Đến trưa 8-9, đoàn 4 xe chở quá tải vẫn bị tạm giữ tại bãi giữ xe của Trạm Kiểm tra tải trọng xe cơ giới Hà Tĩnh. Trước đó, hôm 7-9, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã cân tải trọng của 4 xe, cho thấy xe BKS 77H-9763 của DNTN Vận tải Đào Vũ chở quá tải 80%, xe 77C-021.05 của DNTN Vận tải Tấn Tài chở quá tải 105% và xe đầu kéo 77C-066.94 kéo theo rơ-moóc BKS 77R-005.22 của DNTN Vận tải Lâm Trường chở quá tải 79% và xe BKS 54T-0411 chở quá tải 89,3%. Trong số này, có 3 xe thuộc tỉnh Bình Định.
Chủ xe không biết gì(?!)
Theo các tài xế, xe bốc hàng ở Bình Định vào ngày 2-9, dự kiến ngày 4-9 sẽ đến Nghệ An. Tuy nhiên, do vừa đi vừa phải tìm cách “qua mặt” các trạm cân nên đến ngày 5-9, đoàn xe mới chạy tới thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh và ngày 7-9 thì bị phát hiện. Để lọt qua trạm cân, CSGT, thanh tra giao thông (TTGT) của các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, ngoài việc “chung chi”, các tài xế còn tranh thủ lúc giao ca, đêm tối (từ 0-4 giờ) - thời điểm lực lượng chức năng sơ hở - sẽ vượt trạm.
11 giờ ngày 8-9, tại bãi giữ xe của Trạm Kiểm tra tải trọng xe cơ giới Hà Tĩnh đặt ở Bến xe Hồng Lĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, cả 4 xe chở quá tải đều chưa được hạ tải. Dưới gầm xe, cánh tài xế, phụ xe mắc võng nằm trò chuyện rôm rả. Một tài xế cho hay họ chỉ chở thuê nên lúc nào hạ tải còn phải chờ ý kiến của chủ hàng.
Thượng tá Lưu Văn Tiến, Phó Phòng CSGT tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định: “Việc hạ tải, lái xe và doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm. Hàng nông sản hay hàng gì cũng phải hạ tải. Nếu chủ xe không thực hiện, chúng tôi kiên quyết không cho lưu thông”.
Khi chúng tôi đề cập đến việc các xe bị bắt giữ chở hàng quá tải, cả 3 chủ doanh nghiệp vận tải của tỉnh Bình Định đều trả lời: Việc chở hàng quá tải là do tài xế chứ họ không hề hay biết gì.
“Không biết tài xế chở hàng gì mà quá tải, hình như gạch ngói hay xi măng gì đấy. Vì chúng tôi giao khoán xe cho tài xế nên khi nào tài xế về báo cáo thì mới biết xe chở gì, bao nhiêu tấn hàng” - bà Vũ Thị Tú, chủ DNTN Vận tải Đào Vũ, phân bua. Tương tự, ông Tấn Tài, chủ DNTN Vận tải Tấn Tài, cũng cho rằng mặc dù khoán nhưng doanh nghiệp không chủ trương cho tài xế chở hàng quá tải. Bởi vậy, tài xế nào chở hàng quá tải hay phạm lỗi trong quá trình điều khiển xe phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 3 doanh nghiệp trên thì DNTN Vận tải Đào Vũ có số đầu xe hoạt động vận tải hàng hóa nhiều nhất với hơn 30 chiếc chuyên chạy đường dài. Nếu tính cả lượng xe của các con bà Tú thì tổng số xe tải của gia đình bà Tú lên đến hơn 100 chiếc.
Thanh tra chờ CSGT
Một lãnh đạo cấp vụ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định với phóng viên Báo Người Lao Động chính ông đã điện thoại cho lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu tổ chức lực lượng vây bắt đoàn xe quá tải này.
“Người dân ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên bức xúc đã lâu về tình trạng xe chở xi-măng hàng mấy chục tấn cứ rầm rập qua lại suốt ngày nên khi phát hiện đoàn xe này đã thông báo cho công an xã. Một công an xã Cẩm Duệ gọi điện nhiều lần đến đường dây nóng của tỉnh nhưng không ai nghe máy nên gọi về Tổng cục Đường bộ” - vị này nói.
Theo vị này, vụ việc một lần nữa cho thấy những bất cập trong việc xử lý xe quá tải. Lực lượng thường xuyên túc trực, kiểm soát ở các trạm cân hiện nay là CSGT và TTGT. Khi phát hiện xe có dấu hiệu chở quá tải trọng mà CSGT không ra dấu hiệu dừng xe kiểm tra thì TTGT cũng không có thẩm quyền yêu cầu dừng xe. Thậm chí, việc phối hợp ngăn chặn xe quá tải giữa 2 lực lượng này ở các địa phương cũng khác nhau.
“Ở Hải Dương, nếu phát hiện xe chạy qua trạm thì họ sẽ đuổi bắt. Có tỉnh thì lại ngồi một chỗ, nếu vẫy không dừng thì không đuổi theo. Thử hỏi nếu có một tổ CSGT cách trạm cân vài trăm mét thì những xe quá tải có dám không dừng lại khi có tín hiệu không? Ở đây còn nhiều bất thường trong phối hợp” - vị này nhận định.
Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an xây dựng một thông tư liên tịch hướng dẫn về quy chế phối hợp giữa CSGT và TTGT. “Trong thông tư cần quy định chế tài xử lý trách nhiệm đối với lực lượng bỏ lọt xe quá tải trọng. Như trường hợp ở Hà Tĩnh, sẽ đề xuất xem xét trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ 6 tỉnh mà đoàn xe này đã vượt qua” - vị này nói.
Hiện nay đã có một số địa phương ràng buộc trách nhiệm rất rõ ràng. Tại Kon Tum, nếu chiến sĩ CSGT được cử tới làm nhiệm vụ tại trạm cân mà không dừng xe có dấu hiệu vi phạm thì Sở GTVT có thể làm văn bản “trả lại” chiến sĩ CSGT đó và yêu cầu cử người khác tới làm việc.
Xe “khủng” ép xe TTGT
1 giờ ngày 8-9, phát hiện xe tải BKS 75C-010.57 do lái xe Lê Phước Hậu (SN 1987, ngụ phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) điều khiển có dấu hiệu vượt quá tải trọng, lực lượng kiểm tra liên ngành tại trạm cân số 15 trên Quốc lộ 1 (xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đã yêu cầu dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, tài xế Hậu đã lái xe bỏ chạy. Chánh TTGT Sở GTVT tỉnh Nghệ An cùng 4 TTGT dùng xe công vụ truy đuổi suốt 5 km. Lúc này, tài xế xe tải liên tục đánh võng, chèn ép khiến xe TTGT nhiều lần suýt bị xe chạy ngược chiều đâm. Đến đoạn Quốc lộ 1 thuộc huyện Nghi Lộc, xe tải đã bị bắt giữ. Qua kiểm tra cho thấy xe này chở vượt quá 3 lần tải trọng cho phép.
Đ.Ngọc
CSGT không thể kiểm tra hết
Chúng tôi đã kiểm tra lại sổ lịch trình thì không thấy 4 xe này đi qua. Hơn nữa, mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe qua lại, CSGT không thể kiểm tra hết được. Chúng tôi cũng không thể túc trực 24/24 để chặn bắt các xe chở quá tải. Có thể vì vậy mà không phát hiện được đoàn xe trên. Hiện tại Quảng Ngãi có một trạm cân di động được “luân chuyển” thường xuyên ở Trạm CSGT huyện Đức Phổ và Trạm CSGT huyện Bình Sơn. Vì thường xuyên luân chuyển giữa 2 đầu nên thời gian di chuyển trạm cân khá lâu. Có thể lợi dụng những thời điểm này, xe quá tải lọt qua kiểm soát giao thông.
Thiếu tá Vũ Thanh Giang (Trưởng Trạm CSGT huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi)
Rất khó phát hiện
Tại Quảng Nam chỉ có một xe tuần tra. Mỗi lần giao ca, lực lượng này quay về trạm thì lực lượng kia mới sử dụng xe để quay lại địa điểm tuần tra. Thời gian giao ca ít nhất cũng mất gần 1 giờ. Những xe quá tải đều có người đi xe máy dò đường và nắm kỹ thời gian trực của lực lượng CSGT để vượt trạm nên rất khó phát hiện.
Thượng tá Nguyễn Đức Chỉ (Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam)
Không hề có tiêu cực!
Xe quá tải lọt qua được địa bàn chỉ có thể lợi dụng lúc các cơ quan chức năng giao ca chứ ở Quảng Nam không hề có tiêu cực. Địa phương chỉ có một trạm cân lưu động lúc thì đặt ở Quốc lộ 1, lúc đặt ở đường Hồ Chí Minh nên không thể kiểm soát hết xe lưu thông. Vừa rồi, chúng tôi đã đề nghị Tổng cục Đường bộ tăng cường thêm trạm cân để bố trí trên 2 tuyến đường nhưng đến nay vẫn chưa thấy Tổng cục Đường bộ có ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Nhân (Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam)
Đoàn xe đi đường vòng nên thoát
Trạm cân tải trọng của Đà Nẵng hoạt động 24/24 giờ. Đoàn xe tải 4 chiếc trên không thấy đi qua trạm cân Đà Nẵng mà có thể đi đường tránh, đường vòng để né trạm cân nên mới trót lọt.
Ông Nguyễn Trung Nghĩa (Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng)
Không biết xe nào quá tải trọng
Có thể các xe này lợi dụng khi lực lượng chức năng tại trạm cân đang cân tải trọng của các xe khác đã lọt qua trạm. Chúng tôi không thể kiểm tra tất cả xe lưu thông qua trạm và rất khó biết xe nào quá tải trọng để dừng kiểm tra.
Thượng tá Phạm Văn Thái (Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế)
H.Dũng - Q.Tám - Tr.Thường - T.Trực ghi
Bình luận (0)