xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng để cái xấu lấn át cái đẹp

Lê Trường

Rất nhiều vụ việc gần đây cho thấy cách hành xử thiếu văn hóa, vô cảm, quá ác của không ít người trong xã hội hiện nay

Vụ cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) xảy ra hôm 1-11 làm 13 người chết khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Trong khi công tác cứu hộ và hỗ trợ nhận diện nạn nhân đang được các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành nhằm giảm bớt đau thương cho gia đình của những người xấu số thì lại có những bình luận khiếm nhã về tai nạn này. Thậm chí, đơn vị công tác, chức danh của những người xấu số cũng bị đem ra mổ xẻ, xỉa xói.

Cũng trong ngày 1-11, một chiếc xe chở hàng nhu yếu phẩm từ TP HCM ra Bình Định bỗng bốc cháy. Thay vì dập lửa, nhiều người nhân lúc hỗn loạn đã lao vào “hôi của” mặc cho tài xế khóc lóc, van xin. Hôm 4-11, một cụ bà 78 tuổi đi bán vé số dạo ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị Nguyễn Ngọc Hiển (29 tuổi; ngụ phường Long Bình, TP Biên Hòa) giật 40 tờ vé số rồi bỏ chạy.

Trên đây chỉ là vài vụ việc trong vô số cách hành xử thiếu văn hóa, nếu không muốn nói là vô cảm, quá ác của một bộ phận không nhỏ cư dân trong xã hội hiện nay.

Thực ra, vẫn còn đó không ít những tâm hồn lương thiện, những con người tử tế.

Vụ “hôi của” xảy ra trước Khu Du lịch Suối Tiên (TP HCM) khi một ô tô chở nước giải khát bị lật Ảnh: GIA MINH
Vụ “hôi của” xảy ra trước Khu Du lịch Suối Tiên (TP HCM) khi một ô tô chở nước giải khát bị lật Ảnh: GIA MINH

Hồi giữa tháng 8, một xe tải chở hoa quả từ Nam ra Bắc khi qua cầu Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) thì bị lật, trái cây văng tung tóe ra đường. Ngay lập tức, hàng chục người dân địa phương, khách đi đường đã khẩn trương giúp nhặt lại, thậm chí mua giúp cho tài xế số hoa quả bị dập hỏng.

Hành động đẹp của người dân Quảng Trị nhanh chóng thu hút hơn 20.000 “like” (thích) trên status của một trang Facebook và hàng ngàn lượt chia sẻ. Phần lớn dân mạng tỏ ra cảm kích và mong muốn câu chuyện này được lan tỏa.

Cuối tháng 12-2014, 5 nam sinh của Trường THCS Lý Thường Kiệt (tỉnh Quảng Nam) trên đường đi học đã nhặt được chiếc ví có hơn 24 triệu đồng cùng một số ngoại tệ. Các em đã đến trụ sở công an nhờ liên hệ trả lại người bị mất. Vài ngày trước đó, 2 nữ sinh của trường này cũng trả lại 6 triệu đồng nhặt được. Nghĩa cử của các em rất đáng để người lớn suy ngẫm.

Không đâu xa, giữa tháng 10 vừa qua, khi cơn đại hồng thủy “tấn công” các tỉnh duyên hải miền Trung, hàng triệu tấm lòng của người dân cả nước đã hướng về vùng lũ. Những gói mì tôm, những bình nước sạch, từng viên thuốc, tấm áo, chút tiền… là sự sẻ chia nặng nghĩa tình đối với những gia đình không may trong cơn khốn khó. Còn hình ảnh nào đẹp hơn khi những đoàn cứu trợ, tổ chức từ thiện vượt hàng ngàn km để đến từng vùng hẻo lánh, bị chia cắt do nước lũ để giúp đồng bào bị nạn. Những hành động cao thượng này hoàn toàn trái ngược với hành vi u ám của một số cán bộ xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế hồi cuối tháng 3-2015. Trong khi hàng trăm người dân địa phương vất vả chạy tránh lũ thì những “công bộc của dân” lại tổ chức ăn nhậu ngay tại trụ sở UBND xã.

