Đình Hoành Sơn tại làng Hoành Sơn, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được xây dựng vào thế kỷ XVIII. Đình có 5 gian chính, 2 chái, 8 vì, 36 cột (16 cột cái, 20 cột phụ), bao gồm tiền điện và hậu điện với diện tích khoảng 150 m2, tọa lạc trên diện tích khoảng 2.500 m2. Đây là công trình kiến trúc bằng gỗ có quy mô, giá trị lớn về mặt văn hóa, nghệ thuật. Năm 1980, đình Hoành Sơn được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Thế nhưng, có mặt tại đình Hoành Sơn, chúng tôi vô cùng xót xa khi khu đình hoang lạnh, xung quanh cỏ dại mọc đầy. Nhiều bộ phận có giá trị nghệ thuật lớn như cột, dầm gỗ, mái đình, các phù điêu gỗ bị hư hỏng, mục nát. Ông Nguyễn Ngọc Bá, một vị cao niên ở xã Khánh Sơn, nói: “Đình lớn lắm, làm toàn bằng gỗ mấy trăm năm rồi. Trước đây, đình là nơi diễn ra nhiều hoạt động chính của người dân trong làng nhưng thời gian gần đây, nhiều bộ phận của đình hư hỏng, không ai dám vào vì sợ sập”.
Tại Nghệ An, ngoài đình Hoành Sơn còn hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia khác cũng đang trở thành phế tích như: Đền vua Mai Hắc Đế ở huyện Nam Đàn; đình Võ Liệt ở huyện Thanh Chương; đền Xuân Hòa ở thị xã Hoàng Mai; đền Rậm ở huyện Hưng Nguyên...
Bên cạnh việc hư hỏng thì nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa ở Nghệ An cũng đang bị người dân lấn chiếm, xâm hại. Điển hình là khu di tích lịch sử cấp quốc gia thành cổ ở TP Vinh. Khu vực thành cổ bị hàng loạt công trình xây dựng lấn chiếm, hàng trăm mét hào trở thành kênh chứa nước thải, bãi xả rác của người dân phường Quang Trung và phường Đội Cung từ nhiều năm nay. Ông Hà Thái Sơn, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, thừa nhận: “Hiện có nhiều công trình xây dựng lấn chiếm trái phép khu vực thành cổ Vinh, thực trạng trên đã diễn ra từ mấy chục năm về trước nên rất khó xử lý”.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, Nghệ An hiện có gần 1.400 di tích, trong đó 358 di tích đã được xếp hạng. Các di tích này đều rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An, cho biết số lượng di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn là rất lớn nhưng kinh phí duy tu, sửa chữa hằng năm lại rất ít. Trước đây, mỗi năm chỉ được cấp khoảng 500 triệu đồng. Trong 2 năm qua, kinh phí có tăng nhưng cũng chỉ khoảng 3 tỉ đồng/năm nên phải ưu tiên cho những di tích xuống cấp nghiêm trọng, cần sửa chữa cấp bách.
Bình luận (0)