Chiều 2-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương về tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm.
Tăng trưởng công nghiệp tốt, GDP lạc quan
Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 9-2014 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng, chỉ số tăng trưởng công nghiệp đạt 6,7%, cao hơn so với mức 5,3% cùng kỳ năm 2013 và 4,8% cùng kỳ năm 2012.
Đáng lưu ý, sản xuất và phân phối điện 9 tháng đầu năm tăng 11,2 %, cao hơn mức tăng trưởng 8,3% của cùng kỳ năm trước. Trong đó, điện phục vụ cho tăng trưởng tăng 13,26%, điện phục vụ cho nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 19,68%, điện cho khu vực thương nghiệp, khách sạn nhà hàng tăng 10,95%...
“Thông qua mức tăng trưởng hằng tháng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng trưởng của ngành điện có thể thấy sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương cần ban hành chính sách cụ thể để đẩy mạnh tái cơ cấu toàn ngành Ảnh: NHẬT BẮC
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng mục tiêu đạt tăng trưởng toàn ngành công nghiệp trong năm 2014 ở mức 7,2% là hoàn toàn khả thi khi 9 tháng đầu năm, mức tăng trưởng đã là 6,7%. “Tăng trưởng công nghiệp đạt và có khả năng vượt chỉ tiêu đề ra là 7,2% thì tăng trưởng GDP toàn quốc hoàn toàn có khả năng đạt mức 5,8% và cao hơn” - Thủ tướng nhận định.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý ngành công thương phải gấp rút hoàn thiện thể chế chính sách nhằm tạo ra cơ chế thị trường hoàn thiện, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, phân bổ nguồn lực... Theo Thủ tướng, 3 mặt hàng thiết yếu là than, điện và xăng dầu nhất thiết phải bán theo giá thị trường.
“Trước đây, chúng ta mới chỉ đặt ra giá thị trường đối với điện, xăng dầu còn bây giờ hoàn toàn có thể vận hành cơ chế thị trường đối với 3 loại hàng hóa rất quan trọng của đất nước. Nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường là hàng hóa không được bán dưới giá thành. Than còn bán dưới giá thành, điện còn bù lỗ như hiện nay thì làm sao thị trường được, xăng dầu cũng không được bù lỗ nữa” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Yêu cầu quan trọng được Thủ tướng lưu ý là khi đã bán theo thị trường rồi thì vấn đề còn lại là phải minh bạch, công khai. “Phải công khai minh bạch chi phí, giá thành, lợi nhuận, thuế… để nhân dân kiểm tra. Tiến hành cổ phần hóa cũng phải công khai, đó là quy định của thể chế” - Thủ tướng nhắc nhở.
Quyết liệt cải tổ khối doanh nghiệp nhà nước
Về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết tình hình thoái vốn đầu tư ra ngoài DN, tình hình thoái vốn của các DN thuộc bộ khá tốt. Điển hình, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản đã hoàn thành 3 đơn vị, thu về 1.437 tỉ đồng, thặng dư 42,8 tỉ đồng; Tập đoàn Hóa chất hoàn thành 4 đơn vị, thu về 247,7 tỉ đồng, thặng dư 14,3 tỉ đồng; Tập đoàn Điện lực hoàn thành 2 đơn vị, thu về 104,7 tỉ đồng, thặng dư 864 triệu đồng...
Tính đến nay, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương đã hoàn thành thoái vốn nhà nước tại 27/96 đơn vị. Trong đó, dẫn đầu là Tập đoàn Dệt may hoàn thành thoái vốn tại 12 đơn vị. Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định sẽ chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành sắp xếp đổi mới DN nhà nước giai đoạn 2014-2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đánh giá cao kết quả đạt được của ngành công thương song Thủ tướng vẫn nhấn mạnh việc tái cơ cấu toàn ngành cần phải được đẩy mạnh hơn nữa theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
“Muốn tồn tại trong điều kiện hội nhập sâu thì không có cách nào ngoài nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất; trong đó trước hết là năng suất lao động. Năng suất của Việt Nam hiện nay mới bằng 40% Thái Lan, 10% Singapore… Bởi vậy, phải tái cơ cấu, đưa ra đề án cụ thể, không nói chung chung. Trong đó, cổ phần hóa là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu DN để nền kinh tế năng động hơn, có phương án sản xuất tốt hơn, hiệu quả cao hơn, cạnh tranh nâng lên” - Thủ tướng yêu cầu.
Gợi ý cụ thể, Thủ tướng cho rằng với ngành dệt may, không cho phép đầu tư ở các thành phố mà đưa về các huyện với đội ngũ lao động đào tạo nhanh sẽ góp phần xây dựng nông thôn mới, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Một ví dụ cũng được Thủ tướng nhắc lại là việc tiến hành cổ phần hóa Vinamilk, chỉ giữ lại 40% vốn nhà nước nhưng vẫn có thể chi phối thị trường và cạnh tranh tốt.
“Chúng ta đã có mô hình, đã có chủ trương thì phải làm với mục tiêu chính là giúp DN hoạt động hiệu quả, tăng trưởng bền vững hơn” - Thủ tướng nói.
Xuất khẩu có thể vượt xa mục tiêu
Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 109,63 tỉ USD, bằng 75,4% mục tiêu kế hoạch, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng ước đạt 107,16 tỉ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Xuất siêu 9 tháng là 2,47 tỉ USD. Nhóm hàng hạn chế nhập khẩu được kiểm soát tốt, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng cần nhập khẩu tăng 10,5%, chứng tỏ sản xuất phục hồi.
Bộ Công Thương nhận định khả năng xuất khẩu cả năm sẽ đạt 148-150 tỉ USD, tăng khoảng 12%-13,5% so với năm 2013, cao hơn mục tiêu đề ra là tăng 10% với giá trị 145,4 tỉ USD.
Bình luận (0)