Đi ngược truyền thống

Nhìn nhận về việc “hôi của” trong các vụ tai nạn, một chuyên gia về giáo dục cho rằng dưới góc độ đạo đức, những người có hành vi “hôi của” đi ngược lại truyền thống tương thân tương ái, hỗ trợ đùm bọc lẫn nhau của dân tộc Việt Nam. Đúng ra, khi thấy xe tải chở hàng hóa bị nạn thì họ phải giúp đỡ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho chủ hàng/tài xế. Đằng này, những người “hôi của” lấy được tài sản thì hoan hỉ, vui vẻ mà không nghĩ đến nỗi khổ, sự mất mát của chủ hàng/tài xế. Đây là hành vi biểu hiện cho sự suy đồi về đạo đức, vi phạm đạo lý, đáng lên án. Thử hỏi đặt vào tình huống nếu những người “hôi của” có người thân gặp nạn như vậy họ sẽ nghĩ như thế nào. Hiện trường bị phá hoại, bằng chứng cũng không còn, điều đó gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra và xác định thiệt hại để phía bảo hiểm có thể can thiệp.

L.Duy

Nuôi dưỡng lòng nhân ái đúng cách

Người ta vô cảm không hẳn là không có duyên cớ. Liệu rằng có nhiều cha mẹ dạy con mình đầy đủ về giá trị lao động để quy đổi những gì mình đang có? Liệu rằng con cái có cảm nhận đầy đủ về tình thương và sự hy sinh của chính mẹ cha để có thể nuôi nấng mình nên người? Con cái có thực sự rơi nước mắt khi trân quý những gì cha mẹ đã dành cho mình bằng cả cuộc đời cực nhọc. Không phủ nhận tất cả nhưng chính những gì con cái có quá dễ dàng, chính một số bậc cha mẹ dùng vật chất để chăm sóc và nuôi dưỡng con cái mà quên đi những giá trị tinh thần, chính các bậc cha mẹ nuông chiều con cái một cách thái quá làm chúng lớn lên và sống rất chủ quan. Từ đó, con không hiểu chính những gì cha mẹ trải qua, quên dần những cảm xúc tích cực đúng nghĩa, quên đi những rung động đích thực của tình thương gia đình… Sự vô cảm xuất hiện theo kiểu sống ích kỷ, muốn mọi thứ cho mình và chỉ biết hưởng thụ.

Song song với tác động đó, công tác giáo dục, mà đặc biệt là bài học về lòng nhân ái, có phần bị xem nhẹ hay chưa thực hiện một cách hiệu quả và bài bản. Không ít nhà giáo tập trung nhiều vào kết quả tri thức mà quên đi việc phát triển năng lực cảm xúc - xã hội. Ngay cả cụm từ kỹ năng sống được khai thác đơn độc bởi người dạy hay người huấn luyện không nhận ra nó song hành với giá trị sống. Tất cả dẫn đến một thực tế đáng buồn là khi sự lựa chọn giá trị đạo đức và nhân văn của học sinh trở nên chông chênh, khi lòng nhân ái không được nuôi dưỡng một cách bài bản và có chân đế, làm sao có thể không dần vô cảm.

Không thể trách cứ sự vô cảm tồn tại. Vì nếu trách người khác vô cảm nhưng động thái hành động lại không cụ thể và thiết thực thì cũng là biểu hiện vô cảm. Mỗi người cần ý thức trách nhiệm của mình, thực hiện ngay theo định hướng nhân văn trong cuộc sống. Hơn thế nữa, cần tích cực nhân rộng những hành vi ứng xử có tình người, những biểu hiện đáng trân quý xuất phát từ trái tim và tấm lòng để con người dần đổi thay ứng xử. Mỗi hành động từ trái tim sẽ lan tỏa và được nhân rộng, người ta sẽ dần có ảnh hưởng tích cực từ cuộc sống.

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo