19 giờ 15 phút ngày 9-3, thủy phi cơ DHC6 của Việt Nam đã phát hiện một vật thể nghi là mảnh ốp của chiếc máy bay của Malaysia Airlines bị mất tích tại vị trí cách đảo Thổ Chu (Việt Nam) khoảng 80 km về phía Nam Tây Nam. Lực lượng tìm kiếm đã chụp ảnh vật thể này. Tuy nhiên, do trời tối, ảnh chụp rất mờ nên chưa thể xác định.
Lập sở chỉ huy tiền phương
Chiều tối 9-3, thủy phi cơ DHC6 trên đường trở về đảo Phú Quốc và dự kiến sáng sớm 10-3 sẽ trở lại nơi phát hiện vật thể để xác minh rõ hơn.
Ngay sau khi phát hiện vật thể này, Việt Nam đã thông báo cho Malaysia và Singapore để phối hợp xử lý. Căn cứ vào vị trí tọa độ và mô tả của lực lượng tìm kiếm, Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không nghi vật thể vừa phát hiện có thể là mảnh ốp trong của chiếc máy bay Malaysia mất tích.
Trước đó, Sở Chỉ huy nhận được thông tin từ phía Singapore cho biết máy bay C130 của nước này phát hiện vật thể khả nghi trôi trên biển cách đảo Thổ Chu 100 km về phía Nam Tây Nam. Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Hàng không quốc gia - cho biết ngay khi nhận được thông tin này, ủy ban đã điều DHC6 từ Cam Ranh ra vị trí phát hiện vật thể; đồng thời điều máy bay AN-26 từ sây bay Tân Sơn Nhất ra xác minh. Cùng với đó, tàu cảnh sát biển CSB 2003 cũng được yêu cầu tiếp cận vật thể.
Tuy nhiên, sau đó, ông Jacky Ly Thang - Trưởng Phòng Hợp tác quốc phòng, Đại sứ quán Mỹ - đã đến Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam thông báo: Lực lượng tìm kiếm của Mỹ xác định vật thể do máy bay C130 phát hiện không liên quan đến máy bay mất tích. Vật thể lạ đó chỉ là một chiếc áo phao cũ.
Tại thời điểm này, Việt Nam đã lên kế hoạch lập sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc để chỉ đạo việc tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích.
5 nước tham gia
Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết đã huy động lực lượng tìm kiếm, cứu hộ gồm không quân, hải quân, cảnh sát biển vào cuộc với tinh thần cao nhất.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã huy động 9 máy bay cùng 11 tàu để tìm kiếm.
Trong ngày 9-3, từ sáng sớm, 3 máy bay AN-26 của Quân chủng Phòng không - Không quân đã lên đường tìm kiếm từ sân bay Tân Sơn Nhất. Đến 11 giờ, Quân chủng Hải quân điều thủy phi cơ từ Cam Ranh tham gia tìm kiếm, chuẩn bị 1 đội thợ lặn sẵn sàng tham gia khi có lệnh.
Quân chủng Phòng không - Không quân sử dụng 1 máy bay tuần thám biển CASA 212 bay từ sân bay Gia Lâm vào sân bay Tân Sơn Nhất chờ lệnh. Tàu HQ 888 (tàu nghiên cứu biển có trang bị máy quét đa tia và đo đa tia không gian 3 chiều) đang thực hiện nhiệm vụ tại phía Bắc đảo Phú Quý đã di chuyển đến khu vực có vết dầu loang để tìm kiếm.
Hiện tàu HQ 888 đã quay về Cam Ranh bổ sung nhiên liệu và đón đội thợ lặn tham gia tìm kiếm, cứu hộ. Dự kiến, sáng 10-3, tàu HQ 888 tiếp cận khu vực vật thể vừa phát hiện chiều 9-3. Lúc 13 giờ 30 phút, 2 máy bay Mi-171 cũng được điều động từ Cà Mau ra tìm kiếm mở rộng.
Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, ngoài lực lượng của Việt Nam, đã có 12 máy bay và 28 tàu của các các nước cùng tham gia tìm kiếm. Trong đó, Malaysia có 6 máy bay và 6 tàu; Mỹ 1 máy bay P3 và 2 tàu tìm kiếm cứu nạn (mỗi tàu có 2 trực thăng); Trung Quốc 2 máy bay, 14 tàu; Philippines 1 máy bay và 3 tàu; Singapore 2 máy bay và 3 tàu.
Các lực lượng nước ngoài đã triển khai tìm kiếm từ 13 giờ 31 phút ngày 9-3. Máy bay P3 và 2 trực thăng trên tàu khu trục của Mỹ đã đến hiện trường. Malaysia cũng đã thống nhất khu vực tìm kiếm với Việt Nam. Singapore tìm kiếm ở khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia. Theo kế hoạch, ngày 10-3, 3 tàu Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm.
Chuẩn bị cứu hộ, cứu nạn dài ngày
17 giờ 30 phút ngày 9-3, Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Hải quân Vùng 5, cho biết nhận được thông tin và chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã triển khai toàn bộ lực lượng và chuẩn bị với tinh thần cao nhất để cứu hộ, cứu nạn chiếc máy bay bị mất tích.
“Đến 6 giờ ngày 9-3, 2 tàu của Hải quân Vùng 5 đã tiếp cận khu vực được xác định chiếc máy bay có thể rơi cách đảo Thổ Chu 80 hải lý và đang tích cực tìm kiếm. Trong bờ, chúng tôi cũng sẵn sàng cử thêm lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống mới” - ông Phát nói.
Đề phòng tình huống xấu nhất là máy bay của Malaysia rơi xuống biển, Hải quân Vùng 4 đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ kỹ thuật, y tế và nhu yếu phẩm phục vụ công tác cứu nạn dài ngày trên biển.
Lúc 16 giờ 20 phút ngày 9-3, chiếc thủy phi cơ của Hải quân Việt Nam mang số hiệu VNT-777 đã xuất phát từ sân bay Phú Quốc ra vùng biển gần đảo Thổ Chu để tham gia tìm kiếm. Cùng đi trên thủy phi cơ này, phóng viên Báo Người Lao Động cho biết có các lực lượng nghiệp vụ do ông Lê Minh Thành, Chuẩn đô đốc - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, chỉ huy. Đây là loại máy bay hiện đại vừa được trang bị.
Sáng 10-3, Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao đưa đoàn phóng viên quốc tế đến Phú Quốc để tiếp cận thông tin tìm kiếm, cứu nạn của Hải quân Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin sớm nhất cho phóng viên trong và ngoài nước để giúp thế giới, đặc biệt là thân nhân của hơn 200 hành khách trên chuyến bay, có được thông tin mà họ quan tâm” - Đô đốc Ngô Văn Phát khẳng định.
Trong khi đó, đại tá Đậu Khải Hoàn, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 5 Hải quân, cho biết từ ngày 10-3, cơ quan này sẽ tổ chức họp báo 2 lần/ngày...
24/24 giờ không ngơi nghỉ
17 giờ ngày 9-3, tại trụ sở Bộ Quốc Phòng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp giữa các bộ, ngành, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn hàng không dân dụng Việt Nam để bàn kế hoạch và phương án tìm kiếm máy bay của Malaysia đang bị mất tích.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng hiện chúng ta chưa xác định máy bay có rơi hay không và rơi ở đâu. Vì vậy, vẫn phải tiếp tục tìm kiếm và mở rộng phạm vi tìm kiếm. Có đến 6 nước tham gia nên cần có sự phân công khu vực tìm kiếm để đạt hiệu quả cao, tránh chồng chéo. “Việc tìm kiếm cứu nạn là không ngơi nghỉ, trong 24/24 giờ, trừ khi ban đêm máy bay không thực hiện được nhiệm vụ” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Không phải vết dầu loang
Lúc 12 giờ 10 phút ngày 9-3, 2 chiếc trực thăng Mi-17102 và Mi-17104 của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam (Trung đoàn 917, Sư đoàn 370) đã cất cánh từ sân bay Cà Mau đi tìm máy bay của Malaysia. Sau hơn 4 giờ tìm kiếm tại 2 điểm cách Bãi Cạn Cà Mau (Nhà giàn DK10) khoảng 50 km và vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam - Malaysia, 2 trực thăng đã quay lại sân bay Cà Mau lúc 16 giờ 15 phút cùng ngày.
Ngay khi hạ cánh, đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917, cho biết tổ bay đã rà soát khắp vùng tìm kiếm nhưng không phát hiện hiện tượng nào nghi vấn có máy bay bị nạn. Giải thích về việc phát hiện vết dầu loang tại ở khu vực gần Bãi Cạn Cà Mau, đại tá Quang khẳng định: “Do đây là khu vực bãi cạn, có dòng chảy màu vàng cam nên trên cao nhìn xuống giống vết dầu loang”.
D.Nhân
Bình luận (0)