10 giờ 40 phút ngày 22-4, tại hội trường UBND xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đoàn công tác gồm đại diện các cơ quan chức năng của trung ương đã đối thoại với 50 người đại diện cho nhân dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm về vấn đề đất đai cũng như những vấn đề phát sinh trong thời gian gần đây theo nguyện vọng của người dân nơi đây.
“Đây là điều đáng tiếc...”
Mở đầu buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, trình bày các nguyện vọng của nhân dân trong xã, trong đó giải thích tin đồn ngược đãi 38 cán bộ, cảnh sát đã và đang bị giữ tại nhà văn hóa thôn là không có cơ sở. “Nhân dân không hiểu pháp luật nên đã vi phạm, mong TP dang tay khoan hồng. Dân làng mong chủ tịch TP lắng nghe ý kiến để giải quyết thấu đáo mâu thuẫn nhiều năm nay về đất đai ở địa phương” - bà Lan bày tỏ.
Sau ý kiến của bà Lan, ông Trần Xuân Lễ (người dân xóm 3, thôn Hoành) thông tin về lịch sử mảnh đất đang tranh chấp tại địa phương. Ông Lễ nói đất đồng Sênh do cha ông để lại. Những năm 50 của thế kỷ trước, người dân vẫn canh tác, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước. Từ năm 1980, nhà nước giao đất cho dân nhưng không hiểu vì sao một số lãnh đạo huyện Mỹ Đức lại bàn giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và nói đó là đất quốc phòng. “Nếu là đất quốc phòng thì phải giải thích rõ ràng, nhà nước thu hồi phải có quyết định và thông báo cho dân... Nếu là đất quốc phòng từ trước, đố người dân nào dám vào canh tác bấy lâu nay. Chúng tôi rất bức xúc. Vì sao 5-6 năm nay người dân gửi đơn đến nhiều nơi nhưng không được trả lời?” - ông Lễ nêu.
Ông Bùi Văn Kỷ (63 tuổi) khi đứng lên nói lời xin lỗi, nhận sai khi người dân giữ các cán bộ, công an trong những ngày qua. “Đây là điều đáng tiếc, chúng tôi đề nghị lãnh đạo hãy tìm nguyên nhân để hiểu rõ bản chất sự việc, bức xúc của dân. Tôi thừa nhận giữ người là sai nhưng do xuất phát từ cái sai của lãnh đạo trước” - ông Kỷ thẳng thắn.
Chăm chú lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bày tỏ sự chia sẻ với nỗi bức xúc, băn khoăn của bà con thời gian qua. Với tư cách chủ tịch UBND TP, ông Chung xin ghi nhận tất cả ý kiến của bà con, đồng thời khẳng định việc liên quan đến quản lý đất đai suốt thời gian qua khiến bà con bức xúc dẫn đến những hành vi bột phát. Sau đó, ông đã giải quyết thấu đáo từng vấn đề và được người dân đồng thuận. Có thể nói “nút thắt” dồn nén bao lâu nay trong tâm tư, nguyện vọng của người dân xã Đồng Tâm được chính vị lãnh đạo TP Hà Nội tháo gỡ qua từng nội dung trả lời, giải thích tường tận.
Cũng trên tinh thần trọng dân, vì dân, trước việc người dân đề nghị Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel dừng thi công, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định TP đã quyết định thanh tra toàn diện khu đất này và cam kết đúng 45 ngày sẽ ra kết luận. Trong quá trình thanh tra, TP đã yêu cầu các tập thể, cá nhân đang thi công ở khu vực đất sân bay Miếu Môn dừng thi công, người dân cũng giữ nguyên hiện trạng để phục vụ công tác thanh tra.
“Các cụ yên tâm, trong quá trình thanh tra sẽ có sự giám sát của Thanh tra Chính phủ, Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), các đại biểu Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Tôi cam kết sẽ làm công tâm, công minh việc này” - ông Chung nhấn mạnh.
Cam kết 3 nội dung
Sau khi kết thúc buổi đối thoại kéo dài 2 giờ, ông Nguyễn Đức Chung đã cùng đoàn công tác đi bộ ra nhà văn hóa thôn để thăm cán bộ, chiến sĩ đang bị giữ trái pháp luật. Trên đường đi, chủ tịch UBND TP đã bắt tay, chào hỏi hàng trăm người dân đứng hai bên đường. Người dân đã tặng hoa cho ông Chung và cho biết rất phấn khởi với kết quả đạt được sau buổi đối thoại.
Lúc 14 giờ 30 phút, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm đọc cam kết của chủ tịch UBND TP Hà Nội với đại diện người dân địa phương, trong đó có 3 nội dung: Một là trực tiếp kiểm tra hoạt động của đoàn thanh tra trong việc làm rõ diện tích đất đồng Sênh, phần nào là đất nông nghiệp, phần nào là đất quốc phòng, không mập mờ, bảo đảm đúng quyền lợi chính đáng cho người dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật; hai là không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm; ba là chỉ đạo làm rõ việc bắt, gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Biên bản làm việc này đã được ký dưới sự chứng kiến và có chữ ký của một số người, trong đó có các đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Lưu Bình Nhưỡng...
Sau khi bản cam kết được đọc trên loa truyền thanh, người dân đã vỗ tay để bày tỏ sự phấn khởi và đồng thuận rất cao. Tiếp đó, toàn bộ 19 cán bộ, chiến sĩ bị giữ trái pháp luật đã được thả và rời khỏi nhà văn hóa thôn Hoành.
Hình ảnh một chiến sĩ chắp hai tay phía trước, đầu cúi xuống rời đi gây xúc động cho nhiều người...
Diễn biến vụ việc
Sự việc tại xã Đồng Tâm trở nên phức tạp vào ngày 15-4 khi 4 người bị bắt để điều tra vụ gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở đồng Sênh, xã Đồng Tâm. Lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng của nhiều người dân, dẫn đến 38 công an, cán bộ bị giữ tại Nhà Văn hóa thôn Hoành.
Tối 17-4, có 15 người được thả, 3 người khác tự giải thoát. Chiều 20-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đoàn công tác mời đại diện người dân xã Đồng Tâm ra đối thoại tại trụ sở Huyện ủy Mỹ Đức. Tuy nhiên, sau 3 giờ chờ đợi, không có người dân nào tới dự.
Ngày 21-4, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức được cho về, đồng thời người dân xã Đồng Tâm cùng ký đơn kiến nghị cũng như tâm thư gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Ngày 22-4, 19 cán bộ, chiến sĩ cuối cùng rời khỏi thôn Hoành sau buổi đối thoại được người dân mong đợi.
Bình luận (0)