Trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội 2. Ảnh: Tấn Thạnh
Thông thường, khi qua các trạm thu phí, doanh nghiệp chỉ bỏ tiền ban đầu ra đóng phí, sau đó sẽ tính vào hàng hóa, dịch vụ. Nói cách khác, người dân đang è cổ ra đóng phí mà không biết, còn người đóng giùm là các tài xế, các doanh nghiệp.
Trạm chặn đầu, chặn đuôi
Ngày 21-7, chúng tôi trao đổi với tài xế Phạm Văn Tuấn, chuyên chạy xe tải nhẹ qua địa phận TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến tỉnh Bình Dương. Anh Tuấn cho biết có ngày anh chở hàng loanh quanh khu vực KCN Amata đến huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nhưng phải hơn… 20 lần trả tiền thu phí.
“Xấp xỉ 200.000 đồng, đấy là với xe tải nhẹ, giá vé chỉ từ 10.000 đến 20.000 đồng, đối với xe lớn hơn thì còn chịu trận nhiều hơn” - anh Tuấn nói.
Tài xế Nguyễn Văn Hà, chuyên chạy xe tải chở hàng từ khu vực huyện Trảng Bom - Đồng Nai đến Bình Dương, bức xúc: “Trạm gì mà nhiều dữ vậy, như tại bùng binh Hóa An ngay sát bên này một trạm, bên kia một trạm, rồi cách vài cây số lại có một trạm, đứng từ trạm này có thể gọi sang trạm kia nghe được, thật không thể chấp nhận”.
Tài xế Nguyễn Xuân Đời, chuyên chở thuê cho các đại lý bán tủ, giường, bàn ghế, cũng than trời khi đi qua “ma trận” trạm thu phí ở tỉnh Bình Dương: “Mỗi lần qua khu vực này, tôi đều chạy lòng vòng để né trạm nhưng chưa lần nào thành công. Mấy cái trạm chặn đầu, chặn đuôi hết. Nhiều lần, tôi chui vô đường nhỏ để né, làm tắc đường kẹt xe, người dân chửi quá trời!”.
Theo một chủ doanh nghiệp vận tải, chẳng doanh nghiệp nào dại mà gánh “phí đường sá”, họ phải tìm cách… chia sẻ vào tiền vé xe, tiền hàng hóa và đối tượng hứng chịu cuối cùng là người dân.
Muốn quản cũng không được
Ông Nguyễn Văn Vý, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện tỉnh vẫn chưa có một quy hoạch cụ thể về mạng lưới trạm thu phí.
Theo ông Vý, tỉnh Đồng Nai không đủ khả năng tài chính để xây dựng hạ tầng giao thông nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) do các doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư. Chính vì vậy, sở không thể điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trạm thu phí mà phải chấp nhận các quyết định từ cấp trên.
“Tỉnh không có ngân sách, doanh nghiệp bỏ tiền ra thì họ phải thu lại. Tuy nhận ra bất cập nhưng chúng tôi cũng không thể làm gì được, đôi khi còn phải kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nữa kia” - ông Vý nói.
Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết trong tương lai sẽ còn nhiều trạm thu phí mọc lên nữa khi các dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành hoàn thành.
Còn tại TPHCM, hiện nay vẫn chưa có quy hoạch cụ thể về mạng lưới trạm thu phí giao thông. Theo Sở GTVT, do chưa có quy hoạch vị trí trạm thu phí giao thông đường bộ nên việc đầu tư theo hình thức BOT đối với các dự án cầu – đường sẽ gặp khó khăn trong việc tính toán và lựa chọn các vị trí để hoàn vốn đầu tư.
Thực tế, trong phạm vi TPHCM hiện nay rất khó thực hiện dự án BOT vì không còn tuyến đường “đủ đẹp” để đặt trạm thu phí, điển hình là dự án cầu Sài Gòn 2. Ban đầu, dự án này được quyết định đầu tư theo hình thức BOT nhưng không tìm được vị trí đặt trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư nên UBND TP chuyển sang hình thức đầu tư BT (xây dựng – chuyển giao).
Mới đây, trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX về chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020, UBND TP đã đề ra mục tiêu tiến hành thực hiện đồ án quy hoạch mạng lưới các trạm thu phí thuộc các dự án giao thông đô thị trên địa bàn đến năm 2025. Quy hoạch và mục tiêu đã có nhưng đến năm nào hoàn thành thì… chưa biết!
Bình Dương hạn chế dự án BOT
Một cán bộ Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho rằng đường sá tỉnh này gần đây khang trang hơn là nhờ các doanh nghiệp tích cực tham gia các dự án BOT. Tuy nhiên, do hầu hết các dự án BOT được thực hiện trong khu vực có nhiều tuyến đường giao cắt nhau nên các trạm rất gần nhau, có chủ đầu tư muốn “đánh chặn” để khỏi thất thu nên xây trạm không hợp lý làm ùn tắc giao thông khiến người dân bức xúc...
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ hạn chế dần các dự án BOT để tránh tình trạng các trạm thu phí mọc không đúng khoảng cách quy định trong thời gian tới. Nếu gặp dự án mang tính bức thiết, UBND sẽ trình HĐND tỉnh phê duyệt ngân sách đầu tư, xây dựng. |
Bình luận (0)