Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý lễ hội năm 2016 và phương hướng năm 2017 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức chiều 10-1 ở Hà Nội, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VH-TT-DL, cho hay việc quản lý, tổ chức lễ hội trong thời gian qua còn nhiều tồn tại.
Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, vẫn tổ chức hội chọi trâu, lễ hội chọi trâu dù không phải là lễ hội truyền thống của địa phương. Số địa phương tổ chức hội chọi trâu lên đến hàng chục, trải dài từ Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, đến Vĩnh Phúc, Hà Nội rồi cả Bình Phước…
Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, một số nơi đã phục dựng lễ hội chọi trâu, giết mổ trâu tràn lan, bán với giá trên trời. Đây chính là hành vi trục lợi vì người tiêu dùng không thể phân biệt được trâu chọi với trâu thường.
Bên cạnh yếu tố bạo lực ở các lễ hội, bà Trịnh Thị Thủy cho hay một số lễ hội đầu năm còn để xảy ra các hiện tượng lén lút đổi tiền lẻ, đốt vàng mã, ăn mặc phản cảm, tranh cướp (hội Gióng ở Hà Nội), khấn thuê (Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh)…. Đó là chưa kể tình trạng chèo kéo khách, móc túi, ăn xin, bố trí hàng quán trong di tích gây mất mỹ quan, cản trở giao thông.
Bà Trịnh Thị Thủy cảnh báo xu hướng hoạt động năm 2017, không ít địa phương tiếp tục lách các quy định của nhà nước để tổ chức các lễ hội chọi trâu. Việc phục dựng ở nhiều nơi vẫn tùy tiện, không đúng với bản chất của lễ hội...
Trước sự tồn tại của nhiều lễ hội có tính chất bạo lực như Đả cầu cướp phết (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), lễ hội chém lợn ở Ném Thượng (tỉnh Bắc Ninh)…, ông Phạm Xuân Phúc khẳng định sẽ có biện pháp hạn chế tối đa tình trạng này. Theo UBND huyện Tam Nông, khi tổ chức lễ hội trong thời gian tới sẽ không để cảnh đập đầu trâu cho đến chết mà thay thế bằng hình thức khác phù hợp. Đối với một số nơi vẫn tổ chức hội chọi trâu, lễ hội chọi trâu mà không phải là lễ hội truyền thống, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản yêu cầu địa phương không cấp phép, không tổ chức vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Đồng thời, dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực.
Ông Phạm Xuân Phúc nhấn mạnh khi thanh tra phát hiện các sai phạm, nếu có chế tài xử phạt thì người vi phạm sẽ bị xử lý như nhau, không phân biệt cán bộ, đảng viên, công chức hay dân thường… Bởi lẽ, cán bộ, đảng viên, công chức đi lễ hội vào dịp nghỉ Tết, nghỉ lễ là việc bình thường, không ai cấm vì lúc đó họ là công dân bình thường. Tuy nhiên, đã là cán bộ, đảng viên khi đến lễ hội thì phải có ý thức am hiểu pháp luật, nắm rõ các quy định của Đảng, nhà nước; nắm được nội dung thực hiện nếp sống văn minh nơi di tích, lễ hội; thậm chí khi thấy người dân chưa làm đúng, phải gương mẫu nhắc nhở.
Bình luận (0)