Bác viết “Trước hết nói về Đảng” vào giữa năm 1965 khi Mỹ chuyển sang “chiến lược chiến tranh cục bộ”, lính Mỹ ồ ạt đổ vào miền Nam, máy bay Mỹ đánh bom khắp các vùng ở miền Bắc. Trước thử thách sống còn ấy, Đảng phải vững vàng và nỗ lực vượt bậc mới có thể chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua phong ba bão táp. Do đó, câu “Trước hết nói về Đảng” phải được hiểu là Bác khẳng định Đảng trước hết phải chịu trách nhiệm với nhân dân về sự nghiệp giải phóng dân tộc nên toàn Đảng phải thực sự đoàn kết mới đủ sức đảm nhiệm sứ mệnh trọng đại đó.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn sau khi thắng lợi hoàn toàn, “việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Đó là thời kỳ quân dân miền Nam đang phải đối phó với cuộc phản kích quy mô lớn và vô cùng ác liệt của nửa triệu quân Mỹ sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968). Trong tình thế hết sức căng thẳng, Bác vẫn nhắc đến chỉnh đốn Đảng. Phải chăng, Bác đã dự cảm được điều gì có thể nảy sinh trong Đảng sau chiến thắng?
Để cảm nhận được những dự cảm ấy của Bác, ta hãy lần theo tác phẩm Sửa đổi lối làm việc Bác viết vào năm 1947 đến bản Di chúc năm 1968 và Nghị quyết Trung ương 4 năm 2012.
Năm 1947, Đảng mới nắm chính quyền được 2 năm và đang lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong điều kiện vô cùng khó khăn ác liệt và thiếu thốn về vật chất… nhưng Bác đã cảnh báo về những dấu hiệu “chớm bệnh” của Đảng cầm quyền: “Vào Đảng không phải để làm quan, phát tài…; phải chống bệnh chủ quan, hẹp hòi, quan liêu, mệnh lệnh, ép buộc… thói ba hoa sáo rỗng, xa rời thực tế, tham lam, lãng phí, cục bộ gia đình, địa phương trong công tác cán bộ…”.
Có thể nói, tác phẩm này giống như một “bệnh án” và “đơn thuốc” điều trị. Hơn 20 năm sau, trong Di chúc, Bác lại nhắc: Sau chiến thắng “… trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Phải chăng, Bác vẫn cảm thấy chưa yên tâm về điều này?
Đầu năm 2012, Nghị quyết Trung ương 4 một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng đã thừa nhận: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp…, suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng, ích kỷ, cơ hội, chạy theo danh lợi, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc; công tác xây dựng Đảng còn yếu kém, kéo dài nhiều nhiệm kỳ, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Dường như tất cả những “căn bệnh” mà Bác nhắc đến từ năm 1947 lại hiện lên đầy đủ trong Nghị quyết Trung ương 4. Không những thế, chúng còn liên kết thành “một bộ phận không nhỏ” và có thể “thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Nói cách khác, những dự cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc và trong Di chúc đã được chứng minh bằng nhận định của Nghị quyết Trung ương 4.
Di chúc của Bác Hồ là ánh sáng soi đường cho sự phát triển của đất nước nên nhân dân đang kỳ vọng Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng còn có thể dùng ánh sáng đó để xóa đi những “vùng tối và những góc khuất” mà “một bộ phận không nhỏ…” đang ẩn nấp.
Bình luận (0)