Từ TP Đồng Hới, vượt gần 90 km tới Đường 20 - Quyết Thắng, lội bộ suốt 3 giờ nữa men theo lối độc đạo xuyên rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, len lỏi qua những dốc đá gồ ghề lởm chởm, chúng tôi mới đến được bản Đoòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Bao quanh là những dãy núi cao chót vót, bản Đoòng chỉ có hơn chục nóc nhà gỗ đơn sơ dựng kề nhau.
Biệt lập, “4 không”
Những ngày đầu hè khá oi bức nhưng thời tiết bản Đoòng lại rất mát mẻ, cảnh vật yên bình đến nao lòng. Chúng tôi tìm gặp Trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc (74 tuổi) - còn gọi “bố Tòa”, người được xem là quyền uy nhất ở đây và cũng nổi tiếng khó tính. Phải thuyết phục hồi lâu, chúng tôi mới được ông tiếp chuyện.
“Bố Tòa” vốn là người Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Gia đình rất nghèo lại đông con, trải qua một thời gian di cư, mãi đến năm 1990, ông cùng một số hộ khác mới đến được vùng đất trước cửa hang Sơn Đoòng này. “Thấy nơi đây địa thế bằng phẳng, núi đá dựng đứng vây quanh, phía dưới lại có dòng suối uốn lượn chảy qua, chúng tôi đã quyết định ở lại lập bản, dựng làng” - ông nhớ lại.
Lúc đầu, bản Đoòng chỉ có 4 hộ dân sinh sống, đến năm 1997 thì tăng lên gần 30 hộ. Vì sống biệt lập giữa rừng núi, đối mặt vô vàn khó khăn, không chịu nổi cảnh nghèo đói dai dẳng nên nhiều hộ đã bỏ nơi này tiếp tục trèo đèo vượt suối đi tìm chỗ định cư khác.
“Bố Tòa” cho biết hiện cả bản chỉ còn vỏn vẹn 10 hộ dân với 42 người, đều là anh em, họ hàng với nhau. Trưởng bản có cả thảy 8 người con thì 6 người sinh sống tại đây, riêng 2 cô con gái thì đi lấy chồng ở bản khác.
Năm tháng dần trôi, giữa rừng núi hoang vu, cuộc sống đói nghèo, lạc hậu vẫn đeo đẳng nhiều người dân bản Đoòng. “Bố Tòa” cho biết bản của ông là bản “4 không”: không đường, không điện, không trạm y tế, không sóng điện thoại. Đáng sợ nhất là mùa mưa lũ, bản Đoòng thường xuyên trở thành ốc đảo lạc lõng, đơn côi.
Bà Hồ Thị Vai - 62 tuổi, vợ Trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc - bần thần kể lại trận lũ lịch sử năm 2010: “Những trận mưa lớn trút xuống, nước từ trên núi tuôn ào ào như thác, dâng cao đột ngột rồi nhấn chìm từng nóc nhà khiến dân bản trở tay không kịp. Cả bản Đoòng bị cô lập rồi chìm nghỉm. Dân bản phải bỏ hết của cải, gạo để chạy lấy người, tìm đến khu vực núi cao trú ẩn, sống với cái bụng đói gần cả tuần, phải ăn măng rừng, lá cây cầm chừng”…
Cuộc sống đói nghèo, cơ cực của dân bản Đoòng hiện hữu qua những căn nhà tạm bợ, trống hoác. Căn nhà gỗ của gia đình anh Nguyễn Văn Chiêu (38 tuổi) cũng vậy, không có vật dụng gì đáng giá.
Nhìn bên ngoài, trông anh Chiêu già hơn tuổi của mình rất nhiều. Mời khách chén trà, anh hồn nhiên: “Dân bản chủ yếu vào rừng kiếm củi, lội suối bắt cá… Quanh năm, thức ăn chủ yếu là rau rừng, cá suối hay trái bắp, củ sắn… Mình quen rồi, ăn chi sống được là cứ ăn. Trời cho chi ăn đó, miễn là bụng no”.
Do đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên việc đi chợ như là điều xa xỉ với dân bản Đoòng. Mọi nhu cầu cuộc sống hằng ngày, dân bản tự cung tự cấp. Dân bản Đoòng cũng không biết đến bệnh viện hay trạm xá. Chuyện những phụ nữ Bru - Vân Kiều sinh con trong rừng rồi đem về là rất đỗi bình thường.
Anh Lê Thế Quang, cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và là người hơn 12 năm sống với dân bản Đoòng, cho biết: “Dân ở đây chữa bệnh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Khi đau ốm, họ thường vào rừng kiếm cây thuốc uống, nếu nặng lắm thì mời thầy mo đến cúng bái”.
Nhọc nhằn gieo chữ
Giữa bộn bề thiếu thốn, khó khăn, điểm trường bản Đoòng thuộc Trường Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tân Trạch, nơi chỉ có vỏn vẹn 10 học sinh người Bru - Vân Kiều theo học, vẫn ngày ngày vang tiếng ê a của trẻ em. Gọi là trường nhưng thực ra, đó chỉ là căn nhà vách ván rộng chừng 30 m2 dựng trên nền đất tạm bợ.
Lúc chúng tôi đến trường đã hơn 11 giờ nhưng thầy Hoàng Văn Sáu (quê ở xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch) vẫn còn nán lại dạy học sinh cách giải bài tập toán. Thầy Sáu cho biết 10 học sinh của bản hiện học ở 3 lớp 3, 5 và 7. “Do không có điều kiện ra ngoài giao tiếp các em rất nhát, ngại gặp người lạ” - thầy phân trần.
Căn nhà vách ván được ngăn thành 3 phòng nhỏ, gồm 2 phòng học - mỗi phòng chỉ có 3 bộ bàn ghế, 1 tấm bảng - và phòng dành cho thầy cô ăn ở, sinh hoạt. Thành lập từ năm 2010 nhưng đến nay, điểm trường này vẫn chưa có nhà nội trú hay nhà vệ sinh cho giáo viên, nước sinh hoạt phải lấy từ các khe suối. “Bản Đoòng chưa có điện nên việc học càng thêm khó khăn. Chúng tôi phải linh hoạt thay đổi giờ giấc học tập để các em không bị ảnh hưởng” - thầy Sáu bày tỏ.
Là một trong những người đầu tiên đến bản Đoòng gieo chữ từ năm 2010, thầy Sáu không nhớ nổi đã bao lần đi vận động học sinh đến trường. Những ngày đầu đơn độc cắm bản giữa rừng núi xa xôi, hẻo lánh lại không có ai quen biết, thầy hết sức bỡ ngỡ và nhiều lúc thấy nản chí, muốn buông xuôi.
“Thiếu ăn, thiếu mặc, không điện, không nhà vệ sinh…, nói chung là thiếu thốn đủ thứ. Nhiều lúc tôi đã tính chuyện bỏ đi nhưng sống với dân bản riết quen, thấy họ rất quý mình, giao phó con em cho mình nên tôi không nỡ phụ lòng họ” - thầy Sáu tâm sự.
Khi thầy Sáu mới đến bản Đoòng, những đứa trẻ Bru - Vân Kiều nhìn thầy với ánh mắt lạ lẫm và rất ngại tiếp xúc. Mỗi sáng, thầy rung chuông liên hồi nhưng chẳng em nào chịu đến trường. Vì thế, thầy phải cùng trưởng bản đến từng nhà vận động, khuyên nhủ. Thầy Sáu kể: “Dạy học ở đây rất nhọc nhằn vì các em chưa hề học qua mầm non hay lớp căn bản nào. Chúng tôi còn phải dạy tiếng Kinh cho các em”.
Cứ mỗi tháng, thầy Sáu dạy 22 ngày, những ngày còn lại tranh thủ về xuôi mua gạo muối, thức ăn, sách vở cho học trò. Mới đây, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tân Trạch đã bổ sung 2 giáo viên đến bản Đoòng, “chia lửa” cùng thầy Sáu.
Khơi dậy ước mơ
Thầy Sáu đưa chúng tôi đến lớp 7. Trong lớp, những đứa trẻ Bru - Vân Kiều đen nhẻm, gầy guộc nhưng lại rất chăm chỉ lắng nghe giảng bài. Thầy giới thiệu với chúng tôi em Nguyễn Thị Con (14 tuổi), “một học sinh khá, có ý thức, chăm chỉ và tiếp thu bài rất nhanh”.
Con cho biết sau buổi sáng lên lớp học, buổi trưa em tranh thủ lên rừng kiếm củi phụ giúp gia đình, chiều lại tới trường. Dù điều kiện học hành thiếu thốn nhưng em luôn là học sinh khá. “Em mơ ước sau này sẽ làm cô giáo rồi tình nguyện lên các bản làng khác để dạy chữ cho trẻ em, để các em có cái chữ mà thoát cái đói, cái nghèo. Vì thế, em sẽ luôn học thật chăm chỉ, lắng nghe thầy cô giáo giảng bài” - Con bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc nhớ lại vì muốn con em bản Đoòng không “đói” chữ nên ông đã băng rừng, lội suối đến UBND xã Tân Trạch gõ cửa xin được tìm thầy dưới xuôi lên dạy. Năm 2007, lớp học được mở tại bản Đoòng nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì trận lũ kinh hoàng cuốn trôi mất căn nhà nên việc dạy học bị gián đoạn.
“Đến năm 2010, khi thực hiện chương trình xóa mù chữ cho trẻ vùng cao, Trường THPT Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tân Trạch đã cử thầy Sáu lên cắm bản. Từ đó đến nay, các thầy giáo ngày đêm cần mẫn gieo chữ cho những trẻ em nghèo” - “bố Tòa” cảm kích.
Trưởng bản Đoòng tâm sự từ nay đến cuối đời, ông chỉ ao ước 2 điều. Đó cũng là 2 điều mong mỏi của dân bản. Trước hết, dân bản Đoòng bao lâu nay luôn mơ ước có một con đường đúng nghĩa để không còn biệt lập với thế giới bên ngoài. Thực tế, để ra vào bản, người ta chỉ có thể men theo con đường nhỏ duy nhất vốn là lối mòn trong rừng núi.
“Chỉ có người bản địa quen thuộc mới có thể đi được đường này nhưng cũng rất chật vật và vô cùng nguy hiểm bởi những dốc núi gồ ghề, rong rêu phủ bám. Vào mùa mưa, con đường trơn lầy, dốc cao dựng đứng nên việc đi bộ, gùi hàng rất khó khăn. Nhiều lúc dân bản bệnh nặng, không thể khiêng đến bệnh viện, đành nằm ở nhà chờ chết” - ông nghẹn lời.
Theo “bố Tòa”, bản Đoòng có gần 2 ha đất ven bờ suối có thể trồng lúa. Tuy nhiên, do thiếu đường ống dẫn nước nên đất này bỏ hoang, ngày càng cằn cỗi, không thể trồng lúa được. Nhiều năm nay, dân bản phải sống nhờ vào gạo hỗ trợ của nhà nước.
“Nếu có đường ống dẫn nước, dân bản sẽ trồng được lúa. Cuộc sống bà con còn khó khăn lắm nhưng chúng tôi luôn mong muốn tự mình vươn lên thoát nghèo chứ không phải lúc nào cũng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước” - trưởng bản Đoòng thổ lộ.
Ý thức bảo vệ rừng
Theo ông Hồ Trung Hậu, cán bộ Trạm Kiểm lâm Km40 Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, dù cuộc sống còn rất khó khăn nhưng dân bản Đoòng đã có ý thức bảo vệ rừng.
“Từ khi được tuyên truyền, họ không còn đốt rừng làm nương rẫy, không dùng mìn để đánh bắt cá nữa. Hiện nay, bản Đoòng có 5 người làm trong tổ bảo vệ rừng. Khi phát hiện lâm tặc, tổ bảo vệ rừng của bản luôn tìm cách trình báo, phối hợp với lực lượng kiểm lâm xử lý” - ông Hậu cho biết.
Bình luận (0)