vệ 65 m thuộc khu vực 2 của thành Điện Hải, gồm: tòa nhà Công viên phần mềm, tòa nhà Trung tâm Hành chính TP và Trung tâm TDTT người cao tuổi. Trong đó, tòa nhà Công viên phần mềm và Trung tâm TDTT người cao tuổi có vị trí nằm sát bờ hào thành Điện Hải. Ngoài ra, công trình nằm trong khuôn viên thành Điện Hải xâm phạm thô bạo đến khu vực bảo vệ 1 là Bảo tàng TP Đà Nẵng, công trình kiên cố hoàn thành vào năm 2011 với tổng số tiền đầu tư lên tới 45 tỉ đồng.
Gian nan khoanh vùng bảo vệ
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP Đà Nẵng, thực tế di tích thành Điện Hải đã bị xâm lấn từ sau ngày giải phóng. Vào thời điểm đó, đã có nhiều hộ dân đến sinh sống và xây dựng nhà cửa xâm lấn di tích này. Sau năm 1975, chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng còn bố trí 1 công ty dược ngay bên trong thành Điện Hải. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơi nới xây dựng của công ty này đã làm méo mó, biến dạng nghiêm trọng di tích thành Điện Hải. Đến nay, có 28 hộ dân đã lấn sâu, làm nhà ở chồng lấn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích lịch sử này. “Do nhu cầu bức thiết phải bảo tồn sự nguyên vẹn của một di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng, trong kỳ họp HĐND TP mới đây, tôi đã đề xuất việc xử lý các hộ dân đang xâm phạm, trả lại nguyên trạng cho thành Điện Hải. Nhưng rồi có quá nhiều vấn đề nóng, đề xuất đó cũng không được đem ra bàn luận” - ông Hùng nói.
Đứng trước mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và nhu cầu dân sinh, năm 2013, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương chỉ tháo dỡ các phần cơi nới trái phép nhưng không giải tỏa dân. Tiếp đó, UBND TP giao Sở VH-TT và Du lịch (DL) cùng Sở Xây dựng lập quy hoạch điều chỉnh ranh giới di tích thành Điện Hải, thu hẹp khoảng cách bảo vệ khu vực 2 từ 65 m về còn… 2 m, nghĩa là chỉ giải tỏa 2 m quanh chân thành để làm đường dân sinh ngăn cách thành với khu dân cư và các công trình nhà nước. Ngày 22-6-2015, Sở VH-TT-DL đã có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét và ký xác nhận hồ sơ gửi Bộ VH-TT-DL xin thỏa thuận phê duyệt điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ khu vực 1 và 2 của di tích thành Điện Hải. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn phúc đáp, rằng không thể ký xác nhận vào bản đồ khoanh vùng bảo vệ vì thủ tục thu hồi đất và vấn đề nhà cửa, đất đai của các hộ dân ở phía Tây thành Điện Hải vẫn chưa được UBND TP xem xét, quyết định. Đến nay, công tác này vẫn chưa hoàn thành. Do đó, Sở VH-TT hiện nay vẫn chưa thể gửi biên bản và bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích để Bộ VH-TT-DL xem xét điều chỉnh. Trong khi công việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ vẫn chưa hoàn thành, người dân vẫn đang tiếp tục xây dựng nhà cửa quanh khu vực này, gây ảnh hưởng đến tường thành. Còn đối với sự xâm phạm của các công trình nhà nước kiên cố trị giá hàng chục tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng, có lẽ thành Điện Hải đành chịu “lép vế”.
Chờ được phục hồi
Ông Huỳnh Văn Hùng nhận định: “Với tình trạng xâm lấn như hiện nay, nếu giải tỏa được 2-3 m quanh chân thành là tốt lắm rồi. Thành nhà Hồ tuy nhỏ nhưng được công nhận là di sản thế giới bởi chính quyền Thanh Hóa bảo vệ được nguyên trạng. Còn thành Điện Hải do bị xâm lấn quá mạnh nên dù là di tích “độc nhất vô nhị”, lớn hơn thành nhà Hồ, có muốn cũng không thể làm hồ sơ được”.
Với mong muốn bảo tồn một chứng tích lịch sử có giá trị làm hòn ngọc quý cho du lịch TP Đà Nẵng, Sở VH-TT đã có văn bản đề nghị lãnh đạo TP có ý kiến xử lý số công trình chồng lấn, trả lại bờ tường, thành, hào cho di tích, giải tỏa sự bí bách của không gian xung quanh thành. Sau đó, sở tiến hành phục hồi các hào và tường ngoài đã bị tàn phá nhằm tạo không gian thông thoáng để người dân, du khách có thể đi dạo, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành này. Tuy vậy, theo ông Huỳnh Văn Hùng, đến nay đề xuất của sở vẫn chưa nhận được câu trả lời của lãnh đạo TP.
Bình luận (0)