xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Diệu kỳ sức sống Trường Sa

Bài và ảnh: Phương Nhung

Sự sống được ươm mầm từ chính nơi những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Đó cũng là cách mà cán bộ, chiến sĩ và người dân Trường Sa khẳng định chủ quyền, bảo vệ biển đảo quê hương và tri ân sự hy sinh của thế hệ đi trước

Tại lễ tưởng niệm cán các bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc tại Trường Sa và Nhà giàn DK 1 mới đây, khi nhắc lại những tấm gương anh dũng trong cuộc hải chiến không cân sức với quân Trung Quốc hơn 26 năm trước và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân, gương mặt tất cả thành viên trên tàu KN 490 đều nhòa lệ.

Hòa vào biển đảo quê hương

Giữa sóng nước bao la, đại tá Hoàng Ngọc Dương, Trưởng Phòng Dân vận Hải quân - Quân chủng Hải quân, nghẹn ngào điểm lại những tên tuổi đã trở thành bất tử: Anh hùng liệt sĩ - trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; anh hùng liệt sĩ - đại úy Nguyễn Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ-604; anh hùng liệt sĩ - thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma; thuyền trưởng - thiếu tá Vũ Huy Lễ...

Trong trận hải chiến bi hùng ngày 14-3-1988, có người đã quấn lá cờ Tổ quanh thân mình đẫm máu, có người lao tàu lên bãi đá ngầm Cô Lin để biến nó thành pháo đài và là cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm... Họ đã ra đi trong khí phách sáng ngời và niềm tin quyết thắng với niềm kiêu hãnh của người chiến sĩ hải quân, làm sáng đẹp thêm phẩm chất bộ đội Cụ Hồ.

Đó còn là lời vĩnh biệt đất liền cảm động của đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK 1/16 Phúc Nguyên; của thiếu úy Nguyễn Văn An, nhân viên cơ điện và chuẩn úy Lê Đức Hồng, nhân viên radar, khi trận cuồng phong của cơn bão số 8 năm 1998 quật ngã các anh. “Họ đã gửi lời chào vĩnh biệt đất liền để rồi thanh thản ra đi, mãi mãi làm bạn với biển khơi mênh mông” - đại tá Hoàng Ngọc Dương xúc động.

Vườn rau thanh niên trên đảo Đá Lớn được chăm sóc kỹ càng nên luôn xanh tốt
Vườn rau thanh niên trên đảo Đá Lớn được chăm sóc kỹ càng nên luôn xanh tốt

Nằm lại mãi mãi với đại dương bao la còn có trung úy - trạm trưởng Huỳnh Văn Bảy, thượng úy - trạm phó Nguyễn Hữu Quảng của Nhà giàn DK 1/3 trước cơn bão số 10 dữ dội vào cuối năm 1990 và biết bao tấm gương hy sinh anh dũng khác.

“Biển cả mênh mông mà sức người có hạn nên đến nay, nhiều liệt sĩ vẫn còn nằm lại dưới lòng đại dương. Các anh ra đi thật thanh thản và vinh quang song để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào và đồng chí...”.

Sau những lời tha thiết của đại tá Hoàng Ngọc Dương, những bông hoa cúc, những cánh hạc cùng vòng hoa kết hình lá cờ Tổ quốc đã được thả xuống sóng nước biển Đông, mang theo lòng tri ân sâu sắc của đất liền, của những người hôm nay gửi đến các anh hùng đã nằm xuống. Gương mặt của hơn 200 đại biểu trên tàu KN 490 đều rưng rưng.

Tiếp bước cha anh

Với niềm tin và lý tưởng được hun đúc từ thế hệ đi trước, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ và cả người dân đã cùng nhau bám trụ, bảo vệ, xây dựng để từng hòn đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam đều ấm áp bóng người và ngập tràn màu xanh cây cỏ.

