Từ cuối tháng 7-2014 đến nay, giá xăng dầu trong nước có tới 7 lần được điều chỉnh giảm với tổng mức giảm đã cao hơn tổng mức tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng cần giám sát giá bán lẻ xăng dầu trong nước xem đã sát với giá thế giới chưa.
Thế giới giảm sâu, trong nước đủng đỉnh
Cụ thể, giá xăng RON 92 đã có các đợt giảm giá như sau: Ngày 28-7 giảm 330 đồng/lít, ngày 7-8 giảm 500 đồng/lít, ngày 18-8 giảm 600 đồng/lít, ngày 29-8 giảm 470 đồng/lít, ngày 9-9 giảm 30 đồng/lít và mới đây nhất giảm 150 đồng/lít vào ngày 30-9. Tổng mức giảm sau 7 lần là 2.080 đồng/lít.
Trong khi đó, từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng trong nước tăng 5 lần với tổng mức tăng 1.440 đồng/lít. Như vậy, giá xăng dầu trong nước đã giảm 640 đồng so với thời điểm cuối năm 2013.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là giá dầu thế giới cùng thời điểm này đã có những phiên giảm rất sâu trong phạm vi hơn 2 năm qua. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 15-9, giá dầu Brent giao tháng 10-2014 giảm xuống 96,65 USD/thùng, thiết lập mức giá thấp nhất kể từ cuối tháng 6-2012. Đến phiên giao dịch ngày 30-9, giá dầu Brent giao tháng 11-2014 tiếp tục giảm xuống mức 94,24 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ trên thị trường New York, phiên giao dịch ngày 30-9 cũng xác lập mức 91,55 USD/thùng, giảm khá mạnh so với các phiên trước đó.
Bình luận về những con số này, GS Đặng Đình Đào, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng nếu soi chiếu với diễn biến giá thế giới thì mức giảm trong nước chưa tương xứng và có thể giảm nhiều hơn nữa. Đơn cử, khi so sánh với thời điểm cuối tháng 12-2012, có thể thấy giá dầu thô hiện nay thấp hơn khoảng 0,27 USD/thùng nhưng giá bán lẻ xăng trong nước lại cao hơn 440 đồng/lít (giá xăng RON 92 ngày 18-12 là 23.150 đồng/lít so với hiện nay là 23.560 đồng/lít).
“Nếu loại trừ yếu tố tỉ giá, lạm phát và quản lý chặt chẽ hơn thì giá xăng sẽ có điều kiện giảm sâu hơn nữa bởi thực tế, giá xăng cuối năm 2012 thấp hơn hiện nay nhưng vẫn neo ở mức cao và bị đánh giá chưa phù hợp với diễn biến thị trường” - GS Đặng Đình Đào phân tích.
Theo GS Đào, nguồn cung để tính toán giá xăng dầu hiện nay bao gồm 3 phần: nhập khẩu, tồn kho và sản xuất trong nước. “Trong tính toán giá cơ sở mới chỉ đề cập phần giá nhập khẩu mà không xét đến tồn kho cũng như 30% xăng dầu sản xuất được trong nước là vô lý. Quản lý tồn kho không minh bạch và nguồn xăng dầu trong nước không phát huy được vai trò điều chỉnh vào giá nhằm giảm áp lực nhập khẩu bằng ngoại tệ thì việc giảm giá vẫn chưa có cơ sở” - GS Đào nhận định.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá mật độ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu dày hơn chứng tỏ giá trong nước đã bám sát hơn với giá thế giới. “Thế nhưng, để giám sát xem giá mới sát giá thế giới chưa thì các cơ quan quản lý cần kiểm tra và đối chiếu cụ thể bởi mức giảm rất nhỏ giọt, mấy lần giảm mới bằng một lần tăng trước đây” - ông Long đề xuất.
Hiệu ứng thấp
Nhiều chuyên gia kinh tế tán thành phương án cập nhật giá với tần suất lớn nhằm đưa giá xăng dầu trong nước về sát với giá thế giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng giá xăng dầu của Việt Nam vẫn neo ở mức khá cao so với diễn biến chung trong nước và so với thế giới. Vì thế, giảm giá nhỏ giọt như thời gian qua vẫn chưa đủ tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội.
“Giá xăng dầu ở Việt Nam cao hơn ở Mỹ khoảng 4.000 đồng/lít, trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ cao hơn Việt Nam đến 30 lần. Vậy thì việc giảm giá xăng dầu như vừa qua vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu tiết giảm chi phí tiêu dùng của người dân khi kinh tế khó khăn và nhu cầu chi phí đầu vào thấp của doanh nghiệp sản xuất” - GS Đặng Đình Đào nhận xét.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong 3 lần điều chỉnh giá xăng dầu gần đây nhất thì chỉ 2 lần giảm giá xăng - một lần vỏn vẹn 30 đồng/lít (ngày 9-9) và một lần 150 đồng/lít (ngày 30-9). Giảm như vậy là quá nhỏ, không tạo được hiệu ứng xã hội.
Một chuyên gia từng là lãnh đạo Sở Công Thương TP Hà Nội phân tích: “Qua theo dõi, tôi thấy tác động của việc giảm giá xăng dầu đến giá cả hàng hóa thực tế là quá ít dù đã có đến 7 đợt điều chỉnh giảm giá gần đây. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất giảm không đáng kể, sức mua chưa hồi phục mạnh mẽ. Cước vận tải theo quy định cũng không kịp điều chỉnh do phải làm thủ tục lâu. Hơn nữa, doanh nghiệp vận tải cũng kêu trước đó đã từng lỗ do giá xăng tăng mạnh vào đầu năm. Như vậy, giá xăng tuy giảm nhưng người tiêu dùng chưa được hưởng lợi nhiều”.
Cần bỏ lợi nhuận định mức
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng kinh doanh có lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng là vô lý. “Tỉ lệ hao hụt xăng dầu mà doanh nghiệp được hưởng tồn tại gần 30 năm nay, trong khi thực tế, mức hao hụt hiện đã giảm nhiều do áp dụng tiến bộ công nghệ; chênh lệch giá xăng tồn kho không được minh bạch… đều là những kẽ hở để doanh nghiệp xăng dầu thu lợi nhuận. Do vậy, giữ lại lợi nhuận định mức 300 đồng/lít là không cần thiết với thực tế kinh doanh xăng dầu. Bỏ phần này đi thì có thể tạo điều kiện cho việc giảm giá xăng” - ông Phú nhìn nhận.
Bình luận (0)