Căn nhà lụp xụp chừng 25 m2 của bà Đoàn Thị Ưởng (39 tuổi, ngụ thôn Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) là nơi tá túc của 10 người. Hôm chúng tôi đến thăm, Đoàn Thị Chút (con gái bà Ưởng) vừa bắt được 1 con cóc sau rẫy mang về. Cả nhà mừng rỡ vì hôm nay sẽ được bữa thịt sau nhiều ngày sống bằng cháo, rau rừng và muối ớt.
Nhiều chính sách cần thay đổi
Hơn 10 năm qua, gia đình bà Ưởng vẫn thuộc diện hộ nghèo. Nhà bà từng vay 5 triệu đồng để mua bò về nuôi nhưng số tiền ấy không đủ mua 1 con bê nên tiền chưa kịp làm gì đã “bốc hơi”. Đây chỉ là một trong hàng trăm hộ nghèo ở tỉnh Bình Định dù được hỗ trợ vẫn loay hoay mãi không thoát nghèo.
Ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Định, kiến nghị cần phải thay đổi các biện pháp hỗ trợ hiện nay bởi “đại bộ phận hộ nghèo không biết cách làm ăn. Nếu chúng ta cứ đầu tư mà không hướng dẫn cụ thể thì chỉ ném tiền qua cửa sổ. Song song với việc hỗ trợ cần phải hướng dẫn theo kiểu cầm tay chỉ việc, đồng thời đầu tư mạnh hơn về hạ tầng giao thông thì mới mong giúp các hộ thoát nghèo”.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Sở LĐ-TB-XH tỉnh đang chi trả trợ cấp xã hội thường xuyên cho 191.000 người thuộc 9 nhóm đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền gần 600 tỉ đồng/năm.
Ông Lê Ngọc Hảo, Phó trưởng Phòng Chính sách bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa, cho biết nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo đã mang lại hiệu quả cao, giúp người dân từng bước thoát nghèo.
Cán bộ ấp Nhuệ Tứ A, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh rà soát hộ nghèođể cho vay vốn. Ảnh: CA LINH
Tuy nhiên, cũng còn nhiều chính sách cần điều chỉnh hay loại bỏ như: Chính sách hỗ trợ bù giá điện cho hộ nghèo theo Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 23-2-2011 của Chính phủ; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/năm đối với người dân ở xã thuộc khu vực II, xã biên giới, bãi ngang, hải đảo, vùng khó khăn và 100.000 đồng cho xã khu vực III. Đây là những chính sách kém hiệu quả khiến người dân trở nên lười nhác, trông chờ, ỷ lại. Công tác chi trả lại phức tạp, mất nhiều thời gian.
“Hay như chính sách hỗ trợ về giáo dục theo Nghị định 49, phần miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên còn lằng nhằng; vì thế nên có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho nhóm đối tượng này” - ông Hảo nói.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk - Chương trình 167 hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khi triển khai nảy sinh nhiều bất cập, không còn phù hợp thực tế. Cụ thể, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng; trong đó, tiền vay lãi suất ưu đãi chỉ 8 triệu đồng, còn lại là tiền hỗ trợ của các cấp. Trong thời điểm chi phí vật liệu tăng cao, người dân không thể xây được nhà với số tiền này. Vì vậy, người dân buộc phải vay mượn với lãi suất cao để xây nhà khiến người nghèo lại thêm nghèo.
“Theo tôi, cần phải rà soát, đánh giá tổng thể hiệu quả các chương trình; từ đó tập trung nâng cao chất lượng một vài chương trình mang lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo hơn là dàn trải như hiện nay” - ông Tâm đề xuất.
Quy về một mối
Hiện có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo nhưng hầu hết các địa phương than rằng những chính sách này còn lắt nhắt, chồng chéo. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Trà Vinh, nhận định: “Các chính sách cho người nghèo nói là hỗ trợ nhưng gần như cho không nên dễ tạo tâm lý bám nghèo. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cho người nghèo lẻ mẻ, không quy về một mối.
Chẳng hạn, chính sách ưu đãi tín dụng cho người nghèo vay vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội đảm nhiệm, Chương trình 167 do Sở Xây dựng tiến hành, Sở LĐ-TB-XH thực hiện mô hình giảm nghèo với kinh phí từ Trung ương…”. Vì thế, ông Chiến đề nghị: Để nguồn lực nhà nước đầu tư cho người nghèo phát huy hiệu quả, điều đầu tiên phải xác định hộ nghèo cần gì để đầu tư cho vay vốn phù hợp. Ngoài ra, cần tuyên truyền để người nghèo chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo.
Chính sự chồng chéo trong chính sách khiến công tác quản lý, đánh giá hiệu quả các chương trình hiện gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Thống, Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk, một số chương trình hỗ trợ hộ nghèo bằng tiền mặt nhưng số tiền quá ít và phân tán nên người dân sử dụng kém hiệu quả.
Khác với tỉnh Khánh Hòa hay TP Đà Nẵng hỗ trợ thêm cho hộ nghèo 270.000 - 300.000 đồng/tháng, tỉnh Phú Yên hiện vẫn giữ mức 180.000 đồng/tháng/hộ nên rất khó để thoát nghèo.
Ông Trần Thanh Bình, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, cho rằng các chính sách hỗ trợ người nghèo hiện nay chỉ như một gánh nước tưới cho cả cánh đồng đang nứt nẻ vì khô hạn.
“Cần có giải pháp mạnh mẽ hơn. Không đầu tư dàn trải, nhỏ giọt mà nên thu hẹp lại theo từng nhóm đối tượng nhỏ và đầu tư mạnh mới mong thoát nghèo bền vững” - ông Bình nêu ý kiến.
Học nghề chưa hiệu quả
Mỗi năm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam mở hàng chục lớp đào tạo nghề miễn phí cho người dân như: chăm sóc vật nuôi, cây trồng, đan lát, dệt, sửa xe... Theo anh Coor Lúp, cán bộ phụ trách dạy nghề Phòng LĐ-TB-XH huyện Tây Giang, khi mở lớp, người dân đều đi học đầy đủ nhưng học rồi để đó, không thấy ai mở trang trại chăn nuôi hay trồng cây để phát triển kinh tế.
Tương tự, tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, mỗi năm có hàng trăm hộ nghèo được đào tạo nghề miễn phí. Tuy nhiên, sau khi lấy chứng nhận đào tạo nghề, do không có việc làm, người dân lại quay về làm rẫy, gây lãng phí lớn. |
Bình luận (0)