Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, hầu hết lãnh đạo các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Dương đều cho rằng UBND tỉnh Đồng Nai nên thông tin việc thực hiện dự án lấp sông Đồng Nai với Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (gọi là Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai), đồng thời “đừng vì lợi ích nhỏ trước mắt mà sẽ phải trả giá rất đắt trong tương lai”.
Tất cả đều ngỡ ngàng
Ông Lê Thanh Cung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, xác nhận đến nay trên danh nghĩa, ông vẫn còn là Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai (nhiệm kỳ 2013-2015). Ông Cung cho biết: “Tôi đã phân công, giao nhiệm vụ lại cho ông Bùi Cách Tuyến (Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai - PV) . Ông Tuyến là người thường trực giải quyết công việc. Nếu việc gì cần thì ông Tuyến báo cáo tôi hoặc là cho họp thường trực. Đến nay, tôi vẫn chưa nghe báo cáo, chưa biết chuyện lấp sông Đồng Nai”.
Theo ông Cung, về nguyên tắc, những chuyện lớn liên quan đến sông Đồng Nai, trước khi làm, các thành viên phải hỏi ý kiến lãnh đạo Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai.
Khi được đề nghị đánh giá về tác động của dự án này đối với Bình Dương và các tỉnh, thành nằm trong lưu vực, ông Cung nói: “Tôi chưa nhận được một chữ nào về nội dung dự án thì làm sao trả lời chặt chẽ được”!
Ông Cung cho biết khoảng vài tháng tới, ông sẽ bàn giao chức chủ tịch Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai. Theo quy trình dự kiến trước đó, người kế nhiệm là lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai.
Ông Nguyễn Đức Luyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, thành viên Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai - cũng ngỡ ngàng: “Dự án lấp sông Đồng Nai nào tôi có biết đâu. UBND tỉnh Đắk Nông cũng chưa được thông báo gì hết. Chắc họ chỉ mới dự kiến chứ không thể lấp sông mà không tổ chức cuộc họp hoặc hội thảo để đánh giá tác động của các tỉnh, thành thuộc lưu vực”.
Theo ông Luyện, đã có Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai nên bất kỳ một tác động nào vào con sông Đồng Nai thì tổ chức này cần triệu tập cuộc họp. “Tôi chưa biết dự án lấp bao nhiêu, tại vị trí nào trên sông Đồng Nai nên chưa thể nói tác động cụ thể nhưng chắc chắn khi hạn chế dòng chảy ở phía hạ nguồn thì sẽ tác động đến lưu vực đoạn qua tỉnh Đắk Nông.
Đừng làm trái quy luật tự nhiên
Là nơi đầu nguồn của sông Đồng Nai, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Lâm Đồng cũng tỏ ra vô cùng lo ngại trước dự án lấp con sông này. Ông Lương Văn Ngự, Phó Giám đốc Sở TN-MT, nhận định: “Sông Đồng Nai là một con sông liên tỉnh, có lưu vực trải dài trên 11 tỉnh, thành chứ không riêng Đồng Nai nên sẽ có tác động từ thượng nguồn đến hạ nguồn. Đừng vì lợi ích nhỏ trước mắt mà phải trả giá rất đắt trong tương lai”.
Ông Ngự cho rằng đừng làm trái với quy luật tự nhiên, bất cứ sự can thiệp nào vào dòng chảy của con sông đều bị tác động ngược lại. Đã là quy luật thì tỉnh Đồng Nai nên biết cầu thị.
Theo ông Ngự, các vấn đề liên quan đến nước ngày càng trở nên nghiêm trọng và phức tạp do sự gia tăng về dân số, quá trình đô thị hóa, suy thoái chất lượng nước, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. “Ngày Nước thế giới (22-3) năm nay chọn chủ đề “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”. Do vậy, tỉnh Đồng Nai nên nhìn vào thực tiễn, không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc sau này” - ông Ngự lưu ý.
Nếu dự án trên vẫn tiếp tục được triển khai thì chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng cả thượng nguồn và hạ nguồn của sông Đồng Nai. “Lâm Đồng có thể bị ảnh hưởng nếu vào mùa mưa lũ, dòng chảy bị tắc nghẽn, nước không lưu thông được thì chuyện bị ngập lụt là chắc chắn xảy ra. Đồng thời, ở hạ lưu sông Đồng Nai, vào mùa khô, nước bị cạn, hạn hán xảy ra là tất yếu” - ông Ngự phân tích.
Bình luận (0)