Bệnh xá Trường Sa trên đảo Trường Sa Lớn những ngày đầu tháng 6-2016 vẫn còn nhắc về câu chuyện 2 bác sĩ đã không ngần ngại cho máu để cứu chiến sĩ Nguyễn Duy Phương, người bị thương trên đường ra đảo làm công tác huấn luyện. Đó là bác sĩ An Quang Vũ và bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà.
Say sóng vẫn hiến máu cứu người
Anh Phương và bác sĩ Vũ cùng có mặt trên tàu HQ 561 để lên đường đến Trường Sa làm nhiệm vụ. Chàng bác sĩ quê Hà Nội nhớ lại: “Phương bị thương gây vỡ tụy, chấn thương bụng, chảy máu trong ổ bụng suốt hải trình ra đảo hơn 2 ngày. Tới nơi, các bác sĩ xét nghiệm thấy anh trong tình trạng thiếu máu nặng. Chưa kể, quá trình thực hiện ca mổ cho Phương còn gây tổn thương, mất máu nhiều nên cần có máu truyền khi phẫu thuật. Là người có nhóm máu O nên khi đến đảo, tôi quyết định hiến máu ngay. Lúc đấy mà còn đợi xét nghiệm nhóm máu nữa thì không kịp”.
Bác sĩ Vũ cho biết lúc ấy, do lần đầu ra đảo nên suốt hành trình, anh bị những cơn say sóng hành hạ. Khi bước chân xuống đảo, dù còn mệt lử nhưng vì tình đồng đội, vì trách nhiệm của người cán bộ y tế, anh nghĩ ngay đến việc hiến máu giúp chiến sĩ Phương.
Nhắc lại ca mổ “lịch sử” này, các y, bác sĩ Bệnh xá Trường Sa đều xúc động bởi tính chất nguy hiểm và quá trình xử trí căng thẳng của đội ngũ cán bộ y tế tàu HQ 561, trên đảo Trường Sa Lớn cũng như của Bệnh viện 175. Rất may, anh Phương ra đảo trên con tàu quân y nên có điều kiện được siêu âm, chẩn đoán kịp thời. Tuy vậy, quá trình theo dõi chiến sĩ này từ lúc bị bệnh đến khi cập bến vào đảo vẫn rất căng thẳng.
Để hỗ trợ các y, bác sĩ trên đảo Trường Sa Lớn và cứu bệnh nhân kịp thời, một ê-kíp bác sĩ Khoa Ngoại bụng Bệnh viện Quân y 175 từ TP HCM đã bay khẩn cấp ra đảo thực hiện ca mổ. Sau khi hoàn thành ca phẫu thuật, anh Phương được chuyển về Bệnh viện Quân y 175 để tiếp tục điều trị.
“Ngoài trường hợp đặc biệt cần sự trợ giúp từ đất liền, Bệnh xá Trường Sa đã có thể thực hiện được các ca mổ ruột thừa, mổ sinh, điều trị gãy chân, gãy tay, thậm chí mổ chấn thương sọ não, cấp cứu nhồi máu cơ tim. Đội ngũ gồm 3 bác sĩ, 7 điều dưỡng tại đảo luôn cố gắng hết sức, ít nhất phải làm tốt công tác xử trí ban đầu, góp phần giúp ngư dân tin tưởng bám biển, chiến sĩ yên tâm bảo vệ biển đảo quê hương” - bác sĩ Vũ tâm sự.
Vị khách đặc biệt
Trên hải trình, tàu KN 490 của chúng tôi được đón một “vị khách đặc biệt”. Đó là thuyền phó tàu KN 202 - thượng úy Nguyễn Quốc Lợi.
Chúng tôi gặp thượng úy Lợi tại đảo Trường Sa Lớn, nơi anh vừa trải qua ca mổ ruột thừa đặc biệt nguy hiểm và có 2 tuần nằm điều trị tại chỗ. Được tin chúng tôi ghé thăm đảo, Quân chủng Hải quân đã yêu cầu đảo Trường Sa Lớn “gửi gắm” thượng úy Lợi cho tàu KN 490 để di chuyển về đơn vị.
