Ngày 27-5, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) bày tỏ bức xúc về tình trạng nhà công vụ biến tướng thành nhà tư.
Nhùng nhằng không chịu trả
Đi thẳng vào vấn đề gây phản ứng trong dư luận ở một số thành phố lớn, nhất là Hà Nội, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết: “Nhiều cán bộ khi luân chuyển công tác về Hà Nội được bàn giao nhà công vụ nhưng lúc về hưu, chuyển công tác đã không chịu trả lại. Đến khi báo chí phản ánh, người thì nói mới chuyển công tác chưa kịp trả lại, người lại bảo không biết trả lại cho ai... là vô lý”.
Bà An đề nghị dự luật phải quy định rõ ràng về tiêu chí ai được ở nhà công vụ - ví dụ phải cấp vụ trưởng, thứ trưởng trở lên - và khi nào thì phải thu hồi ngay để bàn giao cho người khác.
Tán đồng, ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) nhìn nhận: “Nhà công vụ thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước chỉ cho cán bộ mượn, sử dụng trong một thời gian nhất định chứ không phải cho sở hữu riêng. Nếu ai không trả lại là xâm chiếm tài sản, vi phạm pháp luật, phải xử lý”.
ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) bày tỏ sự không đồng tình với tình trạng nhà công vụ đang bị biến tướng thành nhà cá nhân. “Thậm chí, có người đã chuyển công tác nhưng vẫn giữ chặt cho con cháu ở trong những căn nhà giá cả chục tỉ đồng. Rồi bao nhiêu nhà công vụ hứa trả nhưng không chịu trả. Đáng nói là có nhiều người được cấp đất làm nhà ở rồi nhưng vẫn không trả nhà công vụ, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận, thậm chí đó là người có chức vụ cao” - ông Kiêm gay gắt.
Đưa ra dẫn chứng hiện nay, mỗi căn nhà công vụ diện tích trên 100 m2 giá thuê ngoài thị trường trên 4 triệu đồng/tháng nhưng chỉ cho cán bộ thuê với giá khoảng 500.000 - 600.000 đồng/tháng, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) khẳng định đây là sự bất bình đẳng. Ông bức xúc: “Cán bộ cấp nhỏ có, cấp to cũng không thiếu. Họ không ở thì cho thuê, cho con cháu ở”. Ông Hà kiến nghị ban soạn thảo nên thiết kế lại quy định, trong đó cho phép các công ty quản lý về nhà ở công vụ.
ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) đề xuất trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không nên phát triển nhà công vụ tràn lan mà chỉ với trường hợp cần thiết, còn lại tính vào lương.
“Mỹ miều ngôn từ”
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, ông Đỗ Văn Đương (TP HCM), cho rằng giữa 2 luật vẫn có sự nhập nhằng, việc tạo ra khía cạnh minh bạch cũng chỉ “mỹ miều ngôn từ”. “Nhiều năm qua, hàng loạt chủ đầu tư lấy tiền khách hàng rồi người dân dài cổ chờ 5-7 năm vẫn chỉ thấy bãi đất hoang. Đây có thể là lừa đảo không? Tôi cho rằng cần khởi tố” - ông Đương gay gắt.
Đề cập một thực trạng bức thiết tại các khu chung cư ở Hà Nội và TP HCM, đặc biệt là các khu tái định cư, ĐB Đỗ Văn Đương đặt vấn đề trường hợp có nhà mà không có đường đi thì người dân sống thế nào; hay chung cư thang máy hỏng 5-6 năm mà không sửa, trong khi nhà cao 26-27 tầng... “Tiền quỹ sử dụng như thế nào? Quá nhiều thứ bất cập dẫn đến khiếu kiện thời gian qua. Vì thế, cần cơ chế quản lý nguồn vốn nhà đầu tư. Cần tay ba chủ đầu tư - khách hàng - ngân hàng” - ĐB Đương góp ý.
ĐB Bùi Thị An cho rằng Luật Nhà ở ra đời phải góp phần cải tạo các chung cư cũ. Bà An nêu ví dụ TP Hà Nội có rất nhiều chung cư tuổi thọ hơn nửa thế kỷ, cần phải có quy định bằng luật về trách nhiệm cải tạo. Do thiếu luật định nên TP Hà Nội đã cố gắng nhưng vẫn vướng mắc.
Về việc đầu tư bất động sản của người nước ngoài, ĐB Đỗ Văn Đương nghi ngại trước tình hình mới của đất nước. “Nếu chủ trương mở quá mà không quy định chặt chẽ, con cháu “ông hàng xóm” sang đầu tư thì đến bao giờ chúng ta đòi được?” - ĐB Đương lo ngại.
Tán đồng, ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) cho rằng điều kiện mua nhà của người nước ngoài quy định theo dự luật là quá đơn giản khi chỉ nhập cảnh 3 tháng là được. Trong khi đó, dự Luật Xuất nhập cảnh đang được thảo luận cũng chi phối việc này.
Ưu đãi học sinh học nghề
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề chiều 27-5, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH - đồng ý với việc đấu thầu, đặt hàng đào tạo nghề song đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ phương thức và quy trình đấu thầu, đặt hàng đào tạo nghề. Ông Thi cũng đề nghị nghiên cứu thể chế hóa cụ thể chủ trương phân luồng học sinh sau THCS theo hướng tăng cường tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh dạy nghề; ưu đãi học sinh tốt nghiệp THCS theo học nghề…
Bình luận (0)