Theo tính toán, trong 10 năm tới, TP HCM cần 1 triệu tỉ đồng cho riêng hạ tầng giao thông. Trong đó, hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, xe buýt nhanh có thể ngốn trên dưới 500.000 tỉ đồng. Do vậy, theo các chuyên gia, cắt giảm 1/5 ngân sách là rất khó khăn cho TP.
Giảm “vốn mồi”, giảm thu hút đầu tư
Lý giải cho việc TP HCM sẽ khó có thể trở tay trước việc bị cắt giảm 5% ngân sách được giữ lại, từ 23% xuống còn 18%, bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV sáng 24-10, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh TP cần có nguồn để đầu tư chứ không phải chỉ để chi thường xuyên. Theo bà, nghị quyết đề ra tăng trưởng GDP cho TP từ 8%-8,5% là có tính đến cân đối nguồn ngân sách 23%. Tuy vậy, cũng cần nói thêm rằng dù có 23% ngân sách để lại thì số này cũng chỉ đáp ứng được 30% yêu cầu đầu tư, phát triển của TP. Nếu chúng ta giảm tiếp 5% thì khả năng cân đối tối đa chỉ đáp ứng khoảng 21%, tức giảm đi 9% nguồn đầu tư. “TP gọi đó là “vốn mồi”, vốn tạo niềm tin, vốn để bảo đảm thu hút đầu tư cho TP. Nếu giảm xuống thì đồng nghĩa với việc niềm tin của xã hội sẽ giảm đi, không huy động được nguồn lực xã hội” - bà Quyết Tâm nhìn nhận.
Đề cập tới ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho rằng Chính phủ sẽ đầu tư cho TP HCM bằng nhiều nguồn khác nhau và TP cũng xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn vốn khác, bà Tâm cho rằng ngân sách điều tiết cho TP chính là nguồn vốn để TP chủ động đầu tư vào những điểm nghẽn như giao thông, vốn là lĩnh vực có độ trễ thu lời lâu nhất. Bà phân tích: “Giải quyết vấn đề kẹt xe, ngập nước là mục tiêu của TP. Vừa rồi, Chính phủ hỗ trợ TP 10.000 tỉ đồng, đó là sự hỗ trợ rất tốt. Tuy nhiên, phần ngân sách điều tiết cho TP sẽ giúp TP chủ động hơn trong giải quyết những điểm nghẽn của phát triển, tăng trưởng”.
Đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân chỉ ra đóng góp về ngân sách nhà nước của TP HCM là khoảng 30% và đóng góp GDP cho cả nước trên 21%. Năm 2016, trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, tổng thu ngân sách cả nước khoảng 1 triệu tỉ đồng thì đóng góp của TP HCM là 305.000 tỉ đồng và chi ngân sách 59.000 tỉ đồng. Đến năm 2017, TP HCM được giao nhiệm vụ thu ngân sách lên 347.000 tỉ đồng nhưng chi ngân sách chỉ khoảng 60.000 tỉ. “Để TP có thể đóng góp nhiều hơn cho ngân sách chung thì tỉ lệ điều tiết nên có giới hạn, theo từng giai đoạn. Hiện điều tiết 23% thì nên đưa xuống 21%. Khoảng 5 năm nữa có thể xuống 20% hoặc 19% chứ không nên cắt giảm một lúc 5%” - ĐB Ngân góp ý.
Theo ông Ngân, việc cắt giảm phần ngân sách giữ lại sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình đầu tư của TP, nhất là trong tình trạng quá tải bệnh viện, trường học, vấn đề về ngập úng, căng thẳng cơ sở hạ tầng. Cho nên, phải tìm một cơ chế hợp lý thúc đẩy cho đầu tàu kinh tế TP HCM tăng trưởng nhiều hơn.
Điều tiết ngân sách phải công bằng
Nói thêm về điều tiết ngân sách, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định chỉ cần có nguồn ngân sách đầu tư hợp lý thì mọi tiềm năng của TP sẽ được phát huy, đóng góp cho nguồn lực của trung ương và đất nước nhiều hơn. “Như trong gia đình, mình dồn kinh tế cho đứa con nào biết làm ăn, kinh doanh. Khi đã làm ăn tốt rồi, đứa con đó sẽ hỗ trợ lại để cha mẹ xây dựng kinh tế gia đình tốt hơn. Đất nước mình cũng thế thôi. Nếu đầu tư dàn trải thì nguồn lực sẽ không phát huy tác dụng” - bà Tâm ví von.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng vấn đề điều tiết ngân sách là bài toán nan giải, tính toán hợp lý bởi nếu không có thể đưa “đầu tàu kinh tế” đi vào ngõ cụt. “Chúng ta phải điều tiết một cách công bằng hơn. Cương quyết đối với những tỉnh chưa tự quyết được về vấn đề tài chính nhưng lại quá phung phí nguồn vốn ngân sách thay vì quá tập trung điều tiết tại TP HCM” - bà Phong Lan góp ý.
Còn theo ĐB Trần Hoàng Ngân, trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay, cần quan tâm đến tái cơ cấu lại việc phân bổ ngân sách, tái cơ cấu lại thu chi ngân sách để ưu tiên tập trung những lĩnh vực, ngành, địa phương giữ vai trò đóng góp vào ngân sách một cách quan trọng. Do đó, Hà Nội cũng như TP HCM là những đơn vị có đóng góp lớn cho ngân sách cả nước, đồng thời cũng là bộ mặt của quốc gia nên cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng. Đồng tình, Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh: Với tư duy và các phương thức điều tiết ngân sách như hiện nay sẽ không tạo cho TP HCM sự đột phá, thậm chí còn kiềm tỏa, làm giảm phát triển, mất đi cơ hội vượt lên chính mình cũng như động lực lôi kéo khu vực.
ĐB Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đặt câu hỏi: So với trong nước thì TP HCM đứng ở vị trí cao nhưng so với khu vực thì đứng ở đâu? Bởi thế, theo ông, không bàn việc giữ lại tỉ lệ bao nhiêu phần trăm mà vấn đề là cần bao nhiêu để “con gà đẻ trứng vàng.
ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP HCM:
Không nghĩ sự độc tôn về mình!
Mức ngân sách giữ lại 23% như hiện nay bị giảm thêm 5% đặt ra cho TP một thách thức rất lớn. Do đó, QH nên có xem xét hợp lý bởi nghị quyết của Bộ Chính trị luôn khẳng định TP HCM là một đầu tàu tổng lực phát triển, có tính lôi kéo, sự lan tỏa lớn. TP HCM không chỉ nghĩ độc tôn về mình mà có tính toán đến sự tương tác của các tỉnh trong khu vực, đồng thời cũng muốn vươn lên là một TP đầu tàu của khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, TP mong mỏi trung ương, QH tạo sự yểm trợ kết hợp với tự thân mình vươn lên, vượt qua thách thức để có những bước đi xây dựng TP có chất lượng đáng sống, tạo thành động lực lôi kéo các khu vực lân cận.
Ở đây, tôi rất đồng tình việc đầu tư là không chỉ cho TP HCM mà cả các vùng kinh tế trọng điểm khác nữa. TP HCM có vườn ươm công nghệ cao, khu vực nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm tài chính, trung tâm chứng khoán, đấu giá… tức là 1 đô thị có ưu thế, nếu được sự bồi đắp thêm, tạo cho nó bước đi khỏe khoắn, rút ngắn được lộ trình phát triển thì sẽ tham gia trở lại đóng góp cho đất nước.
TS Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright:
Cần tăng ngân sách thay vì giảm
Hiện tại, vùng TP HCM chiếm hơn 20% dân số, tạo ra 50% GDP cả nước và 55% nguồn thu ngân sách cả nước nhưng chỉ được chi ngân sách 15%. Vùng Hà Nội thì ngược lại khi dân số cũng khoảng 20%, tạo 24% GDP, 32% nguồn thu ngân sách nhưng được chi hơn 19% ngân sách.
Có điểm được coi là “trục trặc” hiện nay là TP HCM nói riêng, vùng TP HCM nói chung đã tới giới hạn về hạ tầng. Nơi tạo nguồn thu ngân sách và tạo việc làm lớn cho Việt Nam nhưng các yếu tố cơ sở hạ tầng đã tới giới hạn rồi, cần sự đầu tư lớn. Đó là triết lý giải thích cho việc có những ý kiến cho rằng không phải là điều tiết 23% cho TP mà phải tăng nhiều hơn lên. Bây giờ mất ít nhất 1/5 phần điều tiết cho TP HCM sẽ gây ra trục trặc không chỉ với TP mà còn với cả nước, khi nguồn thu không được nuôi dưỡng thì vấn đề ngân sách, nợ công sẽ thêm phần trầm trọng, bức tranh kinh tế vĩ mô có thể sẽ xấu đi.
Theo tính toán, TP trong 10 năm tới cần 1 triệu tỉ đồng cho hạ tầng giao thông. Riêng hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, xe buýt nhanh tốn trên dưới 500.000 tỉ đồng. Vùng Đông Nam Bộ ít nhất phải xây dựng được hệ thống đường cao tốc để khơi thông, kết nối hoạt động kinh tế cả vùng. Nhưng nghịch lý là 700 km đường cao tốc xây dựng năm 2015 thì TP HCM chỉ được 100 km. Nhu cầu lớn mà ngân sách không đủ. Nhìn sang Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), ngân sách cho hạ tầng của họ gấp 3 lần, mà giờ quy mô kinh tế các nơi đó lớn hơn TP HCM nhiều rồi thì với cách phân bổ ngân sách như hiện nay, không thể mơ chúng ta có những trung tâm như Bắc Kinh, Thượng Hải. Đồng ý là chia sẻ với các địa phương khác nhưng không có nghĩa là làm ra 100 đồng chỉ giữ lại 18 đồng. Nếu như thế, TP không có động cơ để phát triển, tức là thua trong cuộc chơi toàn cầu. Quan điểm riêng của tôi là nên tăng chứ không giảm.
Ph.Nhung ghi
Bình luận (0)