Sáu giờ sáng, khoác trên người bộ đồng phục của công nhân vệ sinh Công ty Dịch vụ Công ích quận Tân Bình - TPHCM, chúng tôi được phân công vào tổ 1 đi “lau” tuyến đường Lê Văn Sỹ - tức dọn dẹp những gì còn sót lại sau khi đã dọn đêm qua.
Quét rác không dễ
Anh Phan Văn Bền, tổ trưởng tổ 1, nói gọn lỏn: “Đầu tuần, mọi người chịu khó làm kỹ vì lượng người đi làm đông, rác sẽ nhiều hơn”.
Đeo vội đôi găng tay, nhóm chúng tôi bắt đầu công việc “lau” đường. Từ ngã tư Lê Văn Sỹ - Phạm Văn Hai, tôi lia những đường chổi đầu tiên. Cán chổi dài, thân chổi được chập lại từ 2 cây khiến tay tôi gượng gạo, phải quét vài chục mét, tôi mới bắt đầu quen.
Phóng viên Báo Người Lao Động (phải) cùng công nhân vệ sinh Công ty Dịch vụ Công ích
huyện Hóc Môn - TPHCM đang làm việc trong đêm. Ảnh: BẢO TRÂM
Dù đêm qua đã có người quét và dọn rác nhưng đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy có rác như bịch ni-lông, gói xôi, hộp cơm, lá cây… Do tuyến này, nhà nào cũng buôn bán nên chúng tôi phải quét sao cho vừa sạch vừa nhẹ tay để không phải nghe những lời nhiếc mắng hay trách móc khó chịu.
Mặc xe cộ phóng ào ào trên đường, chúng tôi hết quét trên lề lại ra giữa tim đường. Quét hơn nửa tuyến đường thì rác đầy xe, mùi hôi bắt đầu xộc vào mũi và ai cũng thấm mệt. Lúc này, mùi bụi đường, mùi rác đã bám vào quần áo làm lộ rõ những chấm đen thâm kim.
Đưa tay quệt mồ hôi trên trán, chị Trần Thị Kim Anh nói: “Quét không mệt, chỉ mệt khi thấy đoạn đường vừa quét xong lại có rác, mà hầu như lúc nào cũng vậy”.
Gần hết tuyến đường, chúng tôi thay chị Kim Anh đẩy xe đến điểm tập kết. Đây là lúc chúng tôi phải dùng hết sức để đẩy chiếc thùng dung tích 660 lít qua những đoạn đường, chỉ cần nhích ra lề một chút thì sẽ nhận ngay tiếng còi inh ỏi hoặc cái liếc xéo khó chịu của người đi đường.
Trên đường đi, nhìn lại những đoạn đường đã quét, tôi thấy đâu đấy vẫn tiếp tục vương vãi rác nên phải băng vội qua đường dọn tiếp. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng mãi gần 12 giờ mới xong việc, ai cũng quầy quả lên xe phóng vội về nhà ngả lưng chờ đến ca tối.
Trắng đêm cùng rác
Chị Nguyễn Thị Bích Vân (Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận 1 - TPHCM), người đã hơn 30 năm gắn bó với nghề, vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ vì gánh nặng cơm áo. 17 giờ bắt đầu vào ca tối, chị đẩy chiếc xe thoăn thoắt vào từng con hẻm nhỏ trên các đường Nguyễn Thị Minh Khai, Mạc Đĩnh Chi và Trần Cao Vân.
Than đá đã qua sử dụng, xà bần, gỗ mục cùng vô số loại rác thải khác nhanh chóng được đưa lên xe. Vừa khom người đẩy xe, đôi mắt chị phải ngó quanh để tránh các phương tiện đang lưu thông tấp nập.
Với nhiều người, những con đường ngập tràn lá vàng rơi là một nét đẹp của thành phố nhưng chính những chiếc lá này đã làm những công nhân như chị Vân thêm phần vất vả. Gom xong đám lá vừa rụng cũng là lúc đám lá khác rơi xuống.
Cứ thế, chị quét đi quét lại rất nhiều lần, vừa quét vừa tiếp tục dọn dẹp những túi rác nặng trĩu. Chị nói: “Càng về khuya, lá càng rụng nhiều. Những tháng mưa, nước đọng làm cây chổi nặng gấp ba, bốn lần nên quét xong là mỏi nhừ cả người!”.
Làm việc ca đêm ở tuyến đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Hữu Cảnh, chị Võ Thị Huệ (Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận 1) luôn phải chịu mùi hôi thối nồng nặc do những người phóng uế bừa bãi để lại. Có người thấy chị quét đến đấy thì bịt mũi, lắc đầu. “Có thể họ khâm phục sự chịu đựng của chúng tôi hoặc chê bai ai đó vô ý thức” - chị Huệ phân trần.
Mới hơn 3 giờ, chị Nguyễn Thị Kiểm (Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận 1) đã tỉnh giấc. Nhanh chóng vệ sinh cá nhân và lót dạ bằng chén cơm nguội, chị vội vàng chạy xe từ Tân Uyên (Bình Dương) đến đường Nguyễn Thị Minh Khai cất xe máy để bắt đầu công việc ngoài đường.
Sáng thứ bảy tuy không đông đúc như thường lệ nhưng lượng rác ở đường Nguyễn Văn Thủ và Mạc Đĩnh Chi vẫn dày đặc dưới gốc cây, lề đường, quán ăn… Vừa mở khẩu trang vừa lau mồ hôi, chị Kiểm cho biết: “Thế này là còn ít, mấy ngày thường nhiều lắm!”.
Vừa dứt lời, chị quay sang gom mấy túi rác lớn được mang ra từ một quán ăn trên đường Mạc Đĩnh Chi. Xe rác trước mặt nhưng nhân viên của quán không bỏ vào mà thản nhiên vứt dưới lòng đường, mặc chị Kiểm khệ nệ vác từng túi cho lên xe. “Có lần rác nặng quá tôi không đưa lên xe được nên nhờ chủ quán cho mấy anh thanh niên ra phụ nhưng bà chủ cau mày khó chịu.
Nặng quá không khiêng nổi nên đành phải nhờ chứ tôi đâu muốn phiền hà tới người khác!” - chị Kiểm kể với giọng chùn xuống. Nhìn bóng dáng nhỏ bé của chị Kiểm lọt thỏm giữa dòng người vội vã, chúng tôi chợt thấy chị như chú ong thợ.
Còn chị thì vẫn cười rạng rỡ: “Hôm nay, trời không nắng nên cũng đỡ mệt. Nhiều khi mệt mỏi muốn lướt qua nhưng nhìn phố xá sạch đẹp lại có một chút rác làm xấu đi nên phải quay lại. Quét xong thấy lòng nhẹ nhõm và hạnh phúc lắm”.
Yêu quý công việc
Cùng làm việc với những công nhân vệ sinh, chúng tôi mới hiểu hết nỗi cực nhọc mà hằng ngày, hằng giờ họ phải đối mặt. Ấn tượng khó quên nhất mà họ để lại trong chúng tôi là nụ cười luôn nở trên môi, dù mồ hôi đang ướt đẫm lưng áo.
Chị Võ Thị Hương (tổ trưởng tổ 2, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận 1) chia sẻ: “Công việc ở đây vốn rất vất vả, vì thế hễ gặp nhau thì mọi người lại thoải mái cười đùa để vơi bớt mệt mỏi. Ai cũng thân thiện, thoải mái và rất yêu quý công việc mình đang làm”. |
Bình luận (0)