Diện tích này chồng lấn lên nương rẫy của đồng bào Ma Coong khiến họ lâm vào khó khăn, phải phá rừng khác để làm nương rẫy.
Từ bao năm qua, rừng chính là gia tài của đồng bào Ma Coong bởi bên những triền đồi dọc các mép rừng, bà con đã tạo lập nương rẫy để canh tác. Khi UBND tỉnh Quảng Bình giao đất khu vực rừng này cho Công ty Minh Trí, người dân mất đất, cuộc sống bị đảo lộn. Để tồn tại, họ buộc phải men qua những sườn đồi rất xa để phá rừng làm nương rẫy mới.
Rẫy của hộ ông Đinh Xòn (56 tuổi, một già làng ở bản Cà Ròng 1, xã Thượng Trạch) nằm tít trên ngọn đồi cách bản khoảng 3 km. Cuộc sống của cả gia đình già làng dựa cả vào khoảnh rẫy này. Khi Công ty Minh Trí được cấp phép để trồng cao su thì diện tích rẫy trên cũng không còn. “Họ lấy đất, già cùng con cháu phải tìm rừng khác phát rẫy mới để trồng cây mà có cái bỏ vào bụng. Nhưng già không vừa lòng khi họ lấy rẫy mà không nói cho mình một tiếng. Chừ biết phải mần răng” - ông Xòn ta thán.
Rất nhiều hộ dân của bản Me Lỳ và Cu Tồn cũng bị công ty lấy mất rẫy trồng cao su. “Bà con làm độ 3 mùa rẫy thì bỏ đất hoang để cây cối tái sinh, đất không bị bạc màu. Sau đó ít năm thì quay lại phát cây làm rẫy, cứ như vậy xoay vòng quanh năm. Nhưng giờ nhà nước giao đất cho Công ty Minh Trí rồi, chúng tôi sống ra sao?” - một người dân nơi đây cho biết.
Thiếu đất để sản xuất, nhiều người dân Ma Coong đã đánh liều vào những khu vực mới để phát rừng làm nương rẫy. Dọc theo con đường vào sâu bên trong các bản làng khoảng 10 km, nhiều diện tích rừng bị chặt phá, cây cối bị đốt cháy trơ trụi. Ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, cho biết vùng rừng này khoảng 300 ha, trước đây là rừng nguyên sinh nhưng thời gian gần đây bà con lên khai hoang để canh tác.
Mới đây, có mặt tại khu vực rừng sát với vùng đệm của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi thuộc diện tích đất được giao cho Công ty Minh Trí trồng cao su, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều cánh rừng bị tàn phá, đốt cháy chỉ còn trơ trụi gốc. Nghiêm trọng hơn, nơi đây là thượng nguồn của các con sông chảy qua Phong Nha, một khu vực hết sức quan trọng đối với hệ sinh thái, hệ thống sông ngầm và hang động. Nếu rừng bị chặt phá thì trong tương lai gần sẽ nảy sinh ra nhiều hệ lụy đáng tiếc đối với di sản Phong Nha - Kẻ Bàng.
Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Quảng Bình và các cơ quan chức năng đề nghị tạm dừng dự án trồng cao su tại xã Thượng Trạch để đánh giá toàn diện tác động mà những dự án này có thể gây ra.
Chặt gỗ rừng đưa về xuôi
Nhiều người dân Thượng Trạch cho biết khu vực này trước đây là rừng nguyên sinh có nhiều cây gỗ lớn. Tuy nhiên, khi được giao đất rừng từ tháng 4 đến nay, Công ty Minh Trí đã thuê người đến phát rừng, cưa cây để trồng cao su. Nhiều cây gỗ quý bị đốn hạ được chuyển về các bãi tập kết của doanh nghiệp rồi chuyển về xuôi.
Bình luận (0)