Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội (QH) khóa XIV, lần đầu tiên, Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp giữa năm. Kỳ họp cũng tăng thời lượng chất vấn và trả lời chất vấn thêm nửa ngày; có 12 phiên họp toàn thể tại hội trường được truyền hình và phát thanh trực tiếp. Ông đánh giá thế nào về sự đổi mới này?
- Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Những nét mới này thể theo nguyện vọng của nhân dân và các đại biểu QH. Thực tế, các đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách, luôn muốn kéo dài thời gian chất vấn hơn nữa cũng như tăng thời lượng truyền hình và phát thanh trực tiếp tại mỗi kỳ họp cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi. QH công khai, nhân dân trực tiếp giám sát QH cũng như giám sát những đại biểu mà mình bầu ra trong hoạt động QH như thế nào. Đây là sự đổi mới có ý nghĩa rất tốt.
Ban đầu, nhiều đại biểu mong muốn tăng thời lượng chất vấn lên 5-6 ngày; tăng số lượng các thành viên Chính phủ được chất vấn nhưng do thời gian kỳ họp nên chưa thể thu xếp được như mong muốn. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là sự cải tiến và hy vọng QH sẽ tiếp tục cải tiến hơn nữa trong các kỳ họp tiếp theo.
Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận, như vụ phá rừng làm dự án kinh tế ở Phú Yên; vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội… Vậy tại kỳ họp này, ông dự định sẽ chất vấn về vấn đề gì?
- Nếu thuận lợi, tôi sẽ phát biểu về những vấn đề có liên quan này hoặc cũng có thể tương tác với báo chí để tăng tính thông tin đa chiều, qua đó mọi người nhận diện rõ được bản chất vấn đề cũng như những bức xúc của nhân dân và xử lý của các cấp có thẩm quyền trong vụ việc này.
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV có nhiều điểm mới quan trọng so với kỳ họp thứ 2 Ảnh: TTXVN
Tại kỳ họp này, QH sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật; trong đó dự kiến xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Ông quan tâm đến vấn đề nào nhất?
- Có thể thấy Thường vụ QH đã chuẩn bị rất kỹ cho vấn đề này, đó là dự án luật nào bảo đảm chất lượng cao thì mới đưa vào chương trình kỳ họp. Điều này thể hiện thái độ rất kiên quyết của Thường vụ QH.
Các đạo luật được xem xét, thông qua tại kỳ họp này là những luật rất cần thiết và phải ban hành ngay để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Chẳng hạn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hay vấn đề trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Rồi vấn đề nợ xấu cũng là vấn đề rất bức xúc. Do đó, việc kỳ họp lần thứ 3 này, QH sẽ xem xét, thông qua các dự án luật, một số nghị quyết nêu trên là rất ý nghĩa.
Họp trong 22,5 ngày
Hôm nay (22-5), kỳ họp thứ 3 QH khóa XIV sẽ khai mạc và kéo dài trong 22,5 ngày làm việc.
Trong tuần làm việc đầu tiên, QH sẽ nghe báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
QH sẽ nghe trình bày tờ trình các dự án luật: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; quản lý nợ công (sửa đổi); dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng…Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13. Thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Đề nghị công khai tài sản cán bộ
Đoàn Đại biểu QH TP HCM đã tổ chức tiếp xúc cử tri từ ngày 26-4 đến 13-5 với 22 cuộc. Trên 5.170 cử tri tham dự và phát biểu 235 lượt ý kiến.
Tổng hợp ý kiến, Đoàn Đại biểu QH TP cho biết cử tri TP kiến nghị QH sớm thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 nhằm ngăn chặn xử lý nghiêm đối với tội phạm hình sự; sớm xem xét thông qua Luật Biểu tình nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người dân thực hiện quyền biểu tình một cách hợp pháp, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng việc biểu tình để thực hiện các hành vi phá hoại.
Về lĩnh vực kinh tế, cử tri TP rất bức xúc đối với các dự án gây lãng phí ngân sách nhà nước như việc xây dựng cổng chào ở tỉnh Quảng Ninh, tổ chức lễ kỷ niệm ngày tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, cột đồng hồ ở Hạ Long… trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp. Cử tri kiến nghị cần kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án này.
Đáng chú ý, cử tri kiến nghị cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng ô nhiễm. Cử tri đề nghị tăng nặng hình phạt đối với tội phạm tham nhũng, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng. Bên cạnh đó, cần kiểm tra chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cấp cao, đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân giám sát.
Ph.Anh
Đại biểu QH PHẠM THỊ MINH HIỀN (Phú Yên):
Bắt đầu từ phương châm hành động vì dân
Sau một năm Chính phủ và QH mới hoạt động, tôi cảm nhận được sự chuyển mình trong hành động, sự đồng lòng, nỗ lực của QH và Chính phủ trong việc quản lý, điều hành tổng thể sự vận động của toàn xã hội.
Vừa rồi, tôi tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri nói rằng những phát ngôn gần đây của một số lãnh đạo từ địa phương cho tới trung ương, tư lệnh ngành có phần thiếu trách nhiệm trước những vấn đề bức xúc của người dân, chỉ thấy những lợi ích trước mắt của ngành mình, của bộ máy quản lý nhà nước, của chính quyền địa phương.
QH hay Chính phủ điều hành xã hội, quản lý đất nước thì cũng phải bắt đầu từ phương châm hành động vì dân, tương tác thực chất hơn nữa với dân, bắt đầu bằng sự thấu hiểu. Khi các cơ quan quyền lực vẫn còn để tồn tại mối quan hệ "cả nể" nhau thì lợi ích nhóm vẫn còn sinh sôi và đương nhiên sự thiệt thòi, bất bình đẳng vẫn luôn nghiêng về phía người dân. Đó cũng là vấn đề mà một QH hành động vì dân, một Chính phủ kiến tạo thật sự phải hết sức quan tâm trong thời gian tới.
Ông PHẠM TIN (xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP HCM):
Xử lý sai phạm đến nơi đến chốn
Thời gian qua, nhiều cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong việc chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, người dân vẫn còn băn khoăn khi nhiều cán bộ có sai phạm vẫn được giao giữ những vị trí cao hơn. Tôi đề nghị khi đề bạt cán bộ cần cân nhắc kỹ, xem xét kỹ để tránh các trường hợp đáng tiếc như vừa qua. Đồng thời khi đã phát hiện sai phạm phải xử lý cương quyết, đến nơi đến chốn; chứ không xử lý qua loa, vi phạm chỗ này chuyển sang chỗ khác làm việc.
Bà NGUYỄN THỊ HIẾU (phường Cô Giang, quận 1, TP HCM):
Nghiên cứu kỹ khi bấm nút thông qua dự án luật
Vấn đề đất đai là vấn đề nóng tại tất cả buổi tiếp xúc cử tri. Có cử tri trình bày họ đã gửi đơn khiếu nại nhiều nơi, nhiều cấp, thậm chí đã trình bày với nhiều đại biểu QH nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết thấu đáo. Tôi mong các đại biểu QH quan tâm hơn nữa các bức xúc của cử tri, nghiên cứu thật kỹ trước khi bấm nút thông qua các dự án luật, tránh trường hợp phải ngưng thi hành, sửa đổi luật khi mới ban hành.
V.Duẩn - Tr.Hoàng ghi
Bình luận (0)