Ông Nguyễn Xuân Hữu - Chủ tịch UBND xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk - cho biết sẽ báo cáo vụ việc lên cơ quan công an, UBND huyện Ea Kar để có những biện pháp ngăn chặn về việc hàng chục người dân vướng vào tín dụng đen.
Gia đình ly tán
Ông Nguyễn Đình Lân (SN 1951; ngụ thôn 5, xã Ea Sô) đang sống yên ổn thì cách đây khoảng 6 tháng, vợ ông là bà Lê Thị Bơ bảo về quê có việc. Sau khi bà Bơ đi, nhiều người tới nhà ông Lân đòi nợ cả gốc lẫn lãi tới 450 triệu đồng.
Đến giờ, ông Lân cũng không biết vợ mình vay tiền để làm gì. Là hộ nghèo, kinh tế khó khăn nên bà Bơ không có khả năng trả nợ, đành trốn khỏi nhà. “Vợ tôi vay tiền của bà Vũ Thị Nhuận (ngụ thôn 8, xã Ea Đar, huyện Ea Kar) với mức lãi suất 4.000 đồng/ngày/triệu đồng. Gần nhà tôi cũng có mấy gia đình bị xiết nợ, phải bán nhà trả, vợ chồng lục đục rồi ly hôn” - ông Lân lo lắng.
Theo ông Phạm Thế Dũng, cán bộ tư pháp xã Ea Sô, bà Đặng Thị Dậu, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, cũng mắc nợ trên 400 triệu đồng và không có khả năng chi trả. Do bị chủ nợ đòi gắt gao, vợ chồng bà Dậu đã bỏ đi khỏi địa phương từ tháng 4-2016. Do bà Dậu rời địa phương rất lâu, không có tung tích gì nên chính quyền đã cách chức của bà.
Trong những người vướng vào vòng xoáy vay nặng lãi còn có bà Bùi Thị Liên, vợ ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch UBND xã Ea Sô. Ông Hữu chua xót: “Tôi là cán bộ xã, vợ ở nhà chăn nuôi, làm vườn nên điều kiện kinh tế cũng tạm ổn. Đầu tháng 12-2016, tôi đi học trên phố thì vợ ở nhà bán cặp bò, cầm chiếc xe máy rồi dẫn theo đứa con mới học lớp 4 bỏ nhà đi. Mới đây, tôi có gọi được cho vợ và cô ấy cho biết trốn đi vì nợ nần không có tiền trả. Gia đình tôi nuôi 5.000 con gà, nhiều hồ cá, nhiều diện tích cà phê… nên không hiểu vợ đã vay tiền làm gì. Lúc đi, vợ tôi còn bắt đứa con ghi lên tường mấy chữ vĩnh biệt bố và cả nhà”.
Lãi mẹ đẻ lãi con
Được sự động viên của ông Hữu, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, bà Liên kể: “Cuối năm 2015, tôi vay của bà Nhuận 50 triệu đồng để bù vào tiền chăn nuôi thua lỗ. Do chỗ quen biết nên bà Nhuận lấy lãi 5.000 đồng/ngày/triệu đồng. Do tiền lãi quá lớn, không có khả năng chi trả nên tôi tiếp tục vay của bà Nhuận để trả. Đến một thời điểm, tôi phải tham gia 3 chân hụi (mỗi tháng đóng 6 triệu đồng). Số tiền hốt hụi, bà Nhuận cũng lấy luôn chứ không đến được tay tôi. Do lãi mẹ đẻ lãi con, cộng cả số tiền không có đóng hụi đến giờ là 370 triệu đồng”.
Ông Phạm Thế Dũng, cán bộ tư pháp xã Ea Sô, cho biết tính đến nay, đã có 5 trường hợp bỏ nhà đi nhiều tháng không liên lạc được vì vướng vào tín dụng đen. Qua tìm hiểu, xã được những người vay tiền cho biết thông qua một người tên Tâm (ngụ xã Ea Sar, huyện Ea Kar) giới thiệu tới vay tiền của bà Vũ Thị Nhuận với mức lãi suất 4.000-5.000 đồng/ngày/triệu đồng.
“Trong các giấy vay nợ có nhiều điều bất thường như không thể hiện ngày trả, mỗi lần vay chỉ mấy triệu đồng nhưng liên tiếp ghi số tiền lãi được cộng dồn” - ông Dũng băn khoăn.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, bà Nhuận cho biết một số người vay nợ không chịu trả rồi vu khống bà cho vay nặng lãi. “Tôi cho vay không lãi đấy, có bằng chứng gì không? Bất kể công an, nhà báo gì về đây đừng nói chuyện làm việc với tôi” - bà Nhuận thẳng thừng.
Bà Vũ Thị Kim Quyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Sô, cho biết thực tế còn rất nhiều trường hợp vay nặng lãi nhưng do chủ nợ không gửi đơn lên chính quyền hoặc gia đình đang cố gắng cầm cự nên xã chưa thống kê được. “Hiện tại, xã cũng chỉ biết dừng lại ở việc tuyên truyền chị em ở địa phương không nên tham gia vào việc vay nợ như thế để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra” - bà Quyên thông tin.
Bình luận (0)