Thượng úy Lợi kể khi tàu KN 202 làm nhiệm vụ tại khu vực phía Nam bãi cạn Tư Chính chiều 15-5 thì anh bắt đầu có dấu hiệu đau bụng. Cơn đau âm ỉ cả đêm hôm đó cho tới chiều tối16-5 vẫn không đỡ. Anh được đề nghị chuyển sang tàu KN 290 để các bác sĩ kiểm tra, theo dõi. Tại đây, các bác sĩ đã phát hiện anh bị đau ruột thừa.
“Quân chủng Hải quân có lệnh đưa tôi đến Trường Sa Lớn bằng xuồng 4 máy tốc độ lớn nhất nhưng với khoảng cách 160 hải lý, tương đương 250 km nên đi hơn 9 giờ mới tới nơi. Chiều 17-5 đến Bệnh xá Trường Sa, kết quả xét nghiệm cho thấy tôi đã bị vỡ ruột thừa và phải mổ cấp cứu. Các bác sĩ cho biết khi mổ thì mủ trào nhiều, nhiễm trùng và viêm phúc mạc ổ bụng” - thượng úy Lợi nhớ lại.
Ca mổ đối mặt nhiều nguy cơ do bệnh nhân đã bị viêm nhiễm, biến chứng và thiếu kháng sinh liều cao nhưng với kinh nghiệm chuyên khoa ổ bụng, bác sĩ - thượng úy Trương Đức Cường, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Trường Sa, trực tiếp phẫu thuật thành công. Sau đó, bác sĩ Cường đã đề nghị điện báo về Vùng 4 để báo cáo Quân chủng Hải quân điều máy bay mang thuốc kháng sinh ra đảo. Nhờ vậy, anh Lợi có đủ thuốc để điều trị cho tới khi gần như hồi phục sức khỏe hoàn toàn trên đảo Trường Sa Lớn.
“Bác sĩ Cường khi ấy khẳng định chắc nịch là sẽ thực hiện được ca mổ trên đảo. Anh còn động viên tôi cũng như các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 yên tâm tin tưởng vào mình. Lần đầu tiên sống trên đảo 2 tuần mà tôi có cảm giác như ở nhà mình vậy. Các y, bác sĩ quan tâm, hỏi han tình hình sức khỏe của tôi từng li từng tí. Những ngày tôi chưa đi lại được, các y sĩ mỗi ngày 2 lần đều đặn mang chậu nước tới giúp đánh răng, rửa mặt, lau người, gội đầu…” - thượng úy Lợi xúc động.
Với thượng úy Lợi, ca mổ thành công là điều diệu kỳ với anh, cũng là dịp để anh cảm nhận được tình cảm của cán bộ quân y Trường Sa, của cả những đại biểu lần đầu gặp trên con tàu KN 490 đã luôn quan tâm, thăm hỏi, giúp đỡ “vị khách đặc biệt”.
Kỳ tới: Thắp sáng đảo xa
Hạnh phúc nảy mầm
Bé Nguyễn Phan Ngọc Hân chào đời trên đảo Sinh Tồn ngày 2-4-2014, đúng ngày kỷ niệm tỉnh Khánh Hòa giải phóng. Cái tên Ngọc Hân được chùa Sinh Tồn đặt tặng bé với những ý nghĩa tốt đẹp nhất mà sư thầy gửi gắm.
“Hôm đó, tôi chỉ làm một số việc phụ giúp bác sĩ đỡ đẻ chính từ Bệnh viện Quân y 175 ra nhưng cũng dâng trào cảm giác sung sướng và thấy vô cùng nhẹ nhõm khi bé Hân chào đời an toàn. Ở đây, do điều kiện vô trùng và cấp cứu sơ sinh không được tốt nên bé không được đưa ra ngoài gặp người nhà ngay. Tôi chăm sóc Hân cả ngày nên tình cảm với bé và gia đình rất sâu sắc” - y sĩ Huỳnh Tường Văn, người hỗ trợ ca sinh của sản phụ Phan Thị Thương, mẹ bé Hân, bày tỏ.
Bình luận (0)