Người dân bao vây trong ôn hòa. Đến trưa, nhiều người đem bạt đến dựng lều trước cổng nhà máy, yêu cầu chủ doanh nghiệp ra đối thoại.
Trước đó, hôm 11-12, hơn 300 người dân cũng kéo đến trụ sở UBND xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu làm rõ vụ một người dân bị đánh trong cuộc ẩu đả vì mâu thuẫn sau cuộc họp chia tiền đền bù sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra.
Một vụ khác, sáng 5-12, đám đông cư dân địa phương đưa khoảng 30 ô tô ra dừng, chặn đầu cầu Bến Thủy 1 (phía huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) rồi kéo ra trạm thu phí Bến Thủy (phía TP Vinh, tỉnh Nghệ An) để đối thoại, yêu cầu “thu phí đúng luật”...
Không thể kể hết những vụ việc tương tự như thế xảy ra tại hàng chục tỉnh - thành trên cả nước, phần lớn xuất phát từ bức xúc do ô nhiễm môi trường, giá đền bù giải tỏa đất không thỏa đáng, thu phí qua trạm có dấu hiệu sai quy định hoặc cán bộ chính quyền địa phương thực thi công vụ trái luật…
Hầu hết các vụ đều không phải là hành vi bột phát nhất thời của người dân mà đã tích tụ lâu dài. Lời phản ánh, tiếng kêu cứu của họ không được các cơ quan có trách nhiệm lắng nghe và giải quyết thấu tình đạt lý nên mới đẩy mâu thuẫn lên cao trào, âm ỉ mầm xung đột. Như vụ nhà máy thép gây ô nhiễm ở Đà Nẵng, người dân phản ánh đã lâu, chính quyền địa phương thì mãi “đang phối hợp kiểm tra…”! Cơ quan hữu trách ì ạch trong khi sự tàn phá của khói bụi, bột thép… đối với sức khỏe cư dân trong vùng thì không như vậy. Và các nạn nhân đã phải chọn giải pháp mạnh, dù có thể không muốn nhưng vì chẳng còn lựa chọn nào hơn. Kịch bản các vụ bao vây khác, ở các địa phương khác cũng giống như vậy. Tức là bộ máy hành chính nhà nước cấp cơ sở, cụ thể là quận - huyện, xã - phường, có vấn đề. Nói rõ hơn là năng lực xử lý sự vụ và trách nhiệm với công việc vừa yếu lại vừa thiếu.
Bao giờ cũng vậy, để ngăn mầm xung đột, giải pháp tốt nhất là phòng ngừa và giải quyết mâu thuẫn ngay từ đầu. Thẩm quyền giải quyết những vấn đề hay chính sách dân sinh tất nhiên thuộc về các cơ quan công quyền - đại diện cho người dân, được người dân bầu ra để thay mặt họ thực thi quyền lực nhà nước. Đây cũng là chỗ dựa gần như cuối cùng của người dân mỗi khi hữu sự, khi “chỗ” ấy không “dựa” được thì họ phải tự hành động.
Người dân một khi đã đồng lòng lên tiếng và hành động thì khó mà sai! Cán bộ công quyền được bầu lên để làm việc và được nuôi bằng ngân sách do người dân đóng góp thì phải biết xấu hổ khi không làm tròn chức năng, nhiệm vụ. Không thể để tái diễn mãi các vụ người dân bao vây trụ sở doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước để đòi quyền lợi chính đáng mà hiển nhiên thuộc về họ. Kéo dài dễ thành mối nguy. Nên nhớ, mọi sự thành - bại, thịnh - suy đều nhờ dân và do dân; cán bộ đã làm phận “công bộc” thì chớ coi thường, khinh suất.
Bình luận (0)