Trước phản ứng gay gắt của các doanh nghiệp vận tải và giới tài xế khi bị thu phí tại trạm thu phí Sông Phan (tỉnh Bình Thuận) để hoàn vốn cho dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai (DNC) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án dời toàn bộ trạm thu phí Sông Phan về đặt tại khu vực đầu cầu Đồng Nai mới.
Phạm luật!
Theo hợp đồng BOT ban đầu, DNC thu phí hoàn vốn cho dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu tại trạm thu phí Sông Phan trong thời gian 29 năm 11 tháng.
Ông Lê Hồng Sơn, quyền Tổng Giám đốc DNC, cho biết đơn vị đã tiếp quản trạm thu phí Sông Phan vào đầu năm 2009 từ Công ty Quản lý và Sửa chữa Đường bộ 71 (Khu Quản lý Đường bộ VII - Cục Đường bộ Việt Nam).
Cuối năm 2009, các doanh nghiệp vận tải và giới tài xế phản ứng vì bị “thu phí oan” khi họ không đi qua cầu Đồng Nai mới mà vẫn bị thu phí. Tháng 4-2010, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu phương án đặt trạm thu phí cho cầu Đồng Nai mới sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Trên cơ sở đó, DNC đã đề xuất 3 phương án đặt trạm thu phí tại khu vực dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu, sau đó bổ sung phương án đặt trạm thu phí tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai theo yêu cầu của Bộ GTVT.
Trong 4 phương án nghiên cứu, DNC đề xuất chọn phương án đặt trạm thu phí tại phường An Bình và phường Long Bình Tân, cách ngã tư Vũng Tàu 600 m về hướng TPHCM, gồm 4 cổng và 17 làn thu phí.
Theo DNC, phương án này bảo đảm công bằng cho các phương tiện khai thác công trình đường bộ vì phương tiện được hưởng lợi từ dự án mới phải trả phí.
Cầu Đồng Nai mới vừa được đưa vào sử dụng, hiện chủ đầu tư đang tính “kéo” trạm thu phí
từ Bình Thuận vào đặt gần cây cầu này để thu phí hoàn vốn cho dự án. Ảnh: XUÂN HOÀNG
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, việc đặt trạm thu phí trong phạm vi dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu để hoàn vốn cho dự án là cần thiết, phù hợp với quy định.
Tuy nhiên, tại các phương án đặt trạm thu phí theo đề xuất của nhà đầu tư đều có vướng mắc về cự ly khi khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng tuyến và khác tuyến quá gần, không phù hợp với quy định tại Thông tư 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính, vượt thẩm quyền của Bộ GTVT.
Cụ thể, Thông tư 90/2004/TT-BTC quy định rõ: Khoảng cách giữa hai trạm thu phí ở trên cùng một tuyến đường phải có độ dài tối thiểu là 70 km. Trong khi đó, trạm thu phí cầu Đồng Nai mới chỉ cách trạm thu phí An Sương - An Lạc 43 km và trạm thu phí tuyến tránh TP Biên Hòa 30 km.
Doanh nghiệp BOT nằm ngoài luật?
Theo Thông tư 90/2004/TT-BTC, đối với trường hợp cá biệt của DNC phải có sự xem xét và quyết định của Bộ Tài chính. Ông Sơn cho biết khoảng một tháng nữa sẽ có quyết định về chuyện có được đặt trạm thu phí tại cầu Đồng Nai mới hay không.
“Nếu được phép thì dự kiến cũng phải đến tháng 3-2013, sau khi hoàn thiện toàn bộ dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến tránh hai đầu cầu mới thực hiện được việc thu phí, tổng cộng là 20 năm 8 tháng. Tuy nhiên, việc xây dựng trạm có thể thực hiện từ trước đó”- ông Sơn nói.
Về chuyện không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70 km, ông Sơn khẳng định: “Có thể thấy quy định đó trong Thông tư 90 chỉ dành cho các đơn vị thuộc Nhà nước, còn đối với các đơn vị hoạt động theo hình thức BOT thì không bị ảnh hưởng!”.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia xây dựng, không thể nói các công ty hoạt động theo hình thức BOT nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Thông tư 90/2004/TT-BTC. Ăn thua là đơn vị đó ký hợp đồng đặt trạm thu phí với cơ quan nào, nếu ký với Bộ GTVT thì bộ chịu trách nhiệm về chuyện đặt trạm vì Bộ GTVT có dính đến quy hoạch trạm thu phí.
Theo ông Sơn, nếu phương án dời trạm thu phí về khu vực cầu Đồng Nai không được phê duyệt thì phải trở lại việc tăng giá vé ở trạm thu phí Sông Phan hoặc phải có một phương án nào khác để hỗ trợ DNC.
Kỳ tới: Chạy trời không khỏi… trạm thu phí
Bình luận (0)