Chính quyền xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định ra rả phát loa kêu gọi các hộ nghèo đến nhận bò về nuôi để phát triển kinh tế nhưng chẳng còn mấy ai hưởng ứng.
Giết thịt trâu, bò dự án
Ông Phan Thế Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Hòa, cho biết xã đang gặp khó khăn trong việc tìm hộ nghèo để giao bò theo Chương trình 135 (hỗ trợ người nghèo để phát triển kinh tế). Có chuyện lạ đời này bởi “theo Chương trình 135, nhóm 5 hộ được hỗ trợ 1 con bò cái. Sau khi bò cái đẻ, người nuôi đầu tiên bắt đầu bỏ mặc nó, chỉ chăm sóc bê vì biết chắc bò mẹ sẽ được chuyển giao cho hộ khác. Cứ thế, chỉ mới đến hộ thứ 3 trong nhóm thì bò cái hết sức để đẻ, chẳng còn ai muốn nhận nó” - ông Duy giải thích.
Hộ nghèo ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên được hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế Ảnh: HỒNG ÁNH
Chính sách hỗ trợ huyện nghèo (thường gọi là Chương trình 30a) hỗ trợ bò cho từng hộ dân cũng nảy sinh nhiều bất cập tại 7 huyện khó khăn ở tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 2009 đến 2011, huyện Ba Thước được nhà nước hỗ trợ gần 20,6 tỉ đồng để mua 2.082 con trâu, bò giống nhằm xóa đói, giảm nghèo cho 4.393 hộ. Bình quân, mỗi hộ được hỗ trợ 5 triệu đồng. Với những gia đình quá khó khăn thì 2 hộ chung tiền mua 1 con trâu, bò giống. Thế nhưng, tính đến tháng 7-2012, người dân đã giết thịt hoặc bán 133 con, 109 con chết.
Vợ chồng ông Lèo Seo Sùn bên ngôi nhà rách nát nhưng không có tiền để xây Ảnh: CAO NGUYÊN
Huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã cấp được 1.286 con trâu, bò cho hộ nghèo nhưng hơn 200 con đã bị bán hoặc chết. Có nhiều chuyện lãng xẹt đã xảy ra, như 2 gia đình mua chung 1 con trâu hoặc bò, đến vụ mùa ai cũng muốn dùng cày bừa nên nảy sinh mâu thuẫn rồi phải bán để chia tiền. Một số hộ nghèo khi có cưới xin hay dịp lễ Tết lại đem trâu, bò dự án ra giết thịt.
Chính sách đưa bò giống về cho các hộ nghèo đã được triển khai tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam từ năm 2011. Thế nhưng, đến nay, phần lớn lãnh đạo các xã đều cho rằng chính sách này không mấy khả thi. Ông A Lăng Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Bhallê, cho biết xã đã giao 17 con bò cho hộ nghèo nhưng đến nay, 2 con đã chết, số còn lại thì ngày càng còm cõi. Người dân bỏ mặc bò phơi mưa nắng, không chuẩn bị thức ăn nên chúng đói khát nhiều ngày.
Ông Bríu Hùng - Phó Chủ tịch xã Lăng, huyện Tây Giang - nhận định: “Bò giao về thì người dân cứ cột trong rừng, không chăm sóc. Dù chưa tổng kết dự án nhưng tôi nghĩ kết quả đạt được sẽ không như mong muốn”.
Chồng chéo chính sách
Theo ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Bình Định, tỉnh này đang triển khai 14 chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Một số chính sách chồng chéo, không những phân tán nguồn hỗ trợ mà còn gây khó khăn cho cán bộ cấp cơ sở trong việc giám sát. Chẳng hạn, Chương trình 30A đã hỗ trợ mỗi hộ nghèo 30.000 đồng/tháng tiền điện nhưng tỉnh lại có nghị quyết giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiền dầu thắp sáng.
“Đã có tiền điện rồi thì cần gì tiền dầu? Trong khi đó, 100% thôn, buôn ở tỉnh này đã có điện cả rồi” - ông Hải nói.
Trong những chính sách hỗ trợ người nghèo, huyện Tây Giang thực hiện hỗ trợ cây trồng là ba kích và điền trúc. Theo các cán bộ địa phương, người dân được giao giống cây nhưng không có phân bón nên sau khi trồng xuống thì phó mặc cho thời tiết.
“Nói là hỗ trợ nhưng lại theo hình thức đem con bỏ chợ thì không đạt được kết quả tốt. Chính sách cần phải thay đổi phù hợp thì người nghèo mới phát triển kinh tế bền vững” - ông A Lăng Thành tâm sự.
Tại tỉnh Phú Yên, ông La Lan Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân - cho biết tỉ lệ hộ nghèo ở xã này cao nhất tỉnh với trên 85% nhưng một số chính sách hỗ trợ lại không phù hợp. “Chương trình 134 hỗ trợ người dân nghèo khai hoang lấy đất sản xuất nhưng ở đây toàn rừng với rừng, lẽ nào phá rừng lấy đất? Vì thế, chương trình không thể triển khai được” - ông Dũng băn khoăn.
Thừa nhận một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo còn chồng chéo, ông Trần Thanh Bình - Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB-XH Phú Yên - cho rằng các chính sách này được nhiều ban, ngành triển khai như ban dân tộc, sở LĐ-TB-XH, sở NN-PTNT… Vì không quy về một đầu mối nên rất khó quản lý cũng như điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Chưa được ăn thịt, tiền đâu xây nhà!
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 59.200 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 14,67%. Trong năm 2012, Đắk Lắk thực hiện 13 chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Ông Lèo Seo Sùn (ngụ thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) không nhớ nổi gia đình mình được nhà nước và các tổ chức hỗ trợ bao nhiêu đợt.
“Mấy tháng trước, cán bộ thôn tới nói mình được nhà nước hỗ trợ xây nhà ở. Nghe đâu họ hỗ trợ tổng cộng 20 triệu đồng và mình phải bỏ thêm khoảng 30 triệu đồng nữa mới xây được nhà cấp 4. Nhưng mà lấy đâu ra 30 triệu đồng khi cả tháng nay, gia đình mình chưa được ăn thịt?” - ông Sùn ngơ ngác. |
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-6
Kỳ tới: Đưa cần câu, đừng cho con cá!
Bình luận (0)