Trước tình hình khó khăn về vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhiều dự án giao thông trọng điểm đang được thi công dang dở trên địa bàn TPHCM phải nằm chờ cho qua ngày đoạn tháng. Những dự án chuẩn bị đầu tư còn thê thảm hơn vì tiền rót về cực kỳ nhỏ giọt.
Chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu
Theo Sở GTVT, vốn dành cho xây dựng cơ bản năm 2011 của sở chỉ được cấp 2.172 tỉ đồng. Nếu trừ đi 700 tỉ đồng hoàn trả tạm ứng cho dự án cầu Phú Mỹ và 350 tỉ đồng cho dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè thì vốn dành cho xây dựng cơ bản còn lại 1.122 tỉ đồng. Con số này chỉ bằng 54% số vốn của năm 2010 và chỉ đạt 30% tổng nhu cầu vốn năm 2011.
Tiến độ thi công Tỉnh lộ 10 đang chựng lại vì thiếu vốn
Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ có vài dự án được cấp vốn đủ như dự án xây dựng cầu Phú Long, cầu Rạch Tra… Phần lớn các dự án cấp bách còn lại rơi vào tình trạng không được bố trí vốn hoặc bố trí không đầy đủ.
Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Phòng Quản lý Xây dựng công trình giao thông đường bộ - Sở GTVT TPHCM, cho biết các dự án chuyển tiếp từ năm trước đến nay chưa được giao vốn, trừ dự án mở rộng Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh) mới được giao 150 tỉ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng.
Như vậy, sau một năm rưỡi kiên trì xin 400 tỉ đồng tiền vốn, đến nay, dự án này chỉ được cấp nhỏ giọt 150 tỉ đồng - chưa bằng phân nửa số vốn đề xuất.
Các dự án chuẩn bị khởi công còn thê thảm hơn vì tiền vốn “chạy” về cực kỳ nhỏ giọt, thậm chí không có. Hiện nay, nhiều dự án đang được gấp rút chuẩn bị thủ tục đầu tư, xong xuôi rồi bắt đầu… ngồi đợi cơ quan chức năng duyệt vốn.
Chưa biết “số phận” ra sao
Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1, cho biết đang khẩn trương xin vốn để hoàn thành 2 dự án rất cấp bách là đường Bến Vân Đồn (quận 4) và Tỉnh lộ 10B (quận Bình Tân).
Còn các dự án chuẩn bị đầu tư như cầu Băng Ky, đường trục Bắc Nam từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh, mở rộng đường Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý thuộc vào nhóm có nguy cơ xếp xó vì thiếu vốn.
Ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2, cũng chỉ hy vọng được bố trí 20 tỉ đồng cho dự án xây dựng hoàn thiện nút giao thông Gò Dưa (quận Thủ Đức) vì đây là công trình được TP đặt quyết tâm xóa “án treo” 8 năm.
Ngoài ra, ông Hùng cho biết đơn vị ông cũng đang kiên trì xin bổ sung vốn cho dự án nút giao thông cổng chính Đại học Quốc gia TPHCM.
Tương tự, ông Trần Quang Vinh, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3, cũng đang bức xúc vì các dự án chuẩn bị đầu tư chưa được ghi vốn, như: 10 cầu trên Tỉnh lộ 9, cầu Tỉnh lộ 9 trên đường Nguyễn Văn Bứa nối giữa huyện Hóc Môn - TPHCM và huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
“Trong trường hợp cầu Rạch Tra được thông xe vào cuối năm 2011, tải trọng cầu trên Tỉnh lộ 9 vẫn không thể nâng lên được vì 10 cây cầu còn lại có tải trọng rất thấp. Hiện tại, cầu Tỉnh lộ 9 trên đường Nguyễn Văn Bứa có tải trọng 13 tấn, trong khi xe container rầm rập lao qua mỗi ngày, nếu không xây lại cây cầu này sớm thì nguy cơ sập cầu rất cao”- ông Vinh giãi bày.
Riêng các dự án chuẩn bị đầu tư, ông Thắng cảnh báo nếu trong năm nay không ghi vốn cho dự án nào thì sang năm 2012 sẽ không có dự án nào được khởi công và hoàn thành.
Rõ ràng, các khu quản lý giao thông đô thị đang có tâm trạng chung: Vốn thì vẫn cứ xin, còn chuyện có giao vốn hay không thì phải chờ mới biết, dĩ nhiên tiến độ hoàn thành của các dự án cũng trở thành một “ẩn số” khó đoán!
Hiện tại, lượng xe cá nhân trên địa bàn TP đã lên đến con số 5,2 triệu chiếc. Trung bình mỗi ngày có gần 100 ô tô và 1.000 xe gắn máy đăng ký.
Trong khi các dự án hạ tầng giao thông đang “bò” về đích vì vướng giải phóng mặt bằng và thiếu vốn thì xe cá nhân vẫn giữ tốc độ tăng trưởng nhanh khiến khoảng cách giữa phương tiện giao thông và hạ tầng giao thông ngày càng cách xa nhau.
Vốn duy tu cũng thiếu
Ông Lê Quyết Thắng cho biết chẳng những vốn dành cho các dự án cấp bách thiếu trầm trọng mà vốn dành cho công tác duy tu cây xanh và chiếu sáng cũng eo hẹp không kém. Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 cũng đã kiến nghị UBND TP cấp vốn cho công tác này.
Theo ông Thắng, đến hết tháng 7-2011, sẽ không còn đồng vốn nào cho việc duy tu cây xanh và chiếu sáng ở 11 quận mà Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 quản lý. “Cây xanh không tưới một ngày là hỏng, chiếu sáng một ngày không thắp là có chuyện ngay” - ông Thắng cảnh báo. |
Bình luận (0)