xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điểm tựa của lính đảo Trường Sa

Bài và ảnh: Lê Tường Vân

Cũng như những miền quê khác, Thanh Hóa có nhiều phụ nữ nỗ lực, cố gắng vẹn toàn việc nhà, việc nước, làm điểm tựa cho chồng yên tâm công tác tại Trường Sa

"…Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em". Theo câu hát ngọt ngào, đầy xúc động trong ca khúc "Gần lắm Trường Sa" của nhạc sĩ Hình Phước Long, tôi vượt qua quãng đường dài hơn 50 km từ TP Thanh Hóa tới xã Nga Văn, huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) gặp chị Nguyễn Thị Huyền - người phụ nữ có chồng công tác tại quần đảo Trường Sa.

Luôn tâm niệm đó là duyên phận

Chủ nhật, ngày cuối tuần, nên cô giáo mầm non Nguyễn Thị Huyền được nghỉ ở nhà quây quần cùng những người thân yêu của mình. Bên mâm cơm đầm ấm có bố mẹ chồng và hai cô con gái nhỏ, đôi mắt chị đong đầy niềm vui, niềm hạnh phúc.

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Huyền cho biết hai vợ chồng chị đến với nhau rất tình cờ, đúng như các cụ ta vẫn thường nói: "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ".

Anh hơn chị tới 10 tuổi. Khi chị đang là sinh viên Trường CĐ Sư phạm Mầm non Thanh Hóa, thông qua một người bạn, hai người biết nhau. Thế rồi, qua những cánh thư, những tấm ảnh, hai người dần hiểu về nhau và cảm thấy đã tìm được một nửa của chính mình. Sau đó, từ Trường Sa, anh về phép và tổ chức đám cưới.

Dẫu biết lấy chồng là lính đảo Trường Sa sẽ vô cùng vất vả nhưng chị tâm niệm rằng đó là duyên phận của đời mình nên không thể nói được đúng hay sai.

Ngày chị mang thai con gái đầu, anh tạm biệt chị quay lại làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Khi sinh con, lẽ thường người phụ nữ luôn có chồng ở bên để động viên, chia sẻ. Thế nhưng, lúc chị vượt cạn, anh đang công tác nơi đảo xa. Lúc anh về nhà thì con đã tròn tháng tuổi. Lần sinh đứa thứ 2, khi con được 1 tuổi, anh mới nghỉ phép về thăm nhà.

Điểm tựa của lính đảo Trường Sa - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Huyền với các bé mầm non mà chị yêu thương như con đẻ

Anh cẩn thận mang về cành san hô mang hương vị mặn mòi của biển, chiếc võng dù với màu xanh của biển trời. Thế nhưng, do chỉ biết bố qua ảnh nên bé thứ 2 không nhận bố. Con gái đầu phải nói: "Bố ơi, bố cho em thật nhiều kẹo là em sẽ theo bố ngay". Vậy là anh phải trải qua mấy ngày để làm quen với con. Khi cả nhà kịp quen hơi, bén tiếng thì anh lại tiếp tục nhận nhiệm vụ tại đảo Trường Sa, bảo vệ vùng biển vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, điện thoại liên lạc ra đảo khá dễ dàng nhưng anh chị vẫn giữ thói quen gửi thư cho nhau. Và với chị, tình yêu thương vẫn nồng ấm như thuở ban đầu.

Với chị Lê Thị Hiếu (ngụ thôn 9, xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa) cũng vậy. Tình yêu với chị dù xa cách về không gian, thời gian nhưng gần về tâm hồn, về nghĩ suy. Lập gia đình được 6 năm nhưng những ngày chồng chị - anh Bùi Khắc Dương - ở bên vợ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngày mới lấy nhau, vợ chồng chưa kịp quen hơn, bén tiếng, anh tạm biệt vợ vào công tác tại bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Lúc chị mang thai cháu Bùi Lê Minh Tuệ, anh lên đường ra đảo An Bang của quần đảo Trường Sa. Ngày anh về thăm gia đình là lúc con gái tròn 1 tháng tuổi. Mặc dù vậy, chị Hiếu vẫn luôn tự nhủ với lòng mình phải cố gắng vượt qua tất cả, sắt son chung thủy một lòng để chồng yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Sưởi ấm lòng người ở xa

Theo những người dân ở xã Hoằng Thịnh, chị Hiếu là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, một mình thay chồng gánh vác mọi việc của gia đình, chăm sóc con thơ, hiếu thuận với bố mẹ chồng, sưởi ấm lòng người trong căn nhà nhỏ và nơi đảo xa.

Ở nhà là người vợ, người mẹ đảm đang, ở cơ quan chị là một cán bộ vững chuyên môn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hiện chị Hiếu là kế toán chính của Trung tâm Viễn thông huyện Nga Sơn. Dù nhà cách nơi làm việc hơn 35 km nhưng chị vẫn sáng đi, tối về, nỗ lực hết mình, giúp lãnh đạo trung tâm quản lý tốt tài chính của đơn vị. Cùng với đó, chị còn tích cực tham gia công tác đoàn, nữ công và các hoạt động khác.

"Đồng chí Hiếu thực sự là người phụ nữ giỏi việc nước - đảm việc nhà, một điển hình tiêu biểu của đơn vị chúng tôi" - ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Viễn thông huyện Nga Sơn, cho biết.

Chị Nguyễn Thị Huyền cũng vậy. Ở nhà là con dâu hiền thảo, ở trường là cô giáo yêu nghề, mến trẻ, hết lòng vì học sinh thân yêu. Trong mỗi giờ học, chị luôn gần gũi, gắn bó các em, xem như con đẻ của mình. Vì lẽ đó, đối với những cô bé, cậu bé nơi miền quê nghèo Nga Mỹ, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

Tận tụy, thương yêu con trẻ, chị Huyền dành mọi thời gian có thể để làm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho các cháu. Với đôi bàn tay khéo léo, chị đã được giải nhì cuộc thi làm đồ dùng cho học sinh cấp trường. Với những nỗ lực không mệt mỏi, nhiều năm liền chị Huyền là giáo viên giỏi cấp huyện và đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, "giỏi việc trường, đảm việc nhà".

Bà Phạm Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nga Mỹ, nơi chị Huyền đang công tác, cho biết: "Cô giáo Huyền đúng là người phụ nữ tiêu biểu giữa thời bình. Suốt nhiều năm liền, với đồng lương hợp đồng ít ỏi, con nhỏ, chồng ở đảo xa nhưng vẫn tâm huyết với nghề dạy trẻ. Điều đặc biệt là cô rất khéo tay, làm nhiều đồ dùng học tập, đồ chơi cho trẻ em rất đẹp. Từ những lá cây khô, vỏ nước ngọt, vỏ sữa…cô Huyền đã sáng tạo nên những con vật thật ngộ nghĩnh, đáng yêu. Nhà cách trường gần 7 km nhưng hôm nào cô cũng đến sớm đón trẻ và về muộn chờ phụ huynh đón các bé. Rất may, hai năm nay, cô đã được ngành giáo dục Thanh Hóa tuyển vào biên chế. Vậy là cô hoàn toàn yên tâm gắn bó với nghề, là chỗ dựa cho chồng nơi đảo xa".

Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, đằng sau mỗi cán bộ, chiến sĩ nơi quần đảo Trường Sa đều in đậm dáng hình người vợ mến thương và mái ấm gia đình hạnh phúc. Ở nơi quê nhà yêu dấu, những người vợ đảm đang, khéo léo lo toan việc gia đình, thay chồng chăm sóc bố mẹ già và nuôi dạy con thơ. Bằng tình yêu thương chồng vô bờ bến, các chị luôn là chỗ dựa, là động lực tinh thần để các anh vượt qua gian lao, thử thách, hoàn thành tốt bổn phận cao cả và thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân đã giao phó. Với các chị, tình yêu quê hương, đất nước và tình nghĩa vợ chồng luôn quyện hòa làm một.

Trong sâu thẳm đáy lòng, các chị đinh ninh ước hẹn "Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau" và "ngày mai sẽ là ngày sum họp".

Đảo là nhà, biển cả là quê hương

Với tinh thần "đảo là nhà, biển cả là quê hương", gần 160 cán bộ, chiến sĩ là những người con Thanh Hóa đã nhận nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc tại đảo Trường Sa. Tại nơi đảo xa, mặc dù thiếu nước ngọt, rau xanh, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên phải đối mặt với sóng cồn, bão táp nhưng các anh vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với mỗi người lính đảo Trường Sa thì "đảo là nhà, biển cả là quê hương". Trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ đều đong đầy tình yêu Tổ quốc.

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Điểm tựa của lính đảo Trường Sa - Ảnh 4. Điểm tựa của lính đảo Trường Sa - Ảnh 4. Điểm tựa của lính đảo Trường Sa - Ảnh 4. Điểm tựa của lính đảo Trường Sa - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo