Mạng lưới giao thông tại khu vực tỉnh Đồng Nai vùng cửa ngõ Đông Nam Bộ trong thời gian qua bứt phá với sự góp mặt của nhiều công trình, dự án giao thông cấp quốc gia như việc đưa vào sử dụng tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; khởi động tuyến cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành; thông qua dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)… Hiện, 2 dự án “đình đám” là cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (Bình Thuận) đang được khởi động.
Cao tốc kết nối cao tốc
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai, tuyến cao tốc Đồng Nai - Lâm Đồng do Bộ GTVT thực hiện được chia thành 3 đoạn. Do đoạn từ Liên Khương - Đà Lạt đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nên hiện các đoạn còn lại chiếm phần lớn chiều dài của dự án đang được thúc đẩy để nhanh chóng thực hiện.
Hai đoạn còn lại trong tuyến đường mang tính chiến lược này là phân đoạn từ huyện Tân Phú (điểm cuối tại tỉnh Đồng Nai) về Liên Khương (giáp TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) và từ ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất) về Tân Phú. Trong đó, phân đoạn Dầu Giây - Tân Phú sẽ được thực hiện ngay trong quý I/2017. Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài gần 60 km, tổng vốn đầu tư khoảng gần 14.000 tỉ đồng, điểm đầu tại ngã tư Dầu Giây; điểm cuối là xã Phú Sơn, huyện Tân Phú. Tuyến cao tốc được quy hoạch với tiêu chuẩn loại A, vận tốc lưu thông cho phép từ 80-120 km/giờ, sau khi hoàn thành sẽ hòa vào toàn tuyến cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt dài hơn 200 km.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài hơn 100 km, qua các huyện phía Bắc tỉnh Đồng Nai và 2 huyện lớn phía Nam tỉnh Bình Thuận cũng dự kiến sẽ khởi động trong quý I/2017. Trong đó, phân đoạn 1 của dự án, từ ngã tư Dầu Giây đến huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) có tổng vốn hơn 6.000 tỉ đồng dự kiến sẽ hoàn thành năm 2019. Hơn 60 km còn lại từ Xuân Lộc đến TP Phan Thiết cũng sẽ được thực hiện.
Đối với tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trong kế hoạch phát triển giao thông vùng kinh tế phía Đông, Ban Quản lý dự án 85 (PMU 85) - đơn vị thực hiện - đã đề xuất dự án thành phần 1 trình Bộ GTVT phê duyệt. Trước mắt, sẽ thực hiện giai đoạn 1 là điểm đầu từ đường Võ Nguyên Giáp (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối sẽ nối khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Chiều dài toàn tuyến trong giai đoạn 1 là gần 47 km, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.
Theo các lãnh đạo ngành GTVT tỉnh Đồng Nai, các tuyến cao tốc trên khi hoàn thành, cùng với tuyến cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành, cao tốc TP HCM - Bình Phước trong kế hoạch triển khai sẽ hòa vào hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam - Tây Nguyên, trong đó có cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong đó, nhiều điểm kết nối sẽ tập trung một mối tại các khu vực Dầu Giây, Biên Hòa và cửa ngõ TP HCM, sẽ tạo thành một “trục xương sống” trong chiến lược phát triển giao thông cả nước.
Thúc đẩy nhiều dự án giao thông
Các chuyên gia trong lĩnh vực GTVT cho rằng trong khi các hệ thống cao tốc hiện đại từ miền Tây, TP HCM, vùng Đông Nam bộ và các tỉnh phía Bắc cũng như Tây Nguyên sẽ được kết nối với nhau tại cửa ngõ TP HCM thì các đường xương cá kết nối với các tuyến cao tốc cũng dần hoàn thiện và hiện đại. Hiện tại, tỉnh Đồng Nai có nhiều dự án giao thông đang được thúc đẩy, xúc tiến nhanh. Các dự án này sẽ được thực hiện nhằm đồng bộ hóa để theo kịp tốc độ phát triển của các dự án mang tầm phát triển vùng. Chẳng hạn, các tuyến đường 765 qua huyện Xuân Lộc - Cẩm Mỹ, đường 21 từ TP Biên Hòa về Long Thành hoặc đường 319 về huyện Nhơn Trạch và hệ thống đường kết nối với tỉnh Bình Dương.
Ở phía Nam tỉnh này có các dự án kết nối đoạn từ Trạm 2 (quận Thủ Đức, TP HCM) đến đường Vành đai 3 vượt sông Đồng Nai nối đường Vành đai 4. Hệ thống đường xương cá này sẽ giúp kết nối đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 1 của tỉnh Đồng Nai với quận 9, TP HCM cũng như các khu vực đang phát triển rất mạnh tại tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, các dự án nối Tỉnh lộ ĐT 768 và đường Vành đai TP Biên Hòa hướng về sân bay Biên Hòa, vượt sông Đồng Nai tới đường Vành đai 3, khu vực phường Bình Chuẩn, tỉnh Bình Dương; Tỉnh lộ 743C kết nối đường vòng cung Tây Bắc (TP HCM) qua cầu Phú Long, đến Quốc lộ 13 và Tỉnh lộ 743D cùng với Quốc lộ 1K cũng sẽ giúp giao thông từ hướng Đồng Nai về Bình Dương, TP HCM, miền Tây trở nên thuận lợi…
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết đối với việc thực hiện các tuyến cao tốc, tỉnh đang đẩy nhanh tốc độ phối hợp với các địa phương và chủ đầu tư để giải quyết tốt việc chuẩn bị mặt bằng thực hiện, ít nhất 2 tuyến có điểm nối tại Dầu Giây hiện đã khởi động giải tỏa mặt bằng. Riêng các dự án cấp tỉnh, dù còn một số vướng mắc nhưng tỉnh cũng đang cố gắng nỗ lực chắc chắn sẽ đẩy nhanh tốc độ.
“Thời gian qua, Đồng Nai đã làm tốt công tác phối hợp phát triển giao thông có tính cấp vùng và quốc gia. Trong quý I/2017, nhiều kế hoạch sẽ tiếp tục được triển khai, cần sự cố gắng và nỗ lực thực hiện nhanh chóng và thiết thực. Còn các đường vành đai cũng nối liền với các tỉnh trong vùng nên phải có sự kết hợp đồng bộ…” - ông Liêm nói.
Thêm 1 hầm chui tại TP Biên Hòa
Trong năm qua, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng một số hầm chui tại các điểm nóng giao thông nơi cửa ngõ, đều nằm trên tuyến Quốc lộ 1, là hầm chui ngã tư Vũng Tàu và hầm chui Tam Hiệp. Hiện nay, tỉnh tiếp tục xây dựng hầm chui khác tại khu vực liên tục kẹt xe ở trung tâm TP Biên Hòa là hầm chui ngã tư Tân Phong, phường Tân Phong. Hầm dự kiến dài 430 m và đường dẫn 2 đầu hầm là 150 m, sử dụng cho 4 làn xe, tổng vốn đầu tư 260 tỉ đồng.
Bình luận (0)