“Tôi chưa thấy khu nào chôn đốt chất thải công nghiệp khổng lồ, hôi hám như vậy!” - một cán bộ thuộc Phòng 2 - C49 thốt lên sau khi ập vào bãi chôn lấp rác rộng hàng ngàn mét vuông ở khu phố Hòa Lân, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, vào sáng 22-4. Việc đột kích này nằm trong chuyên án của C49.
Nhận tiền xử lý nhưng đưa đi chôn bậy
Tại khu vực C49 đột kích như “hỏa diệm sơn” với những núi rác đang rực lửa, khói ngùn ngụt, tỏa mùi hết sức khó chịu. Tại đây, có nhiều bãi rác, trong đó có bãi rộng gần 3.000 m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Bảy. Bà Bảy khẳng định không liên quan đến việc xử lý rác chui, khu đất này bà đã cho một người khác thuê. Tuy nhiên, bà chưa trưng ra được hợp đồng liên quan đến việc cho thuê đất.
Thượng tá Cù Nam Tiến, Phó trưởng Phòng 2, cho biết vào thời điểm đột kích, lực lượng trinh sát bắt quả tang tài xế mặc áo của Công ty TNHH Phát triển bền vững An Điền (Công ty An Điền, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) điều khiển xe tải chở chất thải công nghiệp (nghi thuộc loại nguy hại) vào bãi.
Theo điều tra của Phòng 2, số chất thải này của Công ty TNHH BoxPok (vốn Malaysia) chuyên sản xuất bao bì, đóng tại KCN Vietnam - Singapore (thị xã Thuận An). Làm việc với C49, đại diện Công ty TNHH BoxPok cho biết đã ký hợp đồng giao chất thải này cho Công ty An Điền mang đi xử lý theo quy định.
Theo thượng tá Tiến, sơ bộ từ tháng 2-2014 đến nay, Công ty TNHH BoxPok đã giao cho Công ty An Điền chở 15 chuyến chất thải đi xử lý, mỗi chuyến khoảng 5 tấn với đơn giá xử lý khoảng 5.000 đồng/kg.
“Công ty An Điền có giấy phép xử lý chất thải do Tổng cục Môi trường cấp, có địa điểm xử lý ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương nhưng họ lại mang đến đây để chôn, đốt trái phép” - thượng tá Tiến bức xúc.
“Sao địa phương không dẹp được?”
Đến chiều tối cùng ngày, lực lượng công an vẫn còn khám nghiệm hiện trường khu chôn chất thải thuộc phần đất của bà Bảy. Dưới những núi rác đang bốc khói là hàng ngàn mét khối rác được chôn lấp, có nơi sâu hơn 1 m.
Thượng tá Tiến cho biết C49 quyết định mở chuyên án này sau khi nhận được nhiều đơn tố cáo từ người dân địa phương. “Nhiều người cho rằng bãi rác này hoạt động khá lâu và được bảo kê. Chỉ có Bộ Công an mới có thể phá được” - thượng tá Tiến nói.
Trao đổi với phóng viên, một người dân địa phương thắc mắc: “Đây là khu đông dân, nhiều người đang “chết” vì khói độc. Những núi rác chôn lấp, đốt ngày đêm như thế mà sao địa phương không dẹp được?”. Về thắc mắc này, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Bình Dương khẳng định đã xử phạt nhiều lần việc chôn, đốt rác ở khu này, thậm chí đã khởi tố chủ khu đất về hành vi kinh doanh trái phép. Tuy nhiên, không phạt tù mà chỉ xử phạt vài chục triệu đồng.
Khi được hỏi vì sao tình trạng chôn, đốt chất thải trái phép vẫn tiếp diễn, lãnh đạo PC49 lý giải: “Khi công an địa phương xuống hiện trường thì người đốt rác đã trốn mất nên khó xử lý rốt ráo”.
Sẽ truy cứu trách nhiệm mức cao nhất
Đại diện C49 cho biết sẽ lấy nhiều mẫu chất thải, đất và nước ngầm tại khu vực chôn đốt rác để kiểm nghiệm. Rất có thể nước ngầm ở khu vực này đã nhiễm độc nặng vì khối lượng chất thải chôn rất nhiều và sâu. Sẽ cho máy xúc tất cả chất thải ở bãi này để mang đi nơi khác xử lý theo quy định.
Công ty An Điền đã ký hợp đồng nhận xử lý rất nhiều chất thải công nghiệp, có cả chất thải nguy hại cho các đơn vị khác. Tới đây, C49 sẽ làm việc với Công ty An Điền và các đối tác liên quan. “Chúng tôi sẽ truy cứu trách nhiệm hành vi phá hoại môi trường này ở mức cao nhất” - thượng tá Tiến khẳng định.
Bình luận (0)