Theo đó, các điểm đến các khu vui chơi ở khu trung tâm bắt đầu xuất hiện tình trạng quá tải.
Dù năm nay không đốt pháo hoa nhưng vạn người vẫn đổ về khu trung tâm chờ đón năm mới được bạn Nguyễn Thanh Hằng, sinh viên Trường đại học KHXH&NV TP HCM, lý giải rằng chỉ có khu trung tâm mới có những điểm vui chơi và chụp hình, tham quan trong những ngày Tết.
Đúng như Thanh Hằng nói, đến 22 giờ 30 phút, hầu hết các điểm đến ở khu trung tâm TP như Đường hoa Nguyễn Huệ, khu vực nhà thờ Đức Bà bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải.
Tình trạng quá tải thấy rõ nhất là ở Đường hoa Nguyễn Huệ bởi chỉ tính đến 22 giờ đêm giao thừa, người dân và du khách đến đây đã bắt đầu chen nhau để đi bộ. "Đường hoa quá tải cũng đúng thôi, vì đến đây vừa có chỗ chụp hình đẹp lại còn được xem trình diễn ánh sáng ở tòa nhà UBND TP HCM thì giới trẻ mê là phải" - Thanh Hằng chia sẻ.
Toàn cảnh Đường hoa Nguyễn Huệ đêm giao thừa
Đến 23 giờ, hầu hết các tuyến đường xung quanh các điểm vui chơi ở khu trung tâm TP HCM bắt đầu ùn tắc trầm trọng.
Tuy nhiên, dù bị "mắc kẹt" nhưng không ai tỏ ra khó chịu.
Tại Hà Nội, tuy dòng người đổ về khu vực trung tâm không bằng các năm qua nhưng cũng đủ "làm nóng" đường phố của thành phố này trong đêm giao thừa. Điển hình là các tuyến phố như Tràng Tiền, Lý Thái Tổ,... đến thời điểm hiện tại dòng người vẫn chưa ngớt đổ về để chờ đón năm mới.
Dòng người vẫn thi nhau đổ về phố Tràng Tiền và Lý Thái Tổ
Tại TP Cần Thơ, do năm nay không có bắn pháo hoa nên hơn 23 giờ, hàng chục ngàn người ở Tây Đô và các vùng lân cận đổ xô đến đường hoa ở quận Ninh Kiều để vừa vui chơi, vừa chờ đợi đến giờ khắc giao thừa.
Người dân Tây Đô và các vùng lân cận đổ xô đến đường hoa TP Cần Thơ. Ảnh: NGỌC TRINH
Em Nguyễn Thị Diễm Hương, học sinh lớp 8, cho rằng giao thừa không bắn pháo hoa thì thấy thiếu một cái gì đó. Tuy nhiên, Hương cũng cho biết nếu bắn pháo hoa tốn tiền tỉ mà người dân, đặc biệt là các em nhỏ, ở một số địa phương khác đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí không được đón Tết thì cũng chẳng lấy gì làm vui.
Tại tuyến đường đèn nghệ thuật Đại lộ Hòa Bình- 30/4, dòng người đổ về đây cũng chật kín khiến lực lượng CSGT phải vất vả điều tiết.
Lực lượng CSGT TP Cần Thơ vất vả điều tiết giao thông. Ảnh: NGỌC TRINH
Ở thành phố du lịch Đà Nẵng, thời tiết se lạnh và khô ráo nên ngay từ hơn 20 giờ hàng ngàn người dân và du khách đã đổ ra đường để đón giao thừa.
Trên các tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng và hai bên bờ sông Hàn trong đêm 30 Tết đông nghịt người.
Từ 19 giờ, tại đường hoa Xuân Bạch Đằng, nhiều người dân và du khách đã đổ về đây để chuẩn bị xem các chương trình nghệ thuật được tổ chức trong đêm giao thừa.
Cụ thể, các tuyến phố chính như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Bạch Đằng, Trần Phú… được trang trí đẹp lộng lẫy trong đêm giao thừa là những nơi nhiều người chọn đến.
Tại đường hoa Bạch Đằng, chợ hoa Xuân 29-3, đường Điện Biên Phủ…, dòng người đã như nêm từ lúc 22 giờ. Tại các chợ hoa nhỏ lẻ, nhiều người vẫn tranh thủ đi mua hoa trước thời khắc giao thừa khiến không khí Tết càng thêm nhộn nhịp.
Đặc biệt, từ 19 giờ, tại đường hoa Xuân Bạch Đằng, nhiều người dân và du khách đã đổ về đây để chuẩn bị xem các chương trình nghệ thuật được tổ chức trong đêm giao thừa.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã trực tiếp ra đường thăm hỏi các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ ở khu vực phía Tây cầu Rồng
Vào 21 giờ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã trực tiếp ra đường thăm hỏi chiến sĩ, công an làm nhiệm vụ ở khu vực phía Tây cầu Rồng và công nhân công ty Môi trường Đô thị Đà Nẵng. Bí thư Đà Nẵng đã động viên các chiến sĩ làm tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trong đêm giao thừa. Nói chuyện với các công nhân môi trường, ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng các công nhân nên xem đường phố là nhà mình để giữ thành phố luôn sạch đẹp.
22 giờ tại khu vực công viên cầu Rồng, đường Trần Hưng Đạo cũng đông nghẹt người đến xem chương trình nghệ thuật Mừng Đảng đón Xuân.
Bình luận (0)