Sông Như Ý còn có tên là Thiên Lộc Giang, bắt nguồn từ khu vực Đập Đá ở phường Vỹ Dạ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Con sông này đã có hàng trăm năm nay, được đào đắp nhằm chia lũ cho sông Hương, phát triển giao thương đường thủy thời Chúa Nguyễn cũng như tạo thế phòng thủ bảo vệ kinh thành Huế trước đây.
“Thiếu nữ ngủ say”
Sau Tết, mùa Xuân mang ánh nắng ấm áp chiếu rọi xuống mặt nước khiến dòng Như Ý thêm phần xanh mát. Tản bước trên con đường Hàn Mặc Tử nằm ở bờ Đông dòng sông đoạn qua làng Vỹ Dạ, chúng tôi như nghe đâu đó câu thơ “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” vọng lại giữa chốn yên bình. Ở đó vẫn còn những hàng cau, hàng cây sầu đông soi bóng xuống dòng sông hiền hòa.
Xuôi theo dòng sông về những ngôi làng ở Vân Dương, Thủy Thanh..., chúng tôi càng thấy rằng Như Ý được các nhà văn, nhà thơ xứ Huế ví như “thiếu nữ ngủ say” hay “vườn địa đàng” là đúng bởi nó quá thơ mộng và đẹp lung linh.
Dọc đường đi, ghé làng Phao Võng (tổ 14, phường Vỹ Dạ) nằm ven sông Như Ý, chúng tôi bắt gặp cảnh người dân tung chài bắt cá và được nghe những câu hò mang mác đời ngư phủ. Phao Võng là một trong 3 làng chài có tên trong bia “Quyền đánh cá” từ thời vua Minh Mạng.
Chắc hẳn khi đi hết các con sông ở TP Huế, nhiều người sẽ nhận xét rằng chỉ có ngư phủ Phao Võng là tung chài rất điệu nghệ. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Vững, một người đã chụp không biết bao nhiêu bức ảnh trên dòng Như Ý, khẳng định hầu như các nhiếp ảnh gia, những người say mê chụp ảnh đều đã ghé đến dòng sông nên thơ này.
Theo nghệ sĩ Trương Vững, nước sông Như Ý trước đây có màu xanh của tảo. Ở đây có nhiều ngư phủ Phao Võng thường xuyên hành nghề , giúp các nhiếp ảnh gia thỏa sức ghi lại những cảnh đẹp của con sông.
“Không những nghệ sĩ ở Huế hay trong nước mà rất nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên thế giới cũng từng đến đây chụp ảnh. Đã có rất nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh trong nước và quốc tế mà tác phẩm được chụp trên sông Như Ý. Có lần, tôi dẫn một đoàn nhiếp ảnh gia về tới làng Phao Võng thì gặp lúc trời khi mưa khi nắng. Đợt đó, không biết bao nhiêu bức ảnh chụp ở đây đã đoạt giải thưởng quốc tế” - nghệ sĩ Trương Vững nhớ lại.
Lão ngư Võ Chí Công, một “tiền bối” làng Phao Võng trong “nghiệp mẫu ảnh”, dù tuổi đã ngoài 80 nhưng vẫn gắn bó với dòng Như Ý. Ai muốn tìm cụ cứ đến gò đất nằm giữa dòng sông là gặp. Hầu như ngày nào cụ cũng ở trên đó như một “Robinson” tại đất cố đô.
Cụ Công cho biết cụ đã ngót 70 năm theo nghiệp chài lưới, hơn chục năm trở thành người mẫu ảnh tung chài, rớ cá trên sông cho các nhiếp ảnh gia. “Trước đây, tôi chẳng biết nghệ thuật chụp ảnh là gì. Một bữa, khi tôi đang buông lưới thì có mấy người đến, giới thiệu là nhiếp ảnh gia, nhờ làm mẫu để chụp ảnh. Tiền công cũng chẳng là bao nhưng mỗi lần có người quen nói bức ảnh chụp mình được đưa đi triển lãm, đoạt giải thì tôi hạnh phúc lắm” - cụ bày tỏ.
Đội mẫu làng chài
Nghề gì cũng cần tuổi tác. Trước khi lui vào “hậu trường”, lão ngư Võ Chí Công đã có những người con theo công việc của cha làm nghề mẫu ảnh. Trong đó, ông Võ Văn Say (54 tuổi) dù dáng người nhỏ nhắn nhưng khá săn chắc, làn da rám nắng.
Khi hoàng hôn gần buông, theo chiếc thuyền nan cùng ông Say xuôi dòng Như Ý, chúng tôi được nghe giới thiệu về con sông, về người dân Phao Võng và những ngôi làng trầm mặc. Bất chợt, ông Say cho thuyền ghé sát rặng tre rồi tung chài bắt cá.
Đứng trước mũi thuyền, một chân làm trụ, chân kia ấn chắc vào mép thuyền, ông Say tung tấm chài giữa không trung, tạo nên một hình ảnh sinh động giữa dòng nước trong xanh. Giữa làn nước được chiếu rọi bởi những tia nắng cuối ngày, trên bờ là hàng tre xanh ngát, hình ảnh con thuyền nan với ngư phủ tung chài giúp chúng tôi quên đi cảnh khói bụi, ồn ào của chốn đô thành cách đó không xa...
Ông Say cho biết mỗi lần làm mẫu ảnh, hai người em trai của ông đều phụ giúp nên tạo ra cảnh nhộn nhịp trên sông. Tâm sự về công việc làm mẫu ảnh, ông bảo rằng nghề này không đơn giản bởi tấm chài khá nặng, lại đứng trên thuyền đậu giữa dòng sông nên cần phải có sức khỏe, người quen việc mới làm được. “Tư thế đứng phải chắc chắn để khi tung chài không bị ngã, làm hỏng ảnh của nghệ sĩ, phải làm lại thì đuối sức lắm” - ông Say tiết lộ.
Những địa điểm ông Say thường được thuê làm mẫu chụp ảnh là cầu Vân Dương 2, cầu Vỹ Dạ, ngã ba Bà Mõm. Đôi lúc, thuyền ông lại xuôi về xã Thủy Vân, Thủy Thanh ở thị xã Hương Thủy từ lúc bình minh đang le lói trên sông hay khi hoàng hôn dần buông xuống. “Phong cảnh ở đây rất đẹp bởi có cánh đồng lúa xanh bạt ngàn, có dòng nước xanh mát. Khi làm mẫu, chúng tôi thường ở trần, mặc quần đùi, đội nón và chọn thời điểm như thế, hình mới “ăn” được” - ông Say kể.
Ngoài gia đình lão ngư Võ Đại Công, ở Phao Võng còn có những người mẫu nghiệp dư khác như ông Phạm Văn Tràm, ông Võ Văn Ngư... Cuộc sống của họ vốn dựa vào nghề đánh bắt cá. Dù đồng tiền công đôi lúc còn thua thu nhập một buổi đánh cá nhưng khi những bức hình ghi lại cảnh đẹp của dòng sông hay con người xứ Huế được giới thiệu khắp nơi, họ đã thấy hạnh phúc dạt dào.
Không quan trọng chuyện thù lao
Khi chúng tôi tò mò về thù lao cho mỗi lần làm mẫu, ông Say nói rằng chẳng có mức quy định nào cụ thể mà tùy vào tấm lòng của nghệ sĩ nhiếp ảnh.
“Trước kia, gia đình chúng tôi chỉ biết mưu sinh bằng nghề chài lưới. Làng Phao Võng có bao lâu thì nghề này cũng tồn tại bấy lâu, chẳng ai biết nghệ thuật hay nhiếp ảnh là gì cả. Từ khi cha tôi biết đến công việc này thì chúng tôi có một nguyên tắc là không được đòi hỏi thù lao bởi đó là nghệ thuật” - ông Say giải thích.
Bình luận (0)