Tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII vào chiều 25-6, đại diện nhiều doanh nghiệp tại TP HCM đã kiến nghị nhà nước có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Hãy tự cứu mình
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP HCM, đề cập tình trạng người nông dân đang lao đao khi đầu ra bị ép giá. Nhìn nhận đây là vấn đề hết sức hệ trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng vùng đồng bằng Nam Bộ còn nhiều tiềm năng phát triển nhưng gặp bế tắc về thị trường. Hiện nay, chúng ta đang cố gắng mở rộng thị trường cho nông dân mà cụ thể là tập trung đàm phán để tìm kiếm thêm thị trường ở Nga, Hàn Quốc…
Chủ tịch nước nhấn mạnh ngoài đường lối chung, cương lĩnh và luật pháp hiện hành, một điều rất quan trọng là thực tiễn cuộc sống và đòi hỏi của nhân dân. Có những thời điểm, chúng ta phải đưa ra những giải pháp hết sức táo bạo, phù hợp với thực tiễn nhưng không phù hợp với luật lệ ban hành. TP phải mạnh dạn để góp phần thúc đẩy kinh tế tiến lên, đồng thời sẽ có nhiều mô hình, sáng kiến cho Trung ương. Về phía Trung ương, Chủ tịch nước hứa sẽ trao đổi lại với các ban ngành để bổ sung, hỗ trợ thêm.
Mạnh dạn chỉ ra tham nhũng
Nói về tình hình tham nhũng, lãng phí hiện nay, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, bức xúc: “Tham nhũng, lãng phí đang là căn bệnh lớn của xã hội. Nếu không có biện pháp cứng rắn thì sẽ làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước”. Chủ tịch nước cho hay thành quả chống tham nhũng, lãng phí đã có nhưng mục tiêu vẫn chưa đạt. “Mỗi lần gặp dân, gặp đảng viên, những tiếng kêu than của các đồng chí làm chúng tôi thấy xấu hổ lắm! Nói vậy không phải là từ chối trách nhiệm nhưng chống tham nhũng, lãng phí đâu phải đơn giản. Nghị quyết năm nào cũng nói, đại hội nào cũng nói. Nhìn ra thế giới thấy người ta vươn lên mà mình buồn ghê gớm!” - Chủ tịch nước nói. Chủ tịch nước đề nghị người dân hãy hành động dũng cảm hơn để chỉ đích danh địa chỉ tham nhũng, lãng phí.
Lấy phiếu tín nhiệm cần thực chất Sáng 25-6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 1 đã tiếp xúc cử tri quận 4, TP HCM. Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ đồng tình về việc Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt bởi kết quả tín nhiệm chính là thước đo sự tin cậy của người dân thông qua lá phiếu của ĐBQH. Tuy nhiên, về hình thức và cách lấy phiếu tín nhiệm còn không ít ý kiến băn khoăn. “Thường những người ngồi ở ghế nóng dễ bị soi trách nhiệm nhiều hơn những người khác. Điều này liệu có công bằng không khi tỉ lệ phiếu tín nhiệm các chức danh ít cọ xát với dân cao hơn các chức danh thường xuyên tương tác với lợi ích của dân. Mong rằng lần lấy phiếu tín nhiệm kế tiếp QH nghiên cứu giải pháp lấy phiếu như thế nào cho công bằng hơn” - cử tri Nguyễn Minh Ngọc kiến nghị. Cùng ngày, Tổ ĐBQH đơn vị số 4, Đoàn ĐBQH TP HCM do Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải dẫn đầu đã tiếp xúc cử tri tại quận 10 và quận 11. Hầu hết cử tri quận 10 và quận 11 bày tỏ đồng tình với việc lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt của QH. Tuy nhiên, cử tri Hoàng Ngọc Cương (quận 10) cũng góp ý với QH chỉ nên đề ra 2 mức đánh giá là tín nhiệm hay không tín nhiệm thay vì 3 mức như vừa qua. “Nếu lấy ý kiến theo 3 mức tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp thì hóa ra không ai rơi vào trường hợp không được tín nhiệm cả. Dù ĐB có không tín nhiệm một ai đó đi chăng nữa cũng không có cách nào để thể hiện chính xác đánh giá của mình. Bởi vậy, để thẳng thắn, rõ ràng, chỉ nên đưa ra hai phương án có hay không tín nhiệm mà thôi” - cử tri Cương hiến kế. Thay mặt tổ ĐBQH, đại biểu Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP HCM, khẳng định Đoàn ĐBQH TP HCM nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với các vấn đề lớn của đất nước cũng như tình hình kinh tế- xã hội của TP HCM. “Vấn đề nào thuộc thẩm quyền TP sẽ tập trung giải quyết, cái nào có liên quan thì kiến nghị lên trên với mục đích cao nhất là kéo giảm bức xúc trong nhân dân” - Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải khẳng định. Q.Hiền - Ph.Anh |
Bình luận (0)