Tour du lịch này đang được Công ty Du lịch Hội An Kayak tours (xã Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) triển khai ở TP Hội An.
Trải nghiệm thú vị
Cuối tuần qua, chúng tôi có cuộc trải nghiệm hết sức thú vị khi tham gia chuyến du lịch do Công ty Hội An Kayak tours tổ chức. Ngoài nhóm tình nguyện Không gian đọc Hội An (gồm giáo viên và sinh viên Trường ĐH Phan Châu Trinh) còn có anh Paul Lasenby (quốc tịch Anh) là du khách nước ngoài.
Bắt đầu hành trình, anh Nguyễn Văn Long, Giám đốc Hội An Kayak tours và các cộng sự chỉ dẫn cho du khách cách bơi thuyền Kayak. Hai du khách đi trên một thuyền, mỗi người một tay chèo, vợt và nhiều bao tải đựng rác. Suốt hành trình, ngoài một nhân viên điều khiển tàu máy có nhiệm vụ tập kết rác trên những chiếc Kayak, du khách sẽ tự bơi thuyền và vớt rác.
Qua khỏi khu rừng dừa Bảy Mẫu, đoàn khách đi trên những chiếc Kayak vừa thả hồn vào khung cảnh đẹp như tranh ở ven sông vừa hào hứng với những “chiến lợi phẩm” đầu tiên thu được là túi ni-lông, hộp đựng thức ăn vướng ở các gốc dừa nước. Nhiều du khách còn trêu đùa, tranh nhau… vớt rác trong không khí hết sức vui nhộn.
Anh Long khuyến cáo mọi người không phải tranh giành vì đi tiếp sẽ không có sức mà vớt rác. Đúng thế, càng tiến sâu vào sông Hoài - nơi có những nhà hàng, khách sạn ven sông - rác thải càng nhiều. Có đoạn rác thải tấp thành đống, hôi thối không tả nổi. Ở khu vực chợ Hội An, rác thải đủ loại ken kín sông. Thấy chúng tôi vớt rác nhưng nhiều người vẫn hồn nhiên quét dọn, vứt rác xuống sông như chẳng có chuyện gì xảy ra.
“Các cô, các bác đừng vứt rác xuống sông nữa nhé. Vứt rác xuống sông thì môi trường ô nhiễm, cá chết hết, con cháu lấy gì mà ăn!” - anh Long kêu gọi.
Muốn thay đổi nhận thức
Kết thúc hành trình khoảng 8 km đường sông từ Cẩm Thanh đến khu vực Chùa Cầu (phường Minh An, TP Hội An) trong hơn 3 giờ, chúng tôi vớt được đầy một thuyền máy với khoảng 1 tấn rác, đa phần là chất thải khó phân hủy như túi ni-lông, chai lọ, đồ hộp…
“Rất thú vị! Khá mệt nhưng bù lại, tôi có được niềm vui vì đã cùng các bạn thực hiện xong một việc tốt để bảo vệ môi trường. Hội An rất đẹp nhưng ý thức của nhiều người dân còn thấp. Các bạn phải làm việc và bảo vệ môi trường. Nếu không, di sản này sẽ bị hủy hoại, du khách sẽ quay lưng, không đến đây nữa” - anh Paul trải lòng.
Anh Long cho biết trước đây, anh làm việc cho một công ty du lịch ở tỉnh Quảng Ninh. Năm 2014, chàng thanh niên quê Hà Nội này quyết định vào Hội An lập nghiệp. Ngoài làm hướng dẫn viên du lịch, anh Long còn kết hợp với các công ty tổ chức sự kiện.
Đầu năm nay, sau thời gian thai nghén, anh Long đưa vào hoạt động tour du lịch này. Hiện mỗi tuần có một tour vào thứ bảy. Anh phải đầu tư hàng chục thuyền, thuê 3 nhân viên làm nhiệm vụ vận chuyển rác từ sông đến bãi. Anh Long cho biết mong muốn du khách chia sẻ với mình để bảo vệ môi trường Hội An chứ không nghĩ sẽ được thu lời từ tour du lịch này. Hiện mức phí cho mỗi du khách đi tour này là 10 USD.
“Đa số người tham gia là khách nước ngoài và sinh viên (được miễn phí) chứ người Việt mình chưa có ai. Đi nhiều nơi, tôi biết điều kiện tiên quyết để làm du lịch là môi trường sạch đẹp, trong lành. Một TP du lịch như Hội An mà để dòng sông đầy rác như vậy thật khó chấp nhận. Tôi mong việc làm của mình có thể thay đổi nhận thức của người dân chứ ai chia sẻ cho mình mãi được. Một người vớt, 10 người xả rác thì làm sao vớt hết” - anh Long băn khoăn.
Chấn chỉnh tiểu thương chợ Hội An
Khi thấy chúng tôi chèo thuyền vớt rác, chị Nguyễn Thị Hà (phường Cẩm Châu, TP Hội An), chủ một quán bar bên sông Hoài, ra hỗ trợ gom rác. Chị còn lấy nước mời đoàn uống và khẳng định từ nay không bao giờ xả rác xuống sông, đồng thời sẽ tuyên truyền cho nhiều người khác.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, địa phương đã nhận được nhiều phản ánh về việc tiểu thương chợ Hội An vứt rác xuống sông Hoài. TP đã triển khai nhiều biện pháp xử lý nhưng nhiều người vẫn lén lút vứt rác. Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục chấn chỉnh, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân.
Bình luận (0)