Tai nghe, mắt ngóng, tay quơ
Chị Loan chốc chốc quay sang tôi nhắc nhở: “Đường nhỏ, xe chạy ẩu, đèn đường lại yếu nên phải cẩn thận. Nghe tiếng xe tải, tiếng bóp còi thì nhanh chóng nhảy vào lề”. Quét gần đấy, anh Minh xen vào: “Nghề này phải tai nghe, mắt ngóng, nếu không bị tai nạn như chơi. Tầm 21 giờ, xe ben chở đất chạy từng đoàn phóng bạt mạng. Có khi đoàn xe chạy qua, sức gió cuốn chiếc xe rác đi hơn 2 m”.
Đúng như lời Minh nói, thỉnh thoảng đang quét, chúng tôi phải lách người né chiếc xe tải chạy qua.
Minh đã hơn chục lần bị xe va quệt, té ngã. Vụ tai nạn mới nhất mà anh gặp phải cách đây hơn 2 tháng. Khi đang quét, Minh bỗng bị một gã say rượu tông mạnh xe vào khiến chiếc xe rác quay ngược đầu và hất anh té xuống đường. Khi Minh lồm cồm ngồi dậy, người đàn ông không một lời xin lỗi lại còn đòi đánh vì cho rằng anh đi ngược chiều tông phải gã.
Hơn 30 năm trong nghề, chị Võ Thị Huệ (công nhân Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Công ích quận 1) không thể nhớ nổi số lần mình bị xe va quệt. Tiếng còi xe inh ỏi luôn làm chị giật mình, những ác mộng về tai nạn cứ ám ảnh, lắm lúc đang quét bất thần làm rơi chổi mà không hay. Huệ nhớ như in vụ tai nạn khiến chị phải nhập viện cấp cứu khi loay hoay hốt rác. Một chiếc xe máy đâm sầm khiến xe rác đổ ập lên người Huệ, may mắn chị chỉ bị thương nhẹ.
Nhìn những công nhân quét rác lọt thỏm giữa dòng xe cộ, rồi những chuyến xe buýt trễ giờ, những chiếc taxi đón trả khách vô tội vạ, những chiếc xe container dài ngoằng hay những chiếc xe máy ngang dọc trên vỉa hè, chúng tôi không khỏi lo ngại.
Với chị Nguyễn Thị Bích Vân (công nhân Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Công ích quận 1), nỗi ám ảnh lớn nhất là mấy gã đệ tử Lưu Linh. Gương mặt chị vẫn phảng phất nét bàng hoàng khi kể về vụ tai nạn bất ngờ vài năm trước. Một gã say xỉn đánh võng trên đường rồi đâm sầm vào khiến chị bị gãy xương vai, phải điều trị một thời gian dài.
Chị Nguyễn Thị Kiểm (công nhân tổ 2) đến giờ vẫn không thể quên ngày mình suýt mất mạng khi đang làm việc. Đường Nguyễn Văn Thủ khá nhỏ, khi Kiểm cúi xuống gom rác thì một chiếc taxi lao tới, tiếng xe thắng gấp làm chị hoảng loạn. Chị không biết làm gì hơn, đành nhắm mắt cầu trời… May sao, chiếc xe đó tránh được nên không đụng chị!
Vô cớ bị chửi, đánh
Cầm bảng thống kê số vụ tai nạn của công nhân thuộc Công ty Dịch vụ Công ích quận Tân Bình, anh Trần Văn Đó, đội phó đội vệ sinh, cho biết chỉ riêng năm 2010, có 15 trường hợp bị tai nạn khi đang làm việc hoặc trên đường đi làm về; nặng thì gãy xương, còn nhẹ thì chấn thương phần mềm, phải nghỉ cả tháng trời điều trị.
Trong đó, chị Nguyễn Thu Hồng phải nghỉ hơn 3 tháng để điều trị đứt dây chằng và mẻ xương gối vì bị xe máy tông vào khi đang quét dọn trên đường. Chị Nguyễn Thị Hoa Phượng bị một xe máy tông làm nứt xương chậu, vừa điều trị xong đi làm lại được nửa tháng đã bị taxi chạy lướt qua cán vào bàn chân phải nhập viện.
Không ít công nhân vệ sinh còn bị các tay say rượu hay du côn sẵn sàng đánh bất cứ lúc nào nếu không hài lòng. Nhiều lúc vô cớ, công nhân vệ sinh bỗng bị một cái bạt tai hay một tiếng chửi thề ngang xương…, vậy mà họ chưa bao giờ nhận được lời xin lỗi dù người ta biết rõ mình sai. Khi họ quét đến các quán ăn, quán nhậu lề đường, lỡ có bụi thì vài dân nhậu liền lao ra chửi mắng hoặc đánh dằn mặt.
Ngoài rủi ro tai nạn, công nhân vệ sinh còn bị bệnh nghề nghiệp. Chị Bích Vân ngoài bệnh đau đầu kinh niên sau lần bị gã say rượu đụng phải còn bị viêm khớp mãn tính do thường xuyên khuân vác quá sức. Nhiều đêm tan ca, chị mệt rã rời, đầu đau như búa bổ, lại thêm chứng đau bao tử khiến sức khỏe chị ngày càng yếu đi.
“Ma áo đỏ”!
Anh Phan Thế Kỷ, công nhân Công ty Dịch vụ Công ích quận Tân Bình, cho rằng quét rác là nghề chân chính, giúp ích cho xã hội nhưng một số người lại có cái nhìn không thiện cảm, khinh miệt, rẻ rúng… “Mỗi khi thấy người ta ngang nhiên bỏ rác xuống đường, chúng tôi đến vận động, giải thích thì nhận ngay những lời lẽ khó nghe, như: “Tôi đóng tiền đổ rác, có rác thì mấy người mới có việc làm chứ” – anh Kỷ lắc đầu.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Loan kể lại có lần chị đang làm thì gặp người mẹ đút cơm cho con ăn. Thấy con không ăn, bà liền chỉ tay về phía chị nói to để dọa đứa bé: “Ăn đi, ma áo đỏ đến kìa!”. “Lúc ấy, tôi vừa buồn vừa tủi” – chị Loan thổ lộ. |
Bình luận (0)