Sự việc chỉ “lòi” ra khi chính đơn vị này có báo cáo gửi cấp trên trình bày về việc kinh phí hoạt động 7 tháng cuối năm thiếu hụt trầm trọng mà không có phương án giải quyết, trong đó có cả chế độ của cán bộ, nhân viên tại đây.
Sở dĩ dư luận quan tâm đến chuyện này bởi lâu nay Quảng Bình được xem là tỉnh nghèo, ngay kinh phí ngân sách cấp cho Trung tâm YTDP huyện Tuyên Hóa hoạt động cả năm 2016 cũng chỉ ở mức 3,4 tỉ đồng thì cái khoản “tiếp khách” như đã nêu quả là rất lạ. Dĩ nhiên, “tiếp khách” nhưng có khi không hẳn là tiếp khách. Chính cán bộ nhân viên ở trung tâm này cũng nói rõ là trong 4 tháng đầu năm chỉ có 2 đoàn khách đến trung tâm, mà tiếp mỗi đoàn đi ăn uống cao lắm cũng chỉ 5 triệu đồng, lấy đâu ra con số hàng trăm triệu đồng như vậy?
Đó là chuyện ở một đơn vị nhỏ. Thực ra, việc chi tiền ngân sách “tiếp khách” đến mức quá lãng phí hay dựa cớ để hợp thức hóa những khoản chi khác đã như một thứ dịch bệnh tràn lan. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương mới đây cũng buộc phải làm tờ trình xin cấp trên hỗ trợ kinh phí để trả các khoản nợ do tiếp khách tới 310 triệu đồng. Chủ một quán nhậu ở tỉnh Cà Mau từng đòi đốt trụ sở UBND một xã vì cán bộ xã này ký nợ tiền tiếp khách nhiều quá...
Cho nên, có lạ chăng là ở chỗ vì sao những kiểu chi bất hợp lý như vậy vẫn được quyết toán? Ông Trần Du Lịch (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM) từng thẳng thắn nói giữa nghị trường rằng khi ông đến thăm một nước, bạn đã không mời cơm vì ngân sách chưa có nhưng ở Việt Nam thì ăn nhậu vô tội vạ mà vẫn quyết toán được.
Có người nói vì ta quản lý lỏng lẻo, vì thiếu quy định cụ thể về chuyện tiếp khách nên lắm kẽ hở, dễ sinh lợi dụng. Quản lý lỏng lẻo thì rõ rồi nhưng quy định thì không thiếu. Thậm chí, chúng ta đã ban hành cả Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (hiệu lực từ ngày 1-6-2006). Bộ Chính trị rồi Chính phủ cũng đã có rất nhiều chỉ thị, nghị định về việc này.
Quy định nhiều nhưng tình trạng lãng phí trong tiếp khách, rộng ra nữa là hội họp, du lịch, thăm viếng… trong các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp vẫn xảy ra tràn lan thì rõ là vấn đề không thể giải quyết rốt ráo nếu chỉ dừng lại ở tuyên truyền, giáo dục, vận động.
Nợ công ở mức cao, bội chi luôn đe dọa ngân khố nên tiết kiệm chi tiêu ngân sách chính là một trong những cách phải làm ngay để giảm áp lực tài chính. Tiết kiệm chi tiêu ngân sách không chỉ trong những việc như mua sắm xe công, xây trụ sở… mà còn ở cả những việc rất thường ngày như tiếp khách. Vận nước thịnh suy cũng không từ đâu xa mà từ những hành động tiết kiệm chi tiêu công quỹ có phù hợp và chính sách quản lý có hiệu quả hay không...
Bình luận (0)