Về Củ Chi thời gian gần đây, ít ai ngờ vùng đất một thời ác liệt của chiến tranh nay đã trở nên giàu có. Hầu hết nông dân nơi đây đã có nhà cửa đàng hoàng, con cái học hành thành đạt. Tất cả đều bắt đầu từ chương trình nông thôn mới của Chính phủ.
Du lịch miệt vườn
Trong một lần cùng lãnh đạo Hội Làm vườn và Trang trại TP đi thăm một số hộ dân ở xã Trung An, huyện Củ Chi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước đổi thay nhanh chóng của họ. Ông Nguyễn Đình Cương, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại TP, cho biết hầu hết người dân huyện Củ Chi nói chung và xã Trung An nói riêng, giờ đã có cuộc sống khá giả vì cách làm kinh tế hiệu quả.
Theo ông Huỳnh Văn Huê, tổ trưởng Tổ Làm vườn xã Trung An, trước đây, người dân ở xã sống bằng nghề làm ruộng, được mùa thì bị thương lái ép giá, mất mùa coi như trắng tay.
Từ năm 2011 đến nay, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, người dân bắt đầu thay đổi mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi. Một số khu vực ở huyện Củ Chi được chọn làm mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện sẵn có. Trong đó, xã Trung An phát triển cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái vì khu vực này có sông Sài Gòn chảy qua, khí hậu mát mẻ; còn xã Nhuận An phát triển mô hình rau an toàn... Năm 2011, chỉ có 17 tổ viên tham gia mô hình kinh tế trên nhưng đến nay đã lên tới 60 tổ viên với tổng diện tích 40 ha. Bình quân, mỗi hecta cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
“Lúc đầu, người dân cũng băn khoăn vì từ lâu sống cảnh chân lấm tay bùn, nay chuyển sang làm du lịch, nghe ngượng ngượng thế nào ấy. Tuy nhiên sau đó, vừa làm vừa học hỏi và khách đến ngày càng nhiều, thế là bà con an tâm” - ông Huê nói. Theo ông Huê, nhiều trường đại học trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận đã tổ chức đưa sinh viên về các vườn cây ăn trái ở xã Trung An để học tập, nghiên cứu.
Đi làm bằng ô tô
Bà Nguyễn Thị Cúc (ngụ tổ 2, ấp An Hòa, xã Trung An) cho biết hiện vườn nhà bà trồng 6 loại trái cây khác nhau. Đến mùa, nhiều lúc gia đình đón 200 du khách/ngày.
“Cuối tháng 1 vừa qua, chúng tôi đã tiếp đoàn khách nước ngoài với 170 người” - bà Cúc hồ hởi. Đặc biệt, sau khi thưởng thức các món ăn tại vườn bà Cúc, nhóm du khách trên hứa sẽ quay lại vào thời gian tới. Theo bà Cúc, hằng năm, gia đình bà thu lợi từ mô hình sinh thái này hàng tỉ đồng.
Ngay sát nhà bà Cúc, ông Nguyễn Minh Lâm (hay còn gọi là Mười Nheo) cũng phất lên nhờ làm giàu từ mô hình này. Hiện vườn sinh thái của ông có tổng diện tích 7.000 m2 với đủ các loại hoa quả từ chôm chôm, măng cụt, dâu, chuối, đu đủ… Trước đây, ông Lâm sống bằng nghề trồng mía nhưng liên tục bị thương lái ép giá. Sau đó, nhờ Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Làm vườn và Trang trại TP… đến tận nhà hướng dẫn nên gia đình ông chuyển sang trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái.
“Nhờ chuyển đổi mô hình kinh tế mà tôi mới có được nhà cửa khang trang thế này” - ông Lâm chỉ về ngôi nhà mới xây và không giấu được vui mừng. Theo ông Lâm, hiện tổng thu nhập của gia đình là khoảng 400 triệu đồng/năm.
Cũng đổi thay từ mô hình nông thôn mới nhưng ông Võ Văn Thành chọn nghề nuôi bò sữa. Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, ông được xã cho vay 10 triệu đồng để lấy vốn làm ăn. Lúc đầu, ông mua 1 con bò cái, sau một thời gian nhân giống, hiện đàn bò đã lên đến 55 con. Tính cả tiền sữa, bò giống và bò thịt, gia đình ông thu nhập hàng tỉ đồng/năm.
Thấy ông Thành làm ăn khá giả, một số người trong gia đình cũng chuyển từ làm nông sang chăn nuôi bò sữa với số lượng lên đến hàng trăm con. Từ việc phải đi làm thuê, ông Thành đã xây được nhà cửa và tậu một chiếc ô tô để làm phương tiện đi lại.
“Hằng quý, chúng tôi đều được người trong Hội Làm vườn và Trang trại TP tới hướng dẫn về kỹ thuật… nên đàn bò khỏe mạnh và cho nhiều sữa” - ông Thành phấn khởi.
Kỳ tới: Vực dậy vùng đất chết
Đào tạo miễn phí về sản xuất, nuôi trồng
Ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại TP, cho biết hiện hội có tổng cộng 4.500 hội viên, trong đó 90% là nông dân. Hằng năm, có trên 10.000 lượt hội viên và bà con được tham dự sinh hoạt, đào tạo miễn phí về kỹ thuật sản xuất, nuôi trồng. Đặc biệt, nhờ từ số vốn vận động, hội đã giúp 192 hộ dân xóa đói giảm nghèo. Sau 25 năm thành lập, Hội Làm vườn và Trang trại TP được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhì và 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Bình luận (0)