Nhà giàn DK 1/17 nằm chênh vênh ở độ cao 39 m so với mặt nước biển. Chiều cao từ chân nhà giàn lên nóc gần 60 m. Cuộc sống ở các đảo, nhất là đảo đá (đảo chìm) vốn đã vất vả, thiếu thốn nhưng nhà giàn còn khó khăn hơn nhiều. Vậy nhưng, chỉ với diện tích hơn 100 m2, các chiến sĩ Nhà giàn DK 1/17 đã khéo thu vén để vừa có nơi ăn chốn ở, chỗ làm nhiệm vụ vừa có chỗ trồng rau, hoa và nuôi heo, gà. Nhà giàn còn hỗ trợ ngư dân trong việc chữa bệnh, sửa tàu thuyền, tiếp nước ngọt...

Thiếu tá quân y Nguyễn Tất Thành, phụ trách chăm sóc sức khỏe và hậu cần tại Nhà giàn DK 1/17, đã có 23 năm sống qua tất cả nhà giàn thuộc Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Đông Nam. Trong ngần ấy năm công tác, số lần anh được về Quảng Trị ăn Tết cùng gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà, sau khi hết nhiệm vụ tại DK 1/17, anh vẫn muốn tiếp tục nhận nhiệm vụ tại một nhà giàn khác.

Thiếu tá Thành hầu như lúc nào cũng bận rộn. Không chỉ chăm lo sức khỏe cho chiến sĩ, ngư dân quanh khu vực nhà giàn, anh còn trồng rau, nuôi heo, gà để cải thiện đời sống. “Anh em gọi tôi là “bác sĩ quân y kiêm chuyên gia nông nghiệp”. Tụi tôi trồng được đủ rau ăn, lại còn muối dưa chua được nữa” - anh khoe.

Thiếu tá Thành cho biết những ngày đầu tiên tới nhà giàn, cuộc sống vô cùng vất vả, thiếu thốn. Khi ấy, chỉ có lá thư là nhịp cầu nối đất liền với hải đảo để cán bộ, chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ gia đình. Lúc nghỉ ngơi, họ thường mở radio nghe để có cảm giác được gần gũi đất liền hơn. “Lúc sóng yếu không nghe được radio, chúng tôi lại tìm đến những lời hát, những lời động viên, giữ nụ cười trên môi để cùng nhau yêu đời, cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tiếp bước các anh hùng đã ngã xuống” - anh tâm sự.

Từ các nhà giàn tới những đảo chìm, đảo nổi, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những “vườn rau thanh niên” được các chiến sĩ kỳ công chăm sóc. Nhiều vườn rau mọc lên tươi tốt bất chấp nắng gió khắc nghiệt.

“Vườn rau ở đảo phải di chuyển liên tục để tránh hướng gió biển. Từng hạt giống, bao đất, phân bón đều phải chuyển từ đất liền ra. Nước tưới rau được tận dụng từ nước tắm của anh em” - trung sĩ Nguyễn Văn Căn, nhân viên tín hiệu đảo An Bang, cho biết.

Ở các đảo Sinh Tồn, Trường Sa - nơi có người dân sinh sống - những cây phong ba, bão táp rắn rỏi, những cây bàng vuông, hoa giấy... dịu dàng đua nhau bung nở. Nhiều đứa trẻ đã được sinh ra, lớn lên và học hành trên đảo. Trạm xá, bưu điện, nhà chùa cùng hệ thống nghe nhìn, máy móc... phục vụ cuộc sống gần như đã đầy đủ. Sự sống được ươm mầm từ chính nơi những anh hùng đã ngã xuống. Đó cũng là cách các cán bộ, chiến sĩ, người dân khẳng định chủ quyền, bảo vệ biển đảo quê hương và tri ân với sự hy sinh của thế hệ đi trước.

Rất gần đất liền

Đại úy Huỳnh Văn Sinh, Chính trị viên đảo Đá Lớn, cho biết tại đảo, các thiết chế văn hóa gần như đã đầy đủ. “Ở đảo thiếu nhất là tình cảm mà nhiều nhất cũng là tình cảm. Một quân nhân trên bờ nhiều khi bận rộn quá lại không nắm chắc được thông tin thời sự và không có được đời sống tinh thần như chúng tôi ngoài đảo. Bởi vậy, Trường Sa cũng gần với đất liền lắm” - anh khẳng định.

Kỳ tới: Giành lại sự sống giữa biển khơi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo