xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Diện kiến Bạch Mã Sơn

Bài và ảnh: Lương Duy Cường

Sau 9 giờ bươn bả, chúng tôi mới có mặt tại Vọng Hải Đài. Mệt mỏi nhưng ai cũng hân hoan trước bức tranh hùng vĩ của tạo hóa. Trải trong mênh mông là những mảng rừng xanh ngút tầm mắt

Lần lữa mãi, rốt cuộc tôi cũng có cơ may tham gia vào hành trình chinh phục đỉnh cao 1.450 m của núi Bạch Mã cùng các môn sinh của Nghĩa Dũng đường Karate-Do (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ở tuổi 75, võ sư Nguyễn Văn Dũng - huyền đai đệ thất đẳng, Trưởng phân đường Nghĩa Dũng Karate-Do - quyết định chuyển giao công việc cho lớp trẻ để tập trung nghiên cứu quyền pháp.

Hun hút trong sương mù

Một ngày cuối hạ chớm thu, những cơn mưa bất chợt ào đến khiến lá vàng lả tả bay khắp cố đô rồi thoắt cái nắng vàng rực rỡ. 138 người trong số gần 1.000 môn sinh từ 36 phân đường của cả nước trước đó một tuần đã tập trung về Huế để trình diễn quyền, đấu, công phá và được chọn để vượt qua thử thách cuối cùng là chinh phục Bạch Mã trước khi chính thức được phong huyền đai. Sau một đêm cắm trại, họ đã tập trung theo từng tổ 10 người trước cổng Vườn Quốc gia Bạch Mã đúng 5 giờ sáng để nghe phổ biến quy định của chuyến đi. Các môn sinh được thầy dặn kỹ chỉ cần chặt cây, bẻ cành, hái hoa hay xả rác trong rừng thì công sức khổ luyện 3 năm sẽ vô nghĩa. Vì thế, các thế hệ môn sinh của Nghĩa Dũng đường vẫn truyền nhau một câu tâm niệm: “Ba năm tập luyện không bằng 3 ngày leo núi Bạch Mã” là vậy.

 

Đoàn môn sinh Nghĩa Dũng đường trên hành trình chinh phục Bạch Mã Sơn
Đoàn môn sinh Nghĩa Dũng đường trên hành trình chinh phục Bạch Mã Sơn

 

Đoàn võ sinh nối nhau theo thầy lên núi. Tiếng hát ai đó bỗng cất lên: “Em lên Bạch Mã chưa?/Mình cùng đi em nhé/Sườn non cao chơi vơi/Bên anh em nũng nịu/Rừng xanh đang vào hạ/Ve hát gì xốn xang/Khung trời nào mơ mộng...”. Đấy là lời trong một ca khúc của nhạc sĩ Quỳnh Hợp.

Không biết nữ nhạc sĩ người Hà Nội này đã chinh phục Bạch Mã bằng phương tiện gì để thưởng lãm được cảnh “sườn non cao chơi vơi” và “ve hát gì xốn xang”, còn tôi thì đang lần từng bước trên con đường tựa vào vách núi, liên tục gấp khúc như một chú rắn khổng lồ nghịch ngợm đang cố trườn lên núi. Con đường nối từ thị trấn Cầu Hai lên đỉnh Bạch Mã chỉ vừa thông tuyến đúng nghĩa vào năm 2001 rồi sau đó, với chi phí 193 tỉ đồng mà 20 km đường này đã hạ được độ dốc từ 15% xuống dưới 12% và đủ rộng cho 2 ô tô du lịch tránh nhau an toàn ở những đoạn thẳng. Cung đường này là nơi lưu dấu chân của kỹ sư M.Giard (người Pháp) khi vào năm 1932 phát hiện ra Bạch Mã là nơi có khí nhất Đông Dương để từ đó vùng rừng này phát lộ một đời sống khác.

 

Các môn sinh tập trung trước cửa rừng nghe thầy phổ biến qui định hành quân
Các môn sinh tập trung trước cửa rừng nghe thầy phổ biến qui định hành quân

 

Càng lên cao, sương mù càng loãng, lộ dần vẻ đẹp quý phái của non xanh huyền hoặc. Bầy gà ri ven đường ngóng cổ ngơ ngác nhìn rồi cất tiếng gáy. Loài gà ri này chắc không làm các nhà khoa học phải băn khoăn nhiều đến nguy cơ tuyệt chủng như loài gà lôi lam mào trắng được một nhà tự nhiên học người Pháp  tìm thấy lần đầu tiên ở vùng rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế để rồi năm 1925, nhằm bảo vệ loài gà lôi lam mào trắng mà chính quyền sở tại đệ trình lên Bộ Thuộc địa Pháp một dự án thành lập vườn quốc gia bao phủ cả khu quần sơn Bạch Mã ngày nay. Tuy nhiên, sau đó do miệt mài tìm kiếm nhiều năm vẫn không gặp lại nên năm 1929, các nhà bảo tồn trên thế giới công bố loài gà này bị tuyệt chủng. Thế nhưng năm 1986, lực lượng kiểm lâm vẫn phát hiện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền một cặp gà lôi lam mào trắng và ngày 12-12-2009, thu giữ được một con từ người đi rừng tại vùng rừng đặc dụng Bắc Hải Vân. Cả 2 vùng rừng này đều tiếp giáp với Bạch Mã. Chỉ nói riêng trong tổng số 12 loài của bộ gà ở Việt Nam, Bạch Mã có tới 7 loài và biết đâu tôi sẽ gặp may được nhìn thấy một chú gà lôi lam mào trắng trong chuyến đi này?

Xanh ngút tầm mắt

Đấy là tôi đang lan man nghĩ cho quên bớt những bước chân nặng dần khi phía trước là đường dốc hun hút trong sương mù. Nhưng dòng suy tư của tôi vụt tắt vì bình minh ló dạng. Mặt trời từ phía đầm Cầu Hai hắt lên những tia nắng rực rỡ, tinh nghịch đùa giỡn với tầng tầng mây trắng trên đỉnh non tiên. Bạch Mã lộ ra kiều diễm như một nàng tiên mê ngủ, vô tình để gió vén tấm khăn voan tuột dần khỏi tấm thân ngọc ngà trinh nữ. Bức tranh hùng vĩ và thơ mộng ấy hiển hiện trong hợp khúc bình minh rộn rã của sơn ca, khướu, chèo bẻo khiến mọi người phải lôi máy ra chụp vài kiểu ảnh.

 

Dù ở tuổi 75, Võ sư Nguyễn Văn Dũng vẫn luôn dẫn đầu đoàn hành quân
Dù ở tuổi 75, Võ sư Nguyễn Văn Dũng vẫn luôn dẫn đầu đoàn hành quân

 

Lên đến độ cao 900 m, đường bắt đầu dốc đứng, nhiều đoạn các thành viên phải vịn vào gậy để nhấc từng bước chân. Đoàn không còn giữ được sự liền lạc. Hành trình chậm hẳn. Những chiếc ba lô với trọng lượng bắt buộc ít nhất là 15 kg bắt đầu trở thành gánh nặng khiến nhiều người lảo đảo phải dừng nghỉ liên tục nhưng chỉ chốc lát họ lại vùng dậy, quyết không bỏ cuộc. Đến bây giờ, mọi người mới hiểu vì sao thầy bắt buộc tất cả thành viên đều phải trang bị đủ gậy trước khi hành quân.

Sau 9 giờ liên tục bươn bả, chúng tôi có mặt tại Vọng Hải Đài - một trong những đỉnh cao nhất của khu quần sơn Bạch Mã. Không ngôn từ nào diễn tả hết được sự mệt mỏi và những đau đớn cơ bắp nhưng ai cũng hân hoan, tâm hồn thư thái, an lạc đến vô cùng trước bức tranh hùng vĩ mà tạo hóa bày ra trước mắt. Trải trong mênh mông là những mảng rừng nguyên sinh xanh ngút tầm mắt. Vô vàn thuyền mây với đủ hình dạng kỳ thú vun vút lao trong thinh không rồi đột ngột sà xuống ve vuốt những bàn chân trước khi bất chợt loãng tan vô định. Một vẻ đẹp chuyển động thiêng liêng dễ làm mềm lòng thi nhân. Tiếng chim cu khắc khoải gọi bạn, tiếng hú sắc lạnh của những chú vượn lẻ đàn vọng lên đâu đó làm không gian đậm chất hoang đường, huyền hoặc. Mọi người được lệnh nghỉ ngơi 30 phút trước khi chuẩn bị bữa cơm chiều.

 

Nhiều loài động - thực vật mới được phát hiện lần đầu

Vườn Quốc gia Bạch Mã thành lập từ năm 1991 với diện tích hiện tại là 37.484 ha (thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế), là nơi có lượng mưa trung bình hằng năm cao nhất nước (khoảng 8.000-9.000 mm/năm) và đặc biệt là hệ sinh thái đa dạng. Về động vật có 1.715 loài (chiếm 7% tổng số loài trong cả nước) thuộc 52 bộ, 258 họ, 1.080 giống với nhiều loài đặc hữu và quý hiếm, trong đó có 69 loài cần được bảo vệ (có cả gà lôi lam mào trắng), 2 loài ong mới cho khoa học được phát hiện lần đầu tiên và mang tên Bạch Mã. Về hệ nấm và thực vật có 2.373 loài (chiếm gần 17% tổng số loài trong cả nước), trong đó có 73 loài cần được bảo vệ, 204 loài đặc hữu và 5 loài mới cho khoa học, được phát hiện đầu tiên và mang tên Bạch Mã, gồm: chìa vôi Bạch Mã, côm Bạch Mã, lá nón Bạch Mã, mây Bạch Mã, bọt ếch Bạch Mã.

 

Kỳ tới: Dấu xưa, tích cũ còn vương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo