Kết thúc buổi giám sát tại Sở GTVT TP sáng 3-11, ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, đưa ra nhận xét: “Các công trình trọng điểm do Sở GTVT làm chủ đầu tư tiến độ vẫn còn chậm, thiếu vốn và có phần quá sức trong quản lý”.
Cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức) đã thi công xong nhiều năm nay nhưng chưa thể đưa vào sử dụng do chưa có đường dẫn vì vướng đền bù giải tỏa. Ảnh: Như Phú
Câu chuyện... mặt bằng
Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, lý giải nguyên nhân chậm của các dự án giao thông đang triển khai phần lớn là do vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo ông Phượng: “GPMB không xong thì Sở GTVT cũng bó tay. Đó là câu chuyện của GPMB rùa chứ không phải thi công rùa”. Vì vậy, ông Phượng đã đề xuất UBND TP cho ngừng các dự án, khi nào GPMB xong mới tiến hành thi công, lúc đó sẽ biết được đơn vị nào làm chậm và dễ dàng xử phạt.
Nhận thấy khâu GPMB cần phải có một “cú hích”, ông Phượng kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo GPMB có đủ sức mạnh để phần việc này được nhanh hơn và quyết liệt hơn. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng không tán thành và cho rằng nên bỏ việc thành lập những cơ chế “lưng lửng” kiểu này vì không có tính pháp lý, hơn nữa TP đã có quá nhiều ban chỉ đạo và tổ công tác.
“TP ấn định thời gian 3 – 5 tháng phải giao mặt bằng nhưng cũng chưa xem ở dưới có bị vướng cái gì hay không để giải quyết. Không có mặt bằng thì có vốn, có thi công nhanh cũng không làm gì được. Điển hình là dự án cầu vượt Gò Dưa, do cách làm của chúng ta chưa được nên chỉ đạo mãi vẫn không xong việc GPMB”- ông Hoàng nhận định.
Tương tự, ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách, cũng không tán đồng việc thành lập Ban Chỉ đạo GPMB. “GPMB không xong chúng ta cần xem lại cơ chế chính sách và phương pháp xử lý. Chẳng hạn giá đền bù ở quận 9 và quận Thủ Đức của dự án xa lộ Hà Nội không giống nhau, dẫn đến tâm lý “so kè” nên người dân không chịu đi.
Huyện Nhà Bè có cây cầu tới 4 mức giá bồi thường, người dân nào gương mẫu đi trước thì lại thiệt thòi. Chính sách giá không rõ và chuyện tái định cư không xong thì có 10 ban chỉ đạo cũng không làm được”- ông Hùng nói. Vì vậy, ông Hùng cho rằng cần phải xem xét lại chính sách giá và chính sách tái định cư, như vậy công tác GPMB mới nhanh chóng.
Vốn đã đi đâu?
Theo ông Phượng, một nguyên nhân nữa khiến các công trình giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ là do không đáp ứng kịp thời về vốn đầu tư. Ông Đông chất vấn: “HĐND đã ghi vốn 14.000 tỉ đồng cho các dự án hạ tầng nhưng UBND TP đã giao đến 23.000 tỉ đồng, như vậy Sở GTVT kêu thiếu vốn là tại sao? Vốn có tập trung vào các công trình trọng điểm hay chưa? Theo báo cáo, Sở GTVT quản lý 173 dự án, Sở Kế hoạch – Đầu tư đã thừa nhận tình trạng đầu tư dàn trải, với số lượng dự án quá nhiều như trên nhưng năng lực lại có hạn, như vậy Sở GTVT có quá sức trong quản lý?”.
Về vấn đề “đội” vốn đầu tư của các dự án, ngoài nguyên nhân xuất phát từ việc GPMB chậm còn do sự yếu kém của đơn vị tư vấn lập dự án. Đại diện của Sở Tài chính đề nghị phải ràng buộc trách nhiệm của tư vấn lập dự án vì đã thiết kế dự án quá sơ sài, làm phát sinh nhiều hạng mục khi thi công trong thực tế dẫn đến việc tăng vốn đầu tư.
Ông Phượng nhìn nhận: “Trình độ tư vấn trong nước chưa theo kịp khu vực và thế giới. Trên địa bàn TP có quá nhiều dự án triển khai nên TEDI South (Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế GTVT phía Nam) và TEDI (Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT) không thể đáp ứng đủ nhu cầu”. Ông Phượng cho biết đối với những công trình trọng điểm của TP, từ đây về sau phải mời tư vấn nước ngoài tham gia, thế nhưng còn phải bàn thêm về cơ chế chính sách.
9 dự án chậm
Trong năm 2010 có 10 dự án trọng điểm do Sở GTVT và các đơn vị trực thuộc sở làm chủ đầu tư. Bao gồm: dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè; cầu Hoàng Hoa Thám; nút giao thông Gò Dưa; đường nối Bình Thái - Gò Dưa; trung tâm điều hành giao thông; cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội; cầu Phú Long; khai thông tuyến đường thủy nội địa ngã ba Đèn Đỏ - Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 qua ngã Giồng Ông Tố; khai thông tuyến đường thủy nội địa nối sông Sài Gòn - sông Đồng Nai qua ngã Rạch Chiếc; dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.3 từ thượng lưu cầu Kinh đến cầu Bình Triệu.
Trong 10 dự án này chỉ có dự án cầu Hoàng Hoa Thám hoàn thành. |
Lo “hố tử thần” sẽ còn xuất hiện
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng đang lo lắng sẽ tiếp tục xuất hiện thêm “hố tử thần” trên đường phố vì Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đang tăng áp lực nước để đẩy nước về huyện Nhà Bè, Bình Chánh, quận 8. Theo phân tích, 72% “hố tử thần” xuất hiện là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật và ống cấp nước cũ kỹ.
Theo ông Phượng, có nhiều “lỗ hổng” thấy trước nhưng việc sửa chữa quá lề mề, nguyên nhân cũng do sự phối hợp giữa các bên chưa chặt chẽ. Hiện TP đã cho phép mua một số máy dò bằng sóng siêu âm để dò tìm phát hiện những nơi có khả năng lún, sụp mặt đường. |
Bình luận (0)