Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH XNK Nông sản Hồng Ân (Công ty Hồng Ân), biết rõ công ty làm ăn thua lỗ mà vẫn liên tục đưa ra thông tin sai lệch về tính khả thi của dự án thanh long Hồng Ân nhằm kêu gọi đầu tư, mượn tiền, tài sản của người khác.
Công an cần vào cuộc
Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) khẳng định hành vi của bà Trinh thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo ông Trạch, những vụ việc tranh chấp liên quan đến Công ty Hồng Ân do bà Trinh làm đại diện hợp pháp có kịch bản khá giống nhau. Cụ thể, bà Trinh kêu gọi đối tác góp vốn với mục đích đầu tư trồng thanh long, nhà máy chế biến rồi chia lợi nhuận hoặc vay tiền, nhờ người khác thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng nhưng “lật kèo” sau khi cầm tiền.
Ngoài ra, khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Khiết Tường, bà Trinh khẳng định toàn bộ tài sản đứng tên Công ty Hồng Ân chưa cầm cố hoặc bán cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Thế nhưng trên thực tế, trước khi ký kết hợp tác, bà Trinh đã bán một phần tài sản cho bà Vũ Thị Băng Tâm.
“Thực tiễn xét xử cho thấy gần đây, cơ quan công an thường “ngại” khởi tố những vụ án có tính chất như vậy hoặc tương tự. Sau khi tiếp nhận vụ việc, cơ quan công an đưa ra kết luận đây là tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án dựa vào tình tiết các bên thỏa thuận bằng hợp đồng dân sự” - luật sư Trạch nêu.
Đồng quan điểm, nguyên thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM Lai Vũ Bằng cho rằng ngay từ đầu, người đứng đầu Công ty Hồng Ân có ý thức gian dối hòng chiếm đoạt tài sản, thể hiện qua kịch bản sử dụng dự án thanh long làm “mồi nhử” dưới chiêu bài kêu gọi đầu tư. Tổng Giám đốc Công ty Hồng Ân dùng thủ đoạn này nhiều lần, với nhiều người, trong thời gian dài.
“Cơ quan điều tra cần vào cuộc để làm rõ hành vi phạm tội của Tổng Giám đốc Công ty Hồng Ân Nguyễn Thị Ngọc Trinh” - ông Bằng nhận định.
Truy trách nhiệm giấy viết tay
Đối với những trường hợp cho vay, mượn tài sản bằng giấy tay, ông Lai Vũ Bằng cho biết cam kết viết tay dù thiếu sót về mặt hình thức nhưng vẫn có giá trị pháp lý nhất định. Có giấy cam kết chứng tỏ giao dịch giữa hai bên đã xảy ra, vợ chồng bà Trinh có nhận tiền, mượn nhà. Vì thế, vợ chồng bà Trinh không thể trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật.
Theo luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP HCM), hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định (điều 401 Bộ Luật Dân sự (BLDS) 2005). Đồng thời, hợp đồng vay, mượn tài sản không bắt buộc phải được giao kết bằng một hình thức nhất định (điều 471 và 512 BLDS 2005).
Do đó, pháp luật thừa nhận và bảo hộ những hợp đồng vay, mượn thể hiện dưới hình thức giấy viết tay (nếu thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực theo khoản 1, điều 122, BLDS 2005). Như vậy, giấy vay, mượn tiền giữa các nạn nhân với vợ chồng bà Trinh có giá trị pháp lý. Chủ nợ có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp nếu phía bà Trinh trốn tránh, không tuân theo thỏa thuận.
“Đối với trường hợp của bà Võ Thị Hải, do hai bên ký kết hợp đồng góp vốn bằng tài sản nên bà Hải sẽ là thành viên Công ty Hồng Ân khi thực hiện những thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định” - luật sư Hải khẳng định.
Hợp đồng vô hiệu
Việc bà Vũ Thị Băng Tâm thỏa thuận với vợ chồng bà Trinh ký hợp đồng mua 19.000 trụ thanh long và hợp đồng thuê quyền sử dụng 19 ha đất là nhằm bảo đảm khoản vay hơn 22 tỉ đồng. Do đó, luật sư Hà Hải cho rằng 2 hợp đồng trên vô hiệu theo quy định tại điều 129 BLDS 2005 (khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của bộ luật này).
Bình luận (0)