Biết cách làm ăn, biết xây dựng văn hóa
Nhiều người vẫn thán phục thành tích nuôi tôm của bà con nông dân xã Trung Hải. Xã nào nuôi tôm cũng bệnh dịch, chết sạch nhưng ở xã Trung Hải thì không. Hỏi anh Nguyễn Hồng Thanh về bí quyết, anh chỉ tay về phía những ao tôm: Nhiều hộ ở thôn Xuân Hòa nuôi tôm đạt năng suất 2,2 tấn/ha. Ngoài việc áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, bà con ở đây đã tự nguyện lập ra một quỹ, gọi là “Quỹ giám sát rủi ro môi trường” (mỗi hộ nuôi tôm chỉ góp 100.000 đồng/mùa). Các hộ còn tự giám sát lẫn nhau để bảo vệ môi trường nuôi tôm khỏi dịch bệnh. Ai làm sai, gây tác hại đến việc bảo vệ môi trường sẽ bị phạt.
Nằm ở bờ Bắc sông Bến Hải là thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành. Làng này có lịch sử hơn 1.000 năm và đã thay đổi nhanh chóng cách đây vài năm, từ khi Việt Nam và Hàn Quốc đầu tư xây dựng làng kiểu mẫu Sê-Man-Đông (theo mô hình Hàn Quốc). Lý Hy Khanh là một tình nguyện viên nữ người Hàn Quốc suốt ngày mải mê với công việc của mình ở làng Hiền Lương. Hướng về lũ trẻ đang chơi ngoài đường, Hy Khanh nói: “Lớn lên trong vùng đất bị chiến tranh tàn phá, các em thiệt thòi rất nhiều. Tôi muốn góp một chút sức nhỏ của mình vào công cuộc xây dựng đất nước của các bạn”.
Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch
Điều thú vị là bây giờ người dân ở 153 hộ ở làng Hiền Lương đều trở thành những người hướng dẫn du lịch giỏi. Ai cũng có thể kể vanh vách về lịch sử anh hùng mà bi tráng ở đôi bờ sông Bến Hải với du khách trong và ngoài nước. Là những người trong cuộc, những chứng nhân lịch sử, câu chuyện của họ thường dễ hấp dẫn khách tham quan. Một du khách người Mỹ tên John Tery khi vào thăm ngôi nhà mẹ Diệm (tại làng Hiền Lương)- người mẹ vá cờ Tổ quốc, đã thốt lên: “Tôi dù đi nhiều, đọc nhiều nhưng người dân ở Hiền Lương kể chuyện về lịch sử sông Bến Hải còn hay hơn những gì tôi biết”.
Hiện cụm di tích đôi bờ Hiền Lương đang được Nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng để phục chế lại. Trong đó có việc dựng lại chiếc cầu Hiền Lương nguyên mẫu năm 1952, xây lại cổng chào trên cầu Hiền Lương có dòng chữ “Nam Bắc một nhà”, cột cờ Hiền Lương, nhà bảo tàng...
Xuôi về đoạn cuối sông Bến Hải trước khi ra cửa biển, thêm một chiếc cầu mới hiện đại đang được xây dựng, khi hoàn thành sẽ nối đôi bờ sông tại địa phận xã Vĩnh Giang của huyện Vĩnh Linh và Trung Giang của huyện Gio Linh. Đây là chiếc cầu thứ ba bắc qua sông Bến Hải, đi qua hai vùng kinh tế trọng điểm của huyện Vĩnh Linh và Gio Linh cũng như qua vùng du lịch sinh thái ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt.
Ba mươi năm sau, trên dòng Bến Hải không chỉ có một cây cầu lịch sử... được hàn gắn, mà người dân đôi bờ đã làm được nhiều điều hơn mong đợi từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, để vươn lên ấm no, hạnh phúc.
Bình luận (0)