Gần đây, khi được mời làm phản biện dự án cơ sở dữ liệu dân cư Hải Phòng, tôi đã rất ngạc nhiên với Nghị định 90/2010/NĐ-CP ban hành ngày 18-8-2010 quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tàng thư vân tay là nguồn dữ liệu quý đối với hoạt động quản lý công dân
Trong ảnh: Lăn tay làm CMND tại Công an TPHCM
Ảnh: TẤN THẠNH
Không nên có cùng lúc 3 loại số căn cước
Ngạc nhiên vì trong một văn bản chính thức mà Chính phủ cho phép tồn tại song song 2 khái niệm có bản chất là một, đó là số định danh cá nhân và số CMND. Danh mục 22 nhóm thông tin đưa ra cũng vừa thừa vừa thiếu. Tìm hiểu rộng ra, tôi lại giật mình khi đọc một câu trong Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17-8-2007 quy định: “Hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế CMND”.
Tàng thư vân tay là nguồn dữ liệu quý đối với hoạt động quản lý công dân
Trong ảnh: Lăn tay làm CMND tại Công an TPHCM
Ảnh: TẤN THẠNH
Sau khi nghị định này ban hành, hàng loạt tờ khai ra đời và thay thế mục số CMND, ngày cấp, nơi cấp thường dùng trước đây bằng mục số CMND hoặc số hộ chiếu. Như vậy, xảy ra chuyện ngược đời là lẽ ra phải ban hành văn bản quy định thống nhất sử dụng số căn cước trong cả nước thì lại cho phép cùng tồn tại 3 loại số căn cước khác nhau, gồm: Số định danh cá nhân, số CMND và số hộ chiếu.
Một lần, trên truyền hình, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn phát biểu rằng khi đăng ký sim điện thoại di động trả trước, công dân phải dùng CMND chứ không được dùng hộ chiếu. Như vậy, Thứ trưởng đã phát hiện ra sự bất cập của vấn đề.
Tôi đã báo cáo các điểm bất hợp lý trên lên Văn phòng Chính phủ thông qua cuộc thi Chung tay cải cách thủ tục hành chính. Ban Tổ chức đã đánh giá cao ý kiến này và tôi đã vinh dự được nhận giải thưởng cùng bằng khen của Văn phòng Chính phủ.
Cần kế thừa hệ CMND hiện hành
Các chuyên gia của Tổng cục Cảnh sát và Bộ Công an chẳng lẽ không biết số định danh cá nhân chính là số CMND mà Bộ Công an đã, đang làm với diện công dân từ 14 tuổi trở lên từ năm 1976 đến nay. Nhiều người ngoài ngành công an có thể chưa hình dung được rằng cấp số duy nhất cho một công dân thì dễ nhưng bảo đảm cấp lại cho công dân đó đúng số đã cấp mới là việc khó.
Bộ Công an từ năm 1976 đến nay đã tiếp thu công nghệ của FBI (Mỹ) thông qua hệ thống tàng thư vân tay 16 triệu chỉ bản của cảnh sát chế độ cũ và xây dựng thành công một hệ thống tàng thư vân tay CMND đồ sộ của toàn dân gồm 63 tàng thư tại 63 địa phương với khoảng 70 triệu chỉ bản cũng chỉ để nhằm cấp cho mỗi công dân từ 14 tuổi một số CMND duy nhất. Nay, nếu cần mở rộng ra để cấp cho mọi công dân từ khi sinh ra thì có thể dễ dàng điều chỉnh bằng cách cấp trước số CMND tại thời điểm đăng ký hộ khẩu hay khai sinh nhưng cả nước phải thống nhất dùng chung 1 cơ chế cấp số, để chờ đến khi các trẻ em đó lên 14 tuổi sẽ lấy những số đó làm CMND.
Các thuật ngữ: Số CMND, số định danh cá nhân, mã số công dân hay số căn cước duy nhất chẳng qua chỉ là cách dịch khác nhau từ cùng một từ gốc tiếng Anh là “Identification Number”, viết tắt là ID. Wikipedia liệt kê hàng trăm nước với hàng trăm cách cấp số ID khác nhau nhưng đều tuân thủ nguyên tắc một quốc gia chỉ có một hệ căn cước.
Nhiều người cũng thường liên hệ số căn cước của các nước khác mà không hiểu một thực tế là hệ CMND hiện hành của Việt Nam là một trong số ít hệ căn cước quốc gia đi đầu trong việc dùng công nghệ nhận dạng vân tay để bảo đảm tính duy nhất trên quy mô toàn dân. Đây là điều mà tất cả các nước lớn trên thế giới đều mong muốn làm nhưng chưa làm được (vì quốc hội của họ chưa cho phép). Dự án dân cư Hải Phòng với hơn 10 triệu euro dự định học tập kinh nghiệm của Hungary để cấp lại mã số định danh 12 chữ số và thu thập mới thông tin từ đầu mà không kế thừa hệ CMND ưu việt của ta là đẩy lùi nước ta tụt hậu khoảng
30-40 năm về quá khứ.
Địa phương cấp, giá trị toàn quốc
Chúng ta cần ghi nhận là số CMND hiện nay dù còn được bảo đảm bằng tàng thư thẻ phiếu thủ công nhưng đã là số định danh cá nhân được sử dụng rộng rãi, là khóa kết nối thông tin đã xâm nhập, bám rễ sâu rộng vào mọi hồ sơ của các ngành và công dân ở nước ta từ năm 1976 đến nay. Đây là tài sản vô giá của ngành công an được nhiều thế hệ công phu xây dựng.
Tuy nhiên, cần phải nói rằng việc cấp CMND thủ công lâu nay cũng mới bảo đảm tính duy nhất trong phạm vi từng địa phương. Khi công dân chuyển hộ khẩu từ địa phương này sang địa phương khác thì công an cấp lại số CMND mới với số mới. Điều đó khiến nhiều công dân có tới 2-3 CMND với số riêng khác nhau. Lỗi này hoàn toàn có thể sửa được bằng cách bỏ quy định trên và thừa nhận số CMND do một địa phương cấp có giá trị trên toàn quốc.
Số CMND 9 chữ số hiện nay với 2 chữ số đầu làm mã serie và 7 chữ số sau là số thứ tự từ 1 - 9999999, có khả năng cấp cho 1 tỉ công dân. Nếu mở rộng 2 chữ số đầu, cho phép dùng ký tự từ A-Z thì khả năng đánh số lên tới 36 x 36 x 10 triệu = 12,960 tỉ, đủ cấp cho cả hành tinh này! Đấy là chưa kể có thể dùng lại số của người đã mất sau 50 năm.
Vào mạng, xem vân tay là biết mã định danh
Một khi đã điện tử hóa thành công và đưa thành một dịch vụ xác minh danh tính trên mạng, để kiểm tra một công dân có số định danh là bao nhiêu thì chỉ cần truy cập mạng và đọc dấu vân tay là ta biết ngay số định danh của người đó cùng thông tin cơ bản liên quan (trong thời gian chỉ dưới 1 phút), kể cả trong các trường hợp công dân đó khai man, không hợp tác hay mất khả năng cung cấp.
Ngoài ra, khi đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu vân tay quy mô cả nước thì hệ thống thông qua đối sánh vân tay sẽ dễ dàng tự động phát hiện và khắc phục các lỗi mắc phải trong quá trình triển khai như lỗi “một số được cấp cho nhiều người” và lỗi “một người được cấp nhiều số”. |
Kỳ tới: CMND 12 số: Không nên!
Bình luận